Nợ phải trả tính đến cuối năm 2022 của Viettel Construction tăng 67% lên 4.416 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó chủ yếu nợ vay ngắn hạn với 4.133 tỷ đồng.
(Ảnh minh hoạ)
Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Construction – mã
CTR) mới tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023.
Năm 2023, Viettel Construction đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 10.338 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 487 tỷ đồng, đều tăng 10% so với cùng kỳ. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, đây là lần đầu tiên doanh thu của Viettel Construction vượt mốc 10.000 tỷ đồng, đồng thời phá kỷ lục lợi nhuận đạt được năm ngoái.
Trong đó, Viettel Construction đặt mục tiêu doanh thu vận hành khai thác đạt 5.354 tỷ đồng (+9%); doanh thu hạ tầng cho thuê đạt 472 tỷ đồng (+50%); doanh thu xây dựng đạt 3.092 tỷ đồng (+29%); doanh thu giải pháp tích hợp đạt tối thiểu 1.045 tỷ đồng và doanh thu dịch vụ kỹ thuật 354 tỷ đồng (+15%) so với thực hiện năm 2022.
Về phương án phân phối lợi nhuận, cổ đông đồng thuận thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2022 là 31,51% bao gồm 10% bằng tiền và 21,51% bằng cổ phiếu.
Tại báo cáo tài chính năm 2022, điểm đáng chú ý được cổ đông chất vấn tại đại hội là tỷ lệ vay nợ tăng mạnh. Cụ thể, nợ phải trả tính đến cuối năm 2022 của Viettel Construction tăng 67% lên 4.416 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó chủ yếu nợ vay ngắn hạn với 4.133 tỷ đồng.
Với việc tăng vay nợ, chi phí tài chính của Viettel Construction tăng mạnh, từ 6,5 tỷ năm 2021 lên 23 tỷ đồng. Đồng thời, doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng mạnh lên 27 tỷ đồng.
Trả lời cổ đông, đại diện Viettel Construction cho biết, Tổng Công ty đã triển khai đầu tư tài chính, sử dụng nguồn vốn lưu động để gửi tiết kiệm trong khi vay vốn ngân hàng để thực hiện trang trải các chi phí trong hoạt động kinh doanh. Từ đó có thể hưởng mức chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng. Đây là hoạt động không có rủi ro và cổ đông có thể yên tâm về vấn đề này .
Làm chất lượng với giá cạnh tranh, không bất chấp
Thông tin với cổ đông liên quan đến mảng xây dựng, lãnh đạo Viettel Construction cho biết, Tổng công ty sẽ không không chịu rủi ro lớn như các doanh nghiệp xây dựng khác bởi đối với các công trình xây dựng nhà dân (B2C), Tổng công ty nhận tiền xong mới xây dựng, do đó hoàn toàn không có rủi ro. Với các công trình doanh nghiệp (B2B), phải làm theo hợp đồng, thanh toán đúng tiến độ, hiện là khoảng 6 tháng và mất thêm một tháng nghiệm thu. Nếu chủ đầu tư không tạm ứng thì bắt buộc phải có bảo lãnh ngân hàng đứng sau để khi làm xong ngân hàng sẽ thanh toán.
Viettel Construction hạn chế rủi ro tối đa bằng cách chia nhỏ các đợt nghiệm thu từ 3-6 tháng, đồng thời thẩm định kỹ càng các chủ đầu tư, tìm kiếm báo cáo tài chính của chủ đầu tư trước khi nhận công trình để tránh rủi ro.
Ở khía cạnh đầu vào, với việc đảm bảo giá không đổi từ khi ký hợp đồng tới lúc giao nhận cho khách hàng, cổ đông còn quan tâm tới rủi ro khi giá nguyên vật liệu tăng. Tổng Giám đốc Phạm Đình Trường nhấn mạnh Tổng công ty ký kết hợp đồng nguyên vật liệu chủ yếu với các Tập đoàn lớn, có tiếng tăm, nếu phát sinh chênh lệch sẽ không quá 5% nên không gây ảnh hưởng lớn với thoả thuận.
Ông Trường cho biết hiện vốn của ngân sách nhà nước cho việc xây dựng ở khoảng 400.000 tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp và người dân cũng khoảng 400.000 tỷ đồng nên dư địa cho mảng xây dựng còn rất lớn.
“Thị trường xây dựng cũng hiện tại đủ lớn để các doanh nghiệp cùng hoạt động, ai có năng lực thì ắt sẽ làm tốt hơn. Quan điểm của Viettel Construction là không thả gà ra đuổi, làm có chất lượng với giá cả cạnh tranh nhưng không bất chấp”, ông Trường nói.