Số liệu vĩ mô quý 1/2023 công bố sáng nay cho thấy mức tranh tăng trưởng hạn chế. Thị trường chứng khoán suy yếu dần khi kết hợp cả nhu cầu chốt lời ngắn hạn. VN-Index đang giảm 0,45% tương đương -4,74 điểm, với số mã giảm giá nhiều gấp 3 lần số tăng...
Các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index hầu hết giảm giá.
Số liệu vĩ mô quý 1/2023 công bố sáng nay cho thấy mức tranh tăng trưởng hạn chế. Thị trường chứng khoán suy yếu dần khi kết hợp cả nhu cầu chốt lời ngắn hạn. VN-Index đang giảm 0,45% tương đương -4,74 điểm, với số mã giảm giá nhiều gấp 3 lần số tăng.
Phần lớn thời gian giao dịch sáng nay VN-Index chìm dưới tham chiếu. Tuy nhiên mức điều chỉnh chưa lớn. Thậm chí lúc 10h chỉ số chỉ còn giảm 0,4 điểm. Sau khi thông tin vĩ mô được công bố, thị trường yếu hơn, hình thành một nhịp trượt dốc nhanh trong thời gian còn lại.
Thực tế trong cả phiên sáng, độ rộng luôn duy trì khá hẹp. Thời điểm VN-Index phục hồi trở lại sát tham chiếu, HoSE cũng chỉ có 132 mã tăng/147 mã giảm. Đến cuối phiên độ rộng còn 85 mã tăng/251 mã giảm. Như vậy đà trượt dốc ở chỉ số có sự phù hợp trong biến động của giá cổ phiếu trên diện rộng.
Nhóm blue-chips đang gây áp lực chính, dù VN30-Index mới giảm nhẹ 0,36%, còn ít hơn cả chỉ số chính. Nguyên nhân là tác động tăng từ TCB +1,63% và MBB tăng 1,11% giúp VN30-Index có được 1,6 điểm, trong khi chỉ đem lại 0,6 điểm cho VN-Index. Ngoài ra ảnh hưởng từ VHM giảm 1,46%, VPB giảm 1,67%, GAS giảm 0,87% cũng ảnh hưởng mạnh hơn đối với chỉ số chính.
Độ rộng của nhóm VN30 đến cuối phiên sáng chỉ còn 6 mã tăng/21 mã giảm. 7 cổ phiếu trong rổ này đang giảm hơn 1% giá trị, dẫn đầu là PDR giảm 2,01%, VJC giảm 1,88% và BCM giảm 1,94%. Rất may là 3 mã này có vốn hóa nhỏ trong VN-Index nên ảnh hưởng hạn chế.
Dù độ rộng tổng thể của sàn HoSE cho thấy đà giảm giá lan rộng, nhưng biên độ giảm cũng chưa mạnh. Sàn này mới có 88 cổ phiếu giảm hơn 1%, trong tổng số 251 mã đỏ. Tong 88 mã này cũng chỉ có 12 cổ phiếu đạt thanh khoảng trên 10 tỷ đồng. Như vậy hiệu ứng giảm giá vẫn đến từ yếu tố cầu nhiều hơn, khi người mua đã hạ cường độ giao dịch xuống mức rất thấp.
Thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết thậm chí đang giảm 31% so với sáng hôm qua, chỉ đạt 3.771 tỷ đồng, thấp nhất 4 phiên. HoSE giảm giao dịch 30%, còn 3.465 tỷ đồng. VN30 giảm 28%, còn 1.546,6 tỷ đồng.
Dù vậy vẫn còn một số cổ phiếu giao dịch khá hơn mặt bằng chung. HPG tăng 0,72% với thanh khoản rất tốt 245,6 tỷ đồng, cao nhất thị trường. HSG tăng 2,46%, thanh khoản cũng tới 212 tỷ đồng, đứng thứ 3 thị trường. SSI tăng 0,24%, MBB tăng 1,11%, TCB tăng 1,63%, VCI tăng 1,89%, NKG tăng 1,87%, đều đạt thanh khoản trên 100 tỷ đồng và thuộc Top 10 cổ phiếu giao dịch lớn nhất thị trường sáng nay.
Vn-Index trượt giảm nhanh hơn sau khi có báo cáo số liệu vĩ mô.
Do dòng tiền tổng thể trên thị trường suy yếu nên khả năng giữ giá hoặc tăng ở cổ phiếu phụ thuộc vào cung cầu riêng biệt. Nhóm bất động sản là ví dụ, đại đa số cổ phiếu giảm giá nhưng một số mã nhỏ vẫn tăng được, chủ yếu dựa trên thanh khoản thấp.
Khối ngoại sáng nay gây bất ngờ khi bán ròng 192,8 tỷ đồng trên HoSE, mức cao nhất trong 17 phiên sáng trở lại đây. Khối này không tăng bán nhiều, tổng giá trị xả chỉ là 402,5 tỷ đồng, còn giảm 15% so với sáng hôm qua. Tuy nhiên mua quá ít, chỉ đạt 209,7 tỷ đồng, chỉ bằng 46% mức mua sáng hôm qua. Các mã bị bán ròng nhiều nhất là VPB -40,1 tỷ, STB -29 tỷ, GMD -26,7 tỷ, SSI -25,9 tỷ, VND -22,9 tỷ, VNM -17,6 tỷ, Phía mua chỉ có MBB +19,3 tỷ, HPG +11,4 tỷ là đáng kể nhất.
Hiện thị trường hầu như chỉ phụ thuộc vào giao dịch mua ròng của quỹ Fubon trong các phiên chiều. Tuy nhiên việc giảm mua sáng nay không hẳn là nguyên nhân khiến thanh khoản chung tụt dốc. Chẳng hạn mức suy giảm tuyệt đối giá trị giải ngân của khối ngoại trên HoSE chỉ là 241,8 tỷ đồng so với sáng hôm qua, nhưng HoSE giảm giao dịch tuyệt đối tới 1.467 tỷ đồng. Điều này thể hiện rõ ràng sự suy giảm trong hoạt động mua của nhà đầu tư trong nước.