Sau tin giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng là tới sức ép giảm lãi suất cho vay. Cổ phiếu ngân hàng phiên chiều phản ứng khá mạnh theo hướng tiêu cực khi gần như toàn bộ các mã nhóm này đều giảm. 5/10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất cũng là ngân hàng. VN30 giảm sâu hơn chỉ số chính cũng do ngân hàng…
VN-Index may mắn còn có trụ VHM và MSN đỡ chiều nay.
Sau tin giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng là tới sức ép giảm lãi suất cho vay. Cổ phiếu ngân hàng phiên chiều phản ứng khá mạnh theo hướng tiêu cực khi gần như toàn bộ các mã nhóm này đều giảm. 5/10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất cũng là ngân hàng. VN30 giảm sâu hơn chỉ số chính cũng do ngân hàng…
Độ rộng đã xấu hơn đáng kể so với phiên sáng là bằng chứng rõ ràng nhất của mặt bằng giá đã kém đi. VN-Index kết phiên có tới 215 mã giảm/168 mã tăng, trong khi cuối phiên sáng thì ngược lại 191 mã tăng/141 mã giảm.
Rổ VN30 rất yếu, thống kê có tới 21 mã tụt giá so với phiên sáng và chỉ 7 mã có cải thiện. Độ rộng còn 5 mã tăng/23 mã giảm và chỉ số đóng cửa giảm 0,61% so với tham chiếu.
Phần lớn cổ phiếu ngân hàng trong nhóm VN30 trượt dốc sâu hơn buổi sáng là lý do khiến VN30-Index yếu hơn VN-Index. VIB tụt 1,18% so với phiên sáng, đóng cửa giảm tổng cộng 1,41%; TPB tụt 1,26%, chốt giảm 0,84% tức là chuyển từ xanh thành đỏ; TCB tụt sâu thêm 1,65%, đóng cửa giảm 1,81%; STB cũng rơi thêm 1,44% nữa, giảm tổng cộng 1,97%. Đó là các cổ phiếu ngân hàng biến động mạnh nhất chiều nay.
Tổng thể nhóm ngân hàng chỉ có 4/27 mã giữ được sắc xanh là BVB tăng 0,95% nhờ thanh khoản quá nhỏ và cũng chỉ do giao dịch cuối cùng. VBB tương tự, tăng 0,95% dù chỉ còn dư mua giá đỏ. NAB tăng 0,85%, SGB tăng 0,76% với thanh khoản vài triệu đồng… Phía giảm nhóm ngân hàng có 7 mã mất trên 1% là LPB, MSB, VIB, KLB, TCB, STB và PGB. Ảnh hưởng vốn hóa của các cổ phiếu ngân hàng là khá cao, TCB, BID, STB, VPB, VCB nằm trong 10 mã khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất.
Xếp theo giá trị khớp lệnh cho thấy nhóm thanh khoản cao nhất thị trường chủ yếu là giảm giá, phản ánh sức ép bán ra mạnh.
VN-Index đóng cửa hôm nay giảm 0,38% so với tham chiếu, tương đương mất 4,06 điểm. Tuy độ rộng áp đảo ở phía giảm, nhưng chỉ số vẫn còn có trụ đỡ. VHM tăng 1,49%, MSN tăng 1,99% kéo lại gần 1,5 điểm. Ngoài ra số mã giảm trong VN30 nhiều, nhưng các trụ lớn nhất cũng không quá “nát”: VCB, CTG, GAS, SAB giảm dưới 1%, VIC tham chiếu thành công nhờ giao dịch đợt ATC.
Thanh khoản trong nhóm VN30 khá cao so với buổi sáng, đạt 2.323 tỷ đồng, tăng 60%. Cổ phiếu ngân hàng trong rổ này chiếm 44% tổng giá trị khớp cả nhóm. Như vậy sức ép bán ra là yếu tố chính tạo thanh khoản.
Trái ngược với nhóm blue-chips chủ đạo là giảm giá, nhóm vốn hóa nhỏ có sức đề kháng tốt hơn. VNSmallcap là chỉ số duy nhất xanh, tăng 0,54%, dù độ rộng cũng không quá tốt: 97 mã tăng/80 mã giảm. Rổ này có 7 mã kịch trần trong tổng số 10 mã ở HoSE, là BSI, VNE, EVG, ST8, NHA, TDC và HHP. Số này có 3 mã giao dịch sôi động là BSI thanh khoản 115,8 tỷ đồng, TDC thanh khoản 48,5 tỷ và HHP thanh khoản 44,9 tỷ. Những cổ phiếu khác tăng trong biên độ 2% với thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên là CTS, AGR, ITC, KHG, ORS, DRH, VSC, LCG, DLG, KSB.
Dĩ nhiên với nhóm vốn hóa nhỏ, không thể trông đợi dòng tiền lớn vào được, nhưng cơ hội để các nhà đầu tư nhỏ lẻ giao dịch vẫn khá nhiều. Sàn HoSE phiên này thanh khoản khớp lệnh giảm gần 5% thì VN30 giảm 11%, Midcap giảm 5%, riêng Smallcap lại tăng 20%.
Các cổ phiếu thanh khoản hạn chế vẫn đang tìm thấy lợi thế tự nhiên trong bối cảnh sức ép tăng lên đối với các cổ phiếu lớn. Khả năng chống đỡ từ bên mua rất khác nhau và phần lớn là yếu, nên những cổ phiếu có lượng trôi nổi thấp dễ giữ giá hơn. Trong top 10 thanh khoản thị trường hôm nay, chỉ có 3 mã tăng giá là DIG, NVL và CII, còn lại đều giảm.
Khối ngoại buổi chiều cũng gia tăng sức ép đáng kể so với buổi sáng. Riêng chiều nay giá trị bán lên tới 740,2 tỷ đồng với cổ phiếu sàn HoSE, tăng 72% so với phiên sáng. Giá trị bán ròng đạt 387,8 tỷ đồng, nâng tổng mức bán ròng cả ngày lên 569,9 tỷ đồng. HPG -133,6 tỷ, VNM -95,2 tỷ, VND -78,1 tỷ, KBC -61,9 tỷ, CTG -51,2 tỷ, SSI -47,6 tỷ, NVL -30,1 tỷ, STB -29,1 tỷ, VPB -28,6 tỷ, DPM -25,4 tỷ, HSG -23,5 tỷ, NLG -23,4 tỷ, MSN -23,3 tỷ là các cổ phiếu bị rút tiền nhiều nhất.