Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 chứng kiến trạng thái giằng co rõ hơn. Độ rộng cân bằng với biên độ tăng giảm hẹp. Thanh khoản cũng sụt giảm từ cả khối nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài...
Xếp theo thanh khoản cho thấy dòng tiền vẫn tạo hiệu ứng giá tốt ở nhiều cổ phiếu.
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 chứng kiến trạng thái giằng co rõ hơn. Độ rộng cân bằng với biên độ tăng giảm hẹp. Thanh khoản cũng sụt giảm từ cả khối nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.
VN-Index tăng cao nhất 0,61% và mức thấp nhất tăng 0,09%. Kết phiên chỉ số tăng 0,47% tương đương 5,03 điểm. Dù mức tăng rất kém nhưng vẫn là phiên thứ 9 trong nhịp tăng này.
Giao dịch sáng nay kéo dài trong trạng thái giằng co, không bùng nổ cả về giá lẫn thanh khoản. Nhóm dẫn dắt không rõ ràng, chỉ có các cổ phiếu trụ là nổi bật. VHM tiếp tục phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp, đang chốt trên tham chiếu 3,53% so với tham chiếu, đem lại gần 2 điểm cho VN-Index. VIC tăng 1,68%, TCB tăng 2,17%, GVR tăng 3,45%, ACB tăng 2,24% là các mã mạnh nhất kế tiếp.
VN30-Index tăng 0,84% nhờ ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong khi VN-Index chỉ tăng 0,47% do tác động từ VCB giảm 1,29%. Độ rộng cũng cho thấy nhóm blue-chips tiếp tục giữ lực kéo chung, với 22 mã tăng/4 mã giảm của rổ VN30. Với VN-Index, độ rộng cân bằng hơn khi có 182 mã tăng/162 mã giảm.
Tính hiệu giằng co rõ hơn là biên độ tăng khá hẹp. HoSE hiện chỉ có 66 cổ phiếu tăng được trên 1% và phía giảm cũng chỉ 56 mã giảm hơn 1%. Thanh khoản nhóm giảm trên 1% chỉ chiếm 5,2% tổng giá trị khớp của sàn. Thanh khoản nhóm tăng trên 1% chiếm 36%.
Như vậy dòng tiền cũng vẫn có hiệu lực nhất định, dù không thể trải rộng. SSI tăng 1,67% giao dịch 235,3 tỷ; VPB tăng 1,2% giao dịch 199,9 tỷ; KBC tăng 5,07% giao dịch 140,1 tỷ; TCB tăng 2,17% giao dịch 104 tỷ là những cổ phiếu nổi bật. Mặt khác, toàn sàn HoSE có 9 cổ phiếu thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì duy nhất NKG là giảm 1,91%, còn lại đều tăng.
VN-Index vẫn đang được các cổ phiếu blue-chips neo giữ tốt.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết giảm 18% so với sáng hôm qua, đạt 4.524 tỷ đồng, trong đó HoSE giảm 15% đạt 4.145 tỷ đồng. Mức giảm giao dịch này chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước, khi khối ngoại mua vào cũng tương đương sáng hôm qua. Điều này kết hợp với biên độ giá hẹp cho thấy đang có sự thận trọng nhất định khi hôm nay là phiên giao dịch cuối cùng của quý 1. Nếu thị trường đang tăng dựa trên lực mua làm đẹp báo cáo tài chính quý thì có thể sẽ kết thúc sau phiên hôm nay.
Dù vậy điều tác động lớn hơn là biên độ lợi nhuận ngắn hạn khá tốt khi thị trường đã kéo dài nhịp tăng sang ngày thứ 9 liên tục. Hầu hết cổ phiếu đều cho lợi nhuận khác nhau, nhưng việc chuẩn bị bước vào mùa báo cáo tài chính quý 1/2023 cũng là lý do để nhà đầu tư đánh giá lại kỳ vọng.
Khối ngoại đang trong vị thế bán ròng những ngày gần đây cũng là điều đáng chú ý. Quỹ Fubon vẫn nhận được vốn ròng đều đặn, nhưng mua nhỏ giọt. Sáng nay khối ngoại bán ròng nhẹ 10,1 tỷ đồng, với tâm điểm là STB -37,9 tỷ, VND -31,7 tỷ, SSI -28,8 tỷ, VRE -20,9 tỷ. Phía mua ròng là VHM +43,4 tỷ, VPB +32,4 tỷ, HDB +24,6 tỷ, HPG +18,9 tỷ, VIC +18,6 tỷ.
Trong vài phiên gần đây đà đi lên của chỉ số phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe của cổ phiếu vốn hóa lớn. VHM, VIC là hai mã tiêu biểu. Trong khi đó áp lực chốt lời cụ thể ở nhiều cổ phiếu tạo trạng thái đi ngang giằng co rõ hơn. Đây là hệ quả của các giao dịch ngắn hạn khi động lực từ dòng tiền vẫn còn ở mức rất thấp.