• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
21 Tháng Giêng 2025 3:48:51 SA - Mở cửa
Tình cảnh doanh nghiệp xây dựng: “Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”
Nguồn tin: Tạp chí BĐS VN | 20/04/2023 6:20:00 SA
Ít có khi nào trong 20 năm qua, ngành xây dựng lại đối diện với tình cảnh khốn cùng như vậy: Khô khát đơn hàng, khan tiền hoạt động, nợ xấu chồng chất, nợ vay tăng vọt, lay lắt tồn tại, loay hoay tìm một lối đi…
 
 
Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí 
 
Gắn bó chặt chẽ với thị trường bất động sản, không ngạc nhiên khi ngành xây dựng ở trong tình cảnh khó khăn như hiện nay. Nhưng khác biệt với thị trường bất động sản, ấm lạnh khác nhau ở từng phân khúc, hay sẽ có một phân khúc sôi động kể cả trong tình cảnh thị trường chung ngặt nghèo, ngành xây dựng gần như lâm vào khó khăn toàn diện, và cho thấy rõ chiều hướng đi xuống trong quãng 4 năm trở lại đây.
 
Ngược trở lại với những năm 2015 - 2018, ngành xây dựng khi ấy thăng hoa cùng với thị trường bất động sản. Đó là giai đoạn mà những Coteccons, Hòa Bình đạt đến đỉnh cao trong “thập kỷ vàng”, khi doanh thu có tốc độ tăng trưởng bằng lần qua mỗi 5 năm, cùng mức lợi nhuận khổng lồ. Đó cũng là những năm mà các doanh nghiệp xây dựng nhỏ bật lên thành ngôi sao trẻ, điển hình như Ricons.
 
Nhưng tới năm 2019, gió đã đổi chiều. Đó là năm mà Coteccons lần đầu tiên chịu sự suy giảm về doanh thu và “đánh rơi” tới một nửa lợi nhuận so với năm liền kề trước đó. Đó cũng là năm Hòa Bình chững lại, không còn tạo ra bất kỳ đột phá nào về doanh thu nữa, trong khi lợi nhuận cũng sụt giảm hàng chục phần trăm.
 
Có thể nói từ năm 2019 trở đi, ngành xây dựng đã hình thành con dốc, cứ thế trượt xuống một cách không thể cưỡng lại. Suốt các năm 2020, 2021 rồi 2022, các doanh nghiệp xây dựng lớn nhất - từng một thời làm hân hoan cổ đông với kế hoạch tăng trưởng như mơ - lại phải đối diện và vật lộn với bài toán sinh tồn. “Coteccons Group” tan rã cùng với sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương, để lại một “đống đổ nát” mà người kế nhiệm Bolat Duisenov phải đau đầu giải quyết. Hòa Bình sau khi “mướt mồ hôi” để vượt qua năm 2020, được xem là khó khăn nhất trong lịch sử doanh nghiệp, lại rơi vào khủng hoảng vì “cuộc chiến cung đình”, để kết lại là cú ngã đau đớn vào năm 2022. Các “đại gia” xây dựng khác như Phục Hưng Holdings, Hưng Thịnh Incons, Fecon, SCG… cũng chẳng lấy làm dễ dàng.
 
Nói không quá rằng, các doanh nghiệp xây dựng 4 năm qua đã gặp hết tai này đến nạn khác, từ sự đi xuống của thị trường bất động sản, dịch bệnh hoành hành tới các cuộc khủng hoảng trên thị trường liên quan như: vật liệu, trái phiếu.... Tất cả đã bào mòn sức lực của doanh nghiệp xây dựng, đẩy họ vào tình cảnh hiểm nghèo.
 
 
Nhận diện các khó khăn: Từ thị trường…
 
Với các nhà thầu, đơn hàng xây dựng là quan trọng nhất. Thế nhưng từ năm 2019 trở đi, số lượng đơn hàng đã dần ít lại mà nguyên nhân chính là quá trình rà soát pháp lý đã làm hạn chế sự ra đời của các dự án bất động sản đô thị. Mặc dù được bù đắp phần nào bởi các đơn hàng xây dựng bất động sản nghỉ dưỡng, song các nhà thầu vẫn không thể cứu vãn cục diện, bởi giai đoạn 2020 - 2021, thị trường này cũng bị “nhấn chìm” bởi 4 làn sóng dịch bệnh.
 
Bước sang năm 2022, khi thị trường bất động sản bắt đầu lấy lại được phần nào sinh khí thì cuộc khủng hoảng nổ ra trên thị trường trái phiếu đã đặt dấu chấm hết cho tất cả. Tổng kết năm 2022, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, toàn quốc có tới hàng nghìn dự án với tổng giá trị đầu tư lên tới 30 tỷ USD đang bị “đứng hình” vì ách tắc pháp lý trong suốt 2 năm qua. Riêng trong năm 2022, số lượng dự án được phê duyệt vô cùng ít ỏi, đặc biệt là gần như không có dự án nhà ở thương mại nào. Tới quý I/2023, tình hình vẫn không có gì cải thiện, khi hầu hết dự án vẫn trong quá trình hoàn thiện pháp lý.
 
Với một thị trường khan hiếm đơn hàng nghiêm trọng như vậy, dễ hiểu vì sao doanh thu của các “đại gia” xây dựng lại lâm vào trạng thái “rơi tự do”: Coteccons doanh thu năm 2021 chỉ hơn 9.000 tỷ đồng, đến 2022 lên được hơn 14.500 tỷ đồng nhưng chỉ bằng phân nửa năm đỉnh cao 2018 (hơn 28.500 tỷ đồng); Hòa Bình doanh thu trong giai đoạn 2020 - 2021 chỉ hơn 11.000 tỷ đồng, năm 2022 lên được hơn 14.100 tỷ đồng, vẫn kém rất xa đỉnh cao của năm 2019 (hơn 18.600 tỷ đồng)…
 
 
Không chỉ chịu cảnh sụt giảm doanh thu, tình trạng khan hiếm đơn hàng còn khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các nhà thầu trở nên gay gắt, thậm chí tới mức khốc liệt.
 
Với một thị trường có độ mở cao như xây dựng, nơi các rào cản gia nhập khá thấp nên số lượng doanh nghiệp là vô cùng đông đảo. Để sinh tồn, các nhà thầu đã lao vào giành giật dự án, tìm mọi cách để trúng thầu mà phổ biến nhất là chiêu thức cạnh tranh bằng giá. Tình trạng làm với lợi nhuận siêu mỏng, làm hòa vốn, thậm chí làm dưới giá vốn trở nên hết sức phổ biến, ngay cả với các “gã khổng lồ”.
 
Có thể nhìn thấy điều này ở một cái tên rất tiểu biểu là Ricons, tính tới năm 2022, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này giảm xuống chỉ còn 1,8% - thấp nhất trong số các “đại gia” xây dựng công bố thông tin.
 
Có thể nói, các nhà thầu đang lao vào một “cuộc đua xuống đáy điên rồ”. Và bồi thêm cho cuộc đua đó là cơn “bão giá” trong các năm 2021, 2022, diễn ra rộng khắp từ các loại nguyên vật liệu như sắt thép, cát, đá, xi măng… cho đến nhiên liệu như xăng dầu. Cơn “bão giá” đã cuốn phăng những nỗ lực tích lũy của các nhà thầu, nặng hơn là khiến nhà thầu chịu lỗ tại nhiều dự án.
 
Trong một lần trao đổi với PV, Tổng giám đốc một tập đoàn xây dựng cỡ lớn đã cười chua chát rằng, toàn bộ lợi nhuận có được từ việc thi công dự án trong năm 2022, khoảng 2 triệu USD đã bị đà tăng của giá xăng dầu “ăn sạch”. Nếu không nhờ tới việc bán dự án đầu tư thì có lẽ năm vừa qua, tập đoàn này đã lỗ không hề nhẹ.
 
 
Biên lợi nhuận gộp của một số doanh nghiệp xây dựng giai đoạn 2018 - 2022. Biểu đồ: Hải Thu 
 
…đến tài chính
 
Những khó khăn về thị trường đã rất ghê gớm, song điều còn làm các doanh nghiệp xây dựng “kinh khiếp” hơn nữa là chủ đầu tư nợ đọng. Những năm gần đây, tình trạng nợ đọng gia tăng do thị trường bất động sản suy thoái khiến sức mua giảm sút, tín dụng bất động sản lại bị kiểm soát nên các chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chậm thanh toán cho nhà thầu. Năm 2022, tình trạng nợ đọng càng trở nên nghiêm trọng hơn khi cuộc khủng hoảng xảy ra trên thị trường trái phiếu, làm cho cơn khát tiền của các chủ đầu tư lên tới cực điểm.
 
Ghi nhận tới cuối năm 2022, các khoản phải thu của các “đại gia” xây dựng đều tăng mạnh mẽ. Cụ thể, các khoản phải thu của Hòa Bình đã tăng thêm 5% so với đầu năm, đạt 12.212 tỷ đồng, chiếm tới 72% tổng tài sản. Các khoản phải thu ngắn hạn của Coteccons cũng tăng 31%, đạt 11.231 tỷ đồng, đưa tổng giá trị các khoản phải thu lên 11.611 tỷ đồng, chiếm 61% tổng tài sản. Với SCG, các khoản phải thu thậm chí chiếm tới 92% tổng tài sản, chưa kể hàng tồn kho chiếm thêm 3,5% (đạt 267 tỷ đồng, tăng 46%), một tỷ lệ cực kỳ báo động.
 
Việc các khoản phải thu dâng cao đã gây nên một loạt hệ lụy tai hại với các “đại gia” xây dựng. Đầu tiên là về tiền hoạt động. Các “đại gia”, vốn là các tổng thầu, rơi vào cảnh bị kẹp giữa hai làn đạn: Một mặt không thể đòi được tiền từ các chủ đầu tư để hoàn vốn đã ứng, mặt khác lại không thể không thanh toán cho các nhà thầu phụ và nhà cung cấp, bởi sợ dự án đình chỉ thi công, vi phạm cam kết tiến độ hợp đồng. Hệ quả là vốn lưu động của các “đại gia” như cái bình thủng đáy, ào ạt chảy ra ngoài.
 
Biểu hiện rất rõ là dòng tiền kinh doanh (xét năm 2022) của các doanh nghiệp xây dựng đều âm rất nặng: Hòa Bình âm 884 tỷ đồng, Coteccons âm 1.626 tỷ đồng, SCG âm 1.688 tỷ đồng, Hưng Thịnh Incons âm 1.011 tỷ đồng, Fecon âm 209 tỷ đồng…
 
Để có tiền bù đắp cho hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp xây dựng buộc phải tăng cường vay mượn. Bởi vậy, cuối năm 2022, nợ vay của Hòa Bình đã vượt mốc 6.100 tỷ đồng, tăng 20%, đẩy tổng nợ phải trả tăng thêm 14% lên 14.283 tỷ đồng, cao chưa từng có, gấp tới 5,4 lần vốn chủ sở hữu. Với Coteccons, nợ phải trả cuối năm 2022 cũng tăng 58%, lên 10.751 tỷ đồng, trong đó riêng nợ vay tăng gấp 256 lần, đạt 1.077 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
 
SCG còn báo động hơn cả 2 doanh nghiệp trên khi có tới 85% tài sản được hình thành từ nợ phải trả, riêng nợ vay tài trợ 48%; hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên tới 5,57 lần, tăng mạnh so với mức 3,36 lần hồi đầu năm. Các “đại gia” xây dựng khác cũng có mức nợ phải trả lớn như: Hưng Thịnh Incons nợ phải trả gấp 5,7 lần vốn chủ, Phục Hưng Holdings gấp 3,07 lần, Ricons gấp 2,4 lần… - đều tăng so với năm trước.
 
Hệ lụy tất yếu của tình trạng nợ gia tăng này là các đại gia xây dựng phải gánh chịu một khoản chi phí tài chính khổng lồ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi nhuận có được.
 
Một hệ lụy khác của tình trạng nợ đọng là doanh nghiệp phải trích lập dự phòng rất lớn. Chẳng hạn cuối năm 2022, Hòa Bình đã dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tới 774 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm, Coteccons dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tới 1.049 tỷ đồng, tăng 58%, lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp. Khoản dự phòng được ghi nhận vào chi phí quản lý, và do đó, khiến 2 doanh nghiệp tốp đầu này chịu các khoản lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh rất lớn (Hòa Bình: 1.077 tỷ đồng, Coteccons: 53 tỷ đồng)
 
Điều bi hài hơn nữa là trong năm vừa qua, tình cảnh khó khăn đã đẩy các bên trên thị trường xây dựng lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười. Chủ đầu tư không có tiền thanh toán, đã đem các bất động sản dở dang pháp lý gán nợ cho nhà thầu chính. Tới lượt mình, nhà thầu chính lại đem các bất động sản dở dang đó gán nợ lại cho nhà thầu phụ. Thậm chí, nhà thầu chính còn mang cả máy móc, vật tư trong kho ra để gán nợ. Tình cảnh vay chồng nợ chéo này đã đẩy thị trường xây dựng như quay về trạng thái nguyên thủy của nền kinh tế, khi các đơn vị dùng hàng đổi hàng.
 
 
Để lâu hậu quả càng sâu
 
Trải qua giai đoạn với vô số khó khăn như vậy, không ngạc nhiên khi kết thúc năm 2022, các doanh nghiệp xây dựng tốp đầu đều vỡ kế hoạch kinh doanh ban đầu. Chẳng hạn như: Hòa Bình chỉ đạt 80% doanh thu và chịu khoản lỗ khủng khiếp nhất lịch sử 1.140 tỷ đồng; SCG chỉ lãi 24 tỷ đồng, hoàn thành 12% kế hoạch năm; Hưng Thịnh Incons lãi 88 tỷ đồng, hoàn thành 33% kế hoạch năm; Phục Hưng Holdings lãi 19 tỷ đồng, hoàn thành 31% kế hoạch năm; Fecon lãi 51 tỷ đồng, hoàn thành 18% kế hoạch năm… Coteccons là trường hợp may mắn hoàn thành kế hoạch năm, nhưng bản chất lãi lại đến từ việc hoàn nhập dự phòng chứ không phải từ hoạt động kinh doanh.
 
Với tình hình thị trường tiếp tục ảm đạm, với thực trạng càng làm càng lỗ, với bức tranh tài chính ngày càng tối màu và vẫn chưa thấy lối ra sáng sủa, có thể nói không ngoa rằng các doanh nghiệp xây dựng đang trong giai đoạn cận kề sinh tử. Điều đó đòi hỏi không chỉ các doanh nghiệp phải tự vật lộn để sinh tồn, cân nhắc chọn một lối đi mà cơ quan quản lý cũng cần tính tới việc “giải cứu” thị trường xây dựng. Bởi như ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam từng cảm thán, nếu khó khăn tiếp tục kéo dài trong 5 năm, có lẽ Việt Nam sẽ không còn doanh nghiệp xây dựng.