Sau VietinBank, HDBank, từng có dịp thị trường bàn luận khả năng có mặt MB, và gần đây lại có tình huống lối rẽ mới trong chặng đường của PG Bank với MSB khi liên tục “người nhà” MSB sang nắm các chức vụ cao cấp tại PG Bank.
Hình minh họa, nguồn: Internet.
Cổ đông lớn của PG Bank quyết định “buông tay”
Dự kiến ngày 25/4 tới, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Bên cạnh các nội dung liên quan đến kế hoạch kinh doanh, kiểm soát chất lượng tài sản,… thì một trong những vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm chính là việc tìm đối tác mới cho ngân hàng khi mới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex – cổ đông lớn nắm tới 40% vốn điều lệ ngân hàng mới đây đã thông qua phương án chào bán toàn bộ 120 triệu cổ phiếu
PGB.
Giá chào bán khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị chào bán ở mức 2.556 tỷ đồng.
Như vậy, sau nhiều năm bị trì hoãn do không tìm được đối tác phù hợp, đến nay, cổ đông lớn nhất của ngân hàng đã chính thức quyết định thoái vốn thông qua phương thức đấu giá công khai.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho cả hai bên khi trong nhiều năm qua, doanh nghiệp này đã phải chịu áp lực lớn khi phải thoái phần vốn góp tại ngân hàng do vượt quá tỷ lệ theo quy định, cũng như các mốc lộ trình thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại các NHTM đã trôi qua và kéo dài.
Trong khi đó, về phía PG Bank, kế hoạch thoái vốn bị trì hoãn gần chục năm qua khiến kết quả kinh doanh của ngân hàng liên tục trồi sụt khi chưa thể tìm được hướng đi rõ ràng.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, ngân hàng VietinBank đã thông qua phương án sáp nhập PG Bank qua phương thức hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:0,9, tức 1 cổ phiếu PG Bank đổi 0,9 cổ phiếu CTG.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 4/2018, VietinBank bất ngờ thông báo hai bên đã có thỏa thuận tạm dừng giao dịch sáp nhập. Lý do cụ thể không được tiết lộ.
Ngay sau đó, tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, HDBank bất ngờ bổ sung tờ trình phương án sáp nhập PG Bank vào chương trình đại hội. Theo đề án, tỷ lệ hoán đổi sẽ là 1:0,621 (1 cổ phiếu PG Bank hoán đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank).
Sau sáp nhập, toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của PG Bank sẽ được chuyển đổi sang HDBank, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của PG Bank.
Và theo như kế hoạch đề ra, việc bàn giao, sáp nhập sẽ được hoàn tất trong tháng 8/2018.
Tuy nhiên, thêm hơn 4 năm nữa đã trôi qua, cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có thêm bất kỳ thông tin nào liên quan đến thương vụ đến từ hai nhà băng trên.
Theo ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch PG Bank, vướng mắc lớn nhất để thực hiện thương vụ là NHNN chưa thông qua đề án cuối cùng, dù cơ quan quản lý đã chấp thuận về mặt nguyên tắc từ tháng 9/2018.
Điều này cho thấy, để sáp nhập vào một ngân hàng khác là câu chuyện không dễ dàng, dù hai bên có “thuận mua vừa bán” nhưng việc thuyết phục được cơ quan quản lý thì lại là câu chuyện khác. Và hệ quả của câu chuyện này là hoạt động kinh doanh ngân hàng cũng bị ảnh hưởng lớn.
Xuất hiện đối tác “mới, mà không mới”?
Sau VietinBank, HDBank, từng có dịp thị trường bàn luận khả năng có mặt MB, và gần đây lại có tình huống lối rẽ mới trong chặng đường của PG Bank với MSB khi liên tục “người nhà” MSB sang nắm các chức vụ cao cấp tại PG Bank.
Cụ thể, hồi đầu tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng - nguyên Phó tổng giám đốc MSB được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc PG Bank và là Tổng giám đốc ngân hàng ở thời điểm hiện tại.
Trước đó, ông Hoàng Xuân Hiệp, người từng đảm nhiệm nhiều cương vị cấp cao tại MSB như Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc công ty quản lý và Khai thác tài sản MSB được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc đảm nhiệm vai trò điều hành và xử lý các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ tại PG Bank.
Đến tháng 4/2021, ông Nilesh Banglorewala, cựu Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng của MSB được bổ nhiệm là Thành viên Hội đồng Quản trị của PG Bank.
Cũng thời điểm này, ngân hàng bổ sung thêm một thành viên Hội đồng Quản trị khác là ông Oliver Schwarzhaupt. Trước đó, ông Oliver từng có nhiều năm giữ chức Giám Đốc Khối Quản lý rủi ro và Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản lý Rủi ro tại ngân hàng MSB.
Từ đầu tháng 2/2023, thêm một “người MSB” được bổ sung vào Ban điều hành GP Bank là ông Đỗ Thành Công, được bổ nhiệm chức Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Tái thẩm định và Phê duyệt. Trước đó, ông Công cũng từng nắm giữ nhiều vai trò quan trọng của MSB như Giám đốc Trung tâm xử lý tín dụng tập trung Hà Nội, Phó Giám đốc Khối Quản lý rủi ro, Thành viên Hội đồng tín dụng và đầu tư; Thành viên Ủy ban Quản lý rủi ro; Thành viên Hội đồng xử lý rủi ro...
Niềm tin của thị trường dường như càng có cơ sở hơn khi chia sẻ với báo chí mới đây, lãnh đạo MSB cho rằng, xu hướng sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng là tất yếu. Đồng thời, lãnh đạo này cũng cho biết đang chuẩn bị phương án sáp nhập thêm một ngân hàng để trình Đại hội cổ đông thông qua và Ngân hàng nhà nước phê duyệt theo gợi ý của cơ quan này.
Theo công bố thông tin, dự kiến MSB sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên ngày 21/4/2023 để báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 và thông qua nhiều kế hoạch quan trọng cho năm 2023. Và có thể, thị trường sẽ đón nhận thêm nhiều thông tin thú vị liên quan đến bước đi mới của ngân hàng này trong năm nay.