Sau khi Đỗ Thành Nhân, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Louis Holdings bị bắt với tội danh thao túng giá cổ phiếu, cổ phiếu “họ Louis” không ngừng giảm sốc. Đáng chú ý, trong 2 cổ phiếu bị Đỗ Thành Nhân “làm giá”, cổ phiếu BII (CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư) đã bị “văng sàn”, còn tương lai cổ phiếu TGG (CTCP The Golden Group) cũng mịt mờ không kém.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hơn 57,6 triệu cổ phiếu
BII của CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư sẽ bị huỷ niêm yết từ ngày 18/5. Ngày giao dịch cuối cùng tại HNX là ngày 17/5.
BII bị hủy niêm yết
Lý do đưa ra là đơn vị kiểm toán đã từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022 của công ty này, thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định.
Nhiều khả năng cổ phiếu TGG cũng chung cảnh như BII. (Ảnh minh họa)
Cổ phiếu
BII là một trong 2 mã bị Đỗ Thành Nhân, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Louis Holdings thao túng.
Năm 2022, Đỗ Thành Nhân mua lại CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư, một doanh nghiệp có nguy cơ bị hủy niêm yết rồi đổi tên thành Công ty Louis Land, hoạt động chính là đầu tư bất động sản nhưng chưa có dự án nào.
Tháng 1/2021, Đỗ Thành Nhân mở tài khoản chứng khoán để mua thử gần 100.000 cổ phiếu với giá 1.000 đồng/cp, sau đó bán giá gấp đôi. Thấy có lãi, Đỗ Thành Nhân cùng với Đỗ Đức Nam (cựu Tổng Giám đốc Chứng khoán Trí Việt) và nhờ người thân mở nhiều tài khoản chứng khoán để mua toàn bộ 10 triệu cổ phiếu
BII với giá cao nhất là 6.500 đồng/cp với tổng số tiền là 59,8 tỷ đồng.
Khi sở hữu số lượng lớn cổ phiếu
BII, từ tháng 2/2021, Nhân và Nam dùng 17 tài khoản chứng khoán khác nhau để liên tục mua bán, khớp lệnh chéo. Theo đó, thị giá
BII được đẩy lên 11.200 đồng/cp
Tháng 8/2021, Nhân lập nhóm trên mạng xã hội mang tên Louis Family với hơn 10.000 thành viên và thường xuyên đăng bài viết với các khẩu hiệu như "đặt lệnh hôm nay, lưu lại ngày mai", "đến cuối năm
BII không tăng lên 3x,
TGG không được 4x, mọi người cứ chửi thoải mái".
Những lời kêu gọi này đã thu hút nhiều nhà đầu tư, đẩy giá
BII liên tục có các phiên tăng trần và lập đỉnh với giá 33.800 đồng/cp, gấp 10 lần thời điểm nhóm này mua vào.
Khi giá
BII lập đỉnh cũng là lúc Nhân và Nam bán chốt lời. Từ thời điểm mua vào đến khi bán ra, trong 10 tháng, nhóm này bị cáo buộc thu lời hơn 64 tỷ đồng từ mã
BII.
Đáng chú ý, sau khi Đỗ Thành Nhân bị bắt do phạm tội nêu trên, cổ phiếu
BII đã không ngừng lao dốc. Chốt phiên 25/4, cổ phiếu
BII giảm sàn về mức 1.500 đồng/cp trong tình trạng trắng bên mua. Như vậy, so với mức đỉnh thiết lập được, cổ phiếu
BII đã mất hơn 95% thị giá. Dự báo các cổ đông còn tiếp tục kê lệnh bán trong những phiên tiếp theo khi mà
BII chính thức dính “án” hủy niêm yết.
TGG như “ngọn đèn trước gió”
Cổ phiếu thứ 2 bị Đỗ Thành Nhân thao túng là
TGG của Louis Capital (đã đổi tên thành CTCP The Golden Group). Tương tự như
BII, từ tháng 2 - 6/2021, nhóm này đã liên tục dùng nhiều tài khoản khác nhau mua vào hơn 10 triệu cổ phiếu
TGG với giá 1.800 đồng/cp. Nguồn tiền để mua vào vẫn là vay của Trí Việt để xoay vòng.
Khi có số lượng lớn
TGG trong tay, Đỗ Thành Nhân lại hô hào thu hút nhà đầu tư. Sau nhiều phiên tăng trần liên tiếp,
TGG lập đỉnh với giá 74.800 đồng/cp - gấp 37 lần thời điểm nhóm này mua vào. Và khi vừa lập đỉnh, cổ phiếu
TGG giảm sàn liên tục do mất thanh khoản bởi khối lượng giao dịch ít nên rớt về giá 10.550 đồng/cp. Tuy nhiên, nhóm của Nhân đã kịp chốt lời và thu lợi bất chính hơn 92 tỷ đồng.
Sau khoảng thời gian “bảy nổi ba chìm”, hiện cổ phiếu
TGG đã trôi về mức 3.560 đồng/cp (chốt phiên 25/4), giảm hơn 95% so với mức đỉnh từng thiết lập.
Mặc dù may mắn hơn cổ phiếu
BII bị dính “án” hủy niêm yết nhưng tương lai cổ phiếu này vẫn mịt mờ không kém.
Cho đến thời điểm hiện tại, The Golden Group vẫn chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) liên tục gửi công văn nhắc nhở. Công ty đã có công văn xin gia hạn thời gian nộp báo cáo tài chính kiểm toán (chậm nhất) đến ngày 30/4 với lý do công ty thay đổi đơn vị kiểm toán, song UBCKNN đã “khước từ” đề nghị này bởi lý do gia hạn công bố thông tin không thuộc trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 96/20202/TT-BTC. Do đó, UBCKNN đề nghị công ty khẩn trương khắc phục công tác kế toán để hoàn thành công bố thông tin theo quy định.
Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo tự lập, quý 4/2022, The Golden Group ghi nhận doanh thu giảm mạnh từ 617 tỷ xuống còn 836 triệu đồng; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 12 tỷ (cùng kỳ đạt 26,7 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế âm hơn 12 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu giảm 225 tỷ xuống gần 577 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 37 tỷ (cùng kỳ lãi 98 tỷ) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm gần 22,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 91 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm gần 12 tỷ xuống còn hơn 40 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty còn xuất hiện nợ xấu tăng đột biến khi mới thực hiện trích lập một phần của đối tác, khách hàng lớn.
Đáng chú ý, The Golden Group đã liên tục thay đổi các nhân sự cấp cao từ sau bê bối của lãnh đạo xảy ra. Không chỉ đổi tên, cổ đông công ty cũng đã thông qua việc ủy quyền cho Hội đồng quản trị thay đổi định hướng phát triển công ty sang ngành dược phẩm là ngành cốt lõi; ủy quyền cho Hội đồng quản trị tiếp tục thực hiện hoạt động M&A những công ty hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm hoặc các công ty khác có tiềm năng.
Dù vậy, với kết quả kinh doanh bết bát cùng những bê bối từng xảy ra, trong khi những kế hoạch kinh doanh vẫn nằm trên giấy, chưa có động thái nhúc nhích sau khi thay đổi bộ máy lãnh đạo, e rằng đơn vị kiểm toán cũng khó có thể hoàn thành được công việc. Và nếu như đơn vị kiểm toán cũng từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022 của The Golden Group, rất có thể cổ phiếu
TGG cũng chung cảnh như “người anh em”
BII.