Kỳ vọng VN-Index duy trì xu hướng đi lên trong tháng Tư với biên độ dao động trong khoảng 1.030-1.110 điểm. (Ảnh: Vietnam+)
Những đánh giá gần đây cho rằng thị trường tài chính sẽ tích cực hơn với kỳ vọng dòng vốn sẽ được khơi thông đồng thời niềm tin của giới đầu tư sẽ dần phục hồi trở lại. Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDIRECT, cho rằng việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng lãi suất điều hành lên 4,75%-5% cho thấy quan điểm đã bớt “diều hâu” hơn trước.
Trong nước, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng đảo chiều với 2 đợt giảm lãi suất điều hành (trong vòng 1 tháng), cụ thể lãi suất tái chiết khấu đã giảm 1 điểm % và xuống mức 3,5%/năm đồng thời lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5 điểm % và về mức 5,5%.
Kéo theo, lãi suất cho vay qua đêm của Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng cũng được hạ nhiệt từ 7%/năm xuống 6%/năm. Nhờ vậy, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND cũng giảm 1 điểm % và xuống 4,5%/năm. Trên thị trường, lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và kỳ hạn từ 1-6 tháng cũng giảm 0,5 điểm %.
Đánh giá về xu hướng các kênh đầu tư, ông Hinh cho rằng mặc dù lãi suất tiền gửi khả năng tiếp tục giảm song thị trường tiền tệ vẫn là lựa chọn an toàn do rủi ro rất thấp.
“Lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục điều chỉnh và dần kém hấp dẫn hơn, khi nhu cầu tín dụng giảm do tăng
trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm. Mặt khác, việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế đồng thời Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tiếp lãi suất điều hành (nếu FED đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023),” ông Hinh nói.
Kỳ vọng lãi suất giảm
Với thị trường chứng khoán, ông Hinh cho hay tín hiệu hồi phục đang dần xuất hiện. Ông này chỉ ra lịch sử trước đó, mỗi khi chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất thị trường giảm sẽ tạo ra chất xúc tác khá mạnh cho thị trường.
Ông Hinh dự báo trong tháng Tư, VN-Index sẽ nhận được sự hỗ trợ với kỳ vọng lãi suất trong nước giảm và sự quay trở lại dòng vốn từ các quỹ ETF nước ngoài.
“Kỳ vọng VN-Index sẽ duy trì xu hướng đi lên từ từ trong tháng Tư với biên độ dao động trong khoảng 1.030-1.110 điểm,” ông Hinh nói.
Tháng Ba, VN-Index tăng 2,7% so với tháng Hai và tăng 4,5% so với đầu năm:
(Nguồn: VNDIRECT)
Về triển vọng các ngành, bà Hà Thu Hiền, chuyên viên phân tích (Công ty chứng khoán VNDIRECT), cho rằng giai đoạn 2023-24, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sẽ thuận lợi hơn nhờ điều kiện thời tiết và chi phí vận chuyển giảm đáng kể (sau khi bị gián đoạn logistic toàn cầu trong 2021-2022) cũng như giá phân bón hạ mạnh.
“Do đó, chỉ số giá hàng hóa thực phẩm kỳ vọng sẽ duy trì xu hướng giảm, với giá trung bình của các sản phẩm giảm 6,1%-6,7% so với cùng kỳ,” bà Hiền nói.
Bên cạnh đó, các mức giá đầu vào thấp hơn đang giúp nhà sản xuất thịt và sữa cải thiện biên lợi nhuận gộp. Trong thời gian tới, giá bột sữa khả năng tiếp tục giảm do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc và tiêu thụ sữa trên toàn cầu có thể yếu đi trong ngắn hạn.
“Do vậy, các nhà sản xuất thịt và sữa kỳ vọng sẽ ghi nhận biên lợi nhuận gộp phục hồi trong 2023 khi áp lực từ chi phí nguyên vật liệu giảm,” bà Hiền chia sẻ.
Đối với khu vực ngân hàng, nhóm phân tích từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm có thể ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái do lãi suất vẫn ở mức cao, làm chậm lại nhu cầu của nhóm khách hàng đủ điều kiện giải ngân. Sang nửa cuối của năm, lãi suất kỳ vọng sẽ hạ nhiệt kéo tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành cải thiện mạnh mẽ.
Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích-VCBS lưu ý nợ xấu đang có xu hướng gia tăng do sự “đóng băng” của thị trường bất động sản. Thêm vào đó, "sức khỏe tài chính" của doanh nghiệp và người vay tiền cũng có xu hướng yếu đi trong môi trường lãi suất cao.
Room tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng:
(Nguồn: VCBS)
Tuy nhiên, ông Hoàng đánh giá ngay trong nhóm ngành ngân hàng sẽ có sự phân hóa. Tron đó, nhóm ngân hàng có rủi ro ở thời điểm hiện tại với có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp.
Theo ông Hoàng, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ giảm tốc và đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 10% trong năm nay. Và, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ có thể ghi nhận suy giảm mạnh về tăng trưởng lợi nhuận.
“Triển vọng cổ phiếu ngành ngân hàng có thể xem xét đầu tư trong dài hạn, đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và tốc độ tăng trưởng vượt trội so với ngành,” báo cáo từ VCBS khuyến nghị./.