Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) ngày 8/3 cho biết, kinh tế Hàn Quốc tiếp tục giảm tốc do xuất khẩu đi xuống và lãi suất tăng nhanh.
Trong báo cáo kinh tế hàng tháng, KDI nhận định kinh tế Hàn Quốc trì trệ trong thời gian gần đây do nhu cầu trong nước chậm lại và xuất khẩu sụt giảm.
KDI lưu ý rằng ngành sản xuất suy yếu khi xuất khẩu chững lại do điều kiện bên ngoài xấu đi. Trong khi đó, tác động của việc tăng lãi suất dần lan rộng, làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư xây dựng.
Trong tháng Hai, xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm 7,5% so với một năm trước đó, duy trì xu hướng giảm tháng thứ năm liên tiếp. Trước sự sụt giảm xuất khẩu, sản lượng trong ngành khai khoáng và sản xuất trong tháng Một đã giảm 12,7% so với năm trước. Sản xuất chất bán dẫn đã giảm 33,9% trong tháng.
Doanh số bán lẻ, phản ánh mức tiêu dùng cá nhân, đã giảm 2,1% trong tháng Một so với tháng trước, duy trì xu hướng giảm trong tháng thứ ba liên tiếp. Đầu tư vào cơ sở vật chất cũng giảm 3,9% trong tháng Một.
Chính sách tăng lãi suất nhanh chóng của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu trong nước. BoK đã tăng lãi suất cơ bản thêm 3 điểm phần trăm lên 3,5% kể từ tháng 8/2021.
Theo BoK, Tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc chỉ tăng trưởng 2,6% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,1% trong năm 2021. Đây cũng là mức tăng trưởng có tốc độ chậm nhất kể từ năm 2020, khi nền kinh tế lớn thứ tư châu Á ghi nhận mức suy giảm 0,7% do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc vẫn thấp hơn so với tăng trưởng bình quân của OECD bất chấp cuộc sống thường nhật đã được khôi phục sau đại dịch. Triển vọng trong năm 2023 cũng không mấy sáng sủa hơn khi BoK gần đây đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước từ 1,7% xuống còn 1,6%. Dự đoán tỷ lệ tăng trưởng trong nửa đầu năm 2023 sẽ chỉ đạt 1,1% và nửa cuối năm là 2%./.