Lạm phát lương thực, thực phẩm là vấn đề đang ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên toàn cầu, trong đó có Canada, nơi xếp thứ ba trong danh sách các nước G7 có tỷ lệ lạm phát lương thực.
Kết quả một cuộc thăm dò mới nhất cho thấy trong số ba người Canada được hỏi có một người tin rằng các chuỗi cửa hàng đồ tiêu dùng thiết yếu là nguyên nhân chính khiến giá thực phẩm tăng cao ở Canada trong thời gian gần đây.
Cuộc khảo sát này do Phòng phân tích thực phẩm nông nghiệp thuộc Đại học Dalhouse tiến hành với gần 10.000 người cho thấy rằng niềm tin của người tiêu dùng Canada đối với cửa hàng đồ tiêu dùng thiết yếu đang bị lung lay.
Trước đó, một số giám đốc điều hành của các chuỗi cửa hàng đồ tiêu dùng thiết yếu đã có phiên điều trần trước Nghị viện để biện hộ cho sự tăng giá trên thị trường, nhưng điều đó không thuyết phục được đa số người dân Canada.
Giá lương thực, thực phẩm tăng cao đang là mối bận tâm lớn nhất trong những năm gần đây. Từ năm 2022, giá thực phẩm đã tăng khoảng 10%, cao hơn nhiều so với dự kiến.
Theo cuộc khảo sát toàn quốc này, có khoảng 29,9% người được hỏi cho biết họ tin rằng lạm phát hoặc chính sách tiền tệ là yếu tố chính góp phần khiến giá thực phẩm tăng cao, trong khi có khoảng 30,3% cho rằng việc định giá của các chuỗi cửa hàng đồ tiêu dùng thiết yếu là nguyên nhân chính.
Thành viên nhóm nghiên cứu của Đai học Dalhouse, Janet Music, cho rằng các chuỗi cửa hàng đồ tiêu dùng thiết yếu có thể bày bán những sản phẩm tươi ngon nhất và hàng hóa tốt nhất trên kệ của họ, nhưng nếu không có lòng tin của người tiêu dùng, thì những lời mời chào trên sẽ chẳng được người tiêu dùng quan tâm. Hoạt động kinh doanh của họ đang bị công chúng đánh giá. Đối với họ, tính minh bạch, đạo đức và tính bền vững là những điều quan trọng để phát triển.
Về cách các chuỗi cửa hàng đồ tiêu dùng thiết yếu có thể chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, 46% số người tham gia khảo sát cho rằng họ muốn thấy có thêm nhiều đợt giữ giá hoặc giảm hơn nữa.
Chính phủ Canada đang thảo luận về một Bộ quy tắc ứng xử dành cho các chuỗi cửa hàng đồ tiêu dùng thiết yếu, trong đó sẽ cố gắng cân bằng nguồn cung giữa các chuỗi cửa hàng lớn và nhỏ hơn để thu hút nhiều nhà cung cấp hơn.
Tuy nhiên, ngoài việc xây dựng Bộ quy tắc này, thì có 44% số người được khảo sát cho rằng Chính phủ có thể can thiệp bằng cách đưa ra các quy định về giá của một số loại thực phẩm tại các chuỗi cửa hàng đồ tiêu dùng thiết yếu.
Lạm phát lương thực, thực phẩm là vấn đề đang ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên toàn cầu, trong đó có Canada, nơi xếp thứ ba trong danh sách các nước G7 có tỷ lệ lạm phát lương thực, thực phẩm sau Nhật Bản và Mỹ./.