Báo cáo của Ngân hàng Trung ương Israel (BOI) cho biết lợi nhuận ròng của các ngân hàng nước này trong năm 2022 đã đạt tổng cộng 6,4 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước đó.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng cao nói trên chủ yếu là nhờ lãi suất tăng mạnh. Theo đó, tổng doanh thu từ lãi suất đạt 19,2 tỷ USD, trong khi chi phí là 5,8 tỷ USD, tạo ra mức lợi nhuận gần 13,4 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2021. Ngoài ra, doanh thu từ các loại phí cũng tăng 6,1%, chủ yếu là từ hoạt động phát hành thẻ tín dụng.
Kết quả kinh doanh cho thấy hệ thống ngân hàng tại Israel vẫn đang hoạt động tốt, nhưng việc lợi nhuận cao phụ thuộc lãi suất cho thấy đây là một kết quả không bền vững.
Trong khi đó, 5 ngân hàng lớn nhất tại Israel cũng đã công bố mức lợi nhuận ròng trong quý đầu của năm 2023 đạt 6,3 tỷ NIS (1,69 tỷ USD), do lạm phát và lãi suất tăng cho phép các ngân hàng mở rộng các chương trình mua lại cổ tức và cổ phần. Nhờ vậy, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng đạt trung bình là 16,4%, mức cao nhất kể từ năm 2006. Một số ngân hàng đạt tỷ lệ 20%.
Phát biểu với báo chí, trưởng bộ phận giám sát của BOI, ông Yair Avidan nhấn mạnh: “Mức tăng 20% hiện nay là rất cao… Quý II có thể đạt mức gần tương đương, nhưng trong tương lai nó sẽ không bền vững".
Trước tình trạng lạm phát tiếp tục đứng ở mức cao, hôm 22/5, BOI đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, lên 4,75%. Đây là lần tăng thứ 10 trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ liên tục hơn 1 năm qua. Việc lãi suất cơ bản từ 0,1% tăng lên mức cao kỷ lục hiện nay đã tạo ra một làn sóng giải chấp và hoàn nợ trong các doanh nghiệp và cá nhân./.