Các tiêu chuẩn chi trả trợ cấp cho doanh nghiệp liên quan đến đạo luật trợ cấp sản xuất chip bán dẫn do Bộ Thương mại Mỹ đang đặt ra vấn đề rất quan trọng đối với kinh tế của Hàn Quốc.
Các tiêu chuẩn chi trả trợ cấp cho doanh nghiệp liên quan đến đạo luật trợ cấp sản xuất chip bán dẫn do Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 28/2 đang đặt ra vấn đề rất quan trọng đối với kinh tế của Hàn Quốc.
Nhìn vào 75 trang điều kiện chi tiết mà phía Mỹ đưa ra có thể thấy vấn đề phức tạp khi đạo luật yêu cầu doanh nghiệp phải công khai những nội dung rất nhạy cảm thuộc bí mật công nghệ và kinh doanh để được trợ cấp.
Gói hỗ trợ có tổng quy mô 39 tỷ USD (khoảng 50.000 tỷ won) vừa công bố theo Luật Đạo luật CHIPS và Khoa học nhằm mục tiêu đưa lĩnh vực sản xuất chip trở lại nước Mỹ. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh nước này đã cân nhắc hàng đầu đến lợi ích về mặt an ninh khi xem xét đối tượng nhận trợ cấp.
Bộ Thương mại Mỹ yêu cầu các doanh nghiệp trình kế hoạch đầu tư cụ thể, bao gồm cả dòng tiền mặt và lợi nhuận dự kiến. Nếu như lợi nhuận của doanh nghiệp lớn hơn dự kiến thì Chính phủ Mỹ sẽ tận dụng khoản lợi nhuận đó vào đầu tư nghiên cứu và phát triển.
Mỹ tái khẳng định nguyên tắc là loại các doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất hay hợp tác tại các quốc gia đáng lo ngại về an ninh như Nga, Trung Quốc khỏi đối tượng trợ cấp.
Bộ Thương mại Mỹ cũng yêu cầu các công ty nhận được hơn 150 triệu USD (khoảng 200 tỷ won) trợ cấp chất bán dẫn phải chia sẻ một số lợi nhuận vượt quá dự kiến với Chính phủ Mỹ. Khi các công ty nộp đơn xin trợ cấp, họ phải nộp lợi nhuận dự kiến và từ đó, nếu lợi nhuận vượt quá mong đợi, Chính phủ Mỹ có thể thu lại tối đa 75% số tiền trợ cấp. Nếu khoản tiền trợ cấp mà doanh nghiệp đăng ký lớn hơn 150 triệu USD thì doanh nghiệp phải cung cấp dịch vụ chăm sóc con nhỏ cho các nhân viên nhà máy của Mỹ.
Việc Mỹ yêu cầu cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, quyền truy cập vào các cơ sở dữ liệu, bao gồm cả thông tin về dòng tiền là điểm nhạy cảm đối với các doanh nghiệp bán dẫn không chỉ của Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là phía Mỹ đang tìm cách tiếp cận các cơ sở sản xuất, cho dù với mục đích an ninh quốc gia hay mục đích gì khác. Quá trình tiếp cận này khiến chi tiết về cơ sở sản xuất, khả năng kỹ thuật, bí mật công nghệ có thể bị tiết lộ.
Các công ty bán dẫn lớn nhất của Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Hynix đang trong quá trình triển khai hoặc lên kế hoạch đầu tư quy mô lớn vào Mỹ đang rơi vào tình hướng tiến thoái lưỡng nan. Với những điều kiện chi tiết mà phía Mỹ vừa công bố, nhiều phân tích chỉ ra rằng gánh nặng đang đè lên các doanh nghiệp đầu tư vào Mỹ, thậm chí ‘lỗ nhiều hơn lãi’. Song các doanh nghiệp cũng rất khó để thoát khỏi việc đầu tư chuỗi cung ứng bán dẫn tại Mỹ.
Một quan chức của ngành công nghiệp bán dẫn bày tỏ lo ngại: “Nếu các công ty bán dẫn đầu tư vào Mỹ kiếm được lợi nhuận, Chính phủ Mỹ sẽ thu rất nhiều thuế doanh nghiệp dưới nhiều lý do khác nhau, vì vậy phần còn lại đã bị giảm đáng kể trong khi rủi ro tăng lên”.
Dù không đưa vào chi tiết cụ thể nhưng điều khoản liên quan đến Trung Quốc là một thế tiến thoái lưỡng nan khác mà các công ty Hàn Quốc đang rơi vào. Để đáp ứng tiêu chuẩn hưởng trợ cấp, các công ty không thể tiến hành nghiên cứu chung hoặc chuyển giao công nghệ với Trung Quốc. Để nhận tiền trợ cấp từ Chính phủ Mỹ, các doanh nghiệp sẽ phải cam kết không được đầu tư vào các quốc gia đáng lo ngại. Nội dung này đặt các doanh nghiệp phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi cả hai thị trường này đều quan trọng với Hàn Quốc.
Hãng điện tử Samsung đang sản xuất 40% chíp nhớ NAND Flash, hãng SK Hynix cũng đang sản xuất 20% chíp nhớ này và gần một nửa bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) tại nhà máy ở Trung Quốc.
Việc Mỹ ngăn chặn các doanh nghiệp đầu tư vào Trung Quốc khiến hai hãng này không tránh khỏi việc phải điều chỉnh chiến lược sản xuất của mình. Đặc biệt, ngay cả việc nghiên cứu chung hoặc hợp tác công nghệ với phía Trung Quốc cũng sẽ khiến các doanh nghiệp phải hoàn trả lại tiền trợ cấp cho Mỹ.
Như vậy, các doanh nghiệp chỉ có thể duy trì tình hình sản xuất hiện tại nhưng không thể tăng sản xuất chip bán dẫn ở Trung Quốc trong 10 năm tới. Thậm chí, có ý kiến chỉ ra rằng các doanh nghiệp cần phải cân nhắc đến chiến lược rút khỏi Trung Quốc.
Giới chức Hàn Quốc tuyên bố sẽ thảo luận với cơ quan hữu quan của Mỹ để phản ánh đầy đủ lập trường của các doanh nghiệp Hàn Quốc đối với các điều khoản nhận trợ cấp mới được công bố. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt mà giới doanh nghiệp quan tâm là chia sẻ lại lợi nhuận và tiết lộ thông tin về các cơ sở bán dẫn.
Giới phân tích chỉ ra rằng dù mục đích là để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh giành ưu thế công nghệ với Trung Quốc, nhưng yêu cầu tiết lộ sổ sách kế toán bao gồm bí mật thương mại và chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) đang cho thấy Mỹ nhắm tới mục tiêu điều chỉnh quy mô sản xuất đối với các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn của Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Điều này cho thấy động cơ can thiệp quá mức vào sản xuất và cũng cho thấy rõ mục tiêu mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố rằng sẽ dùng tiền làm vũ khí để đưa lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn chiến lược trở lại nước Mỹ./.