Một trong những vấn đề khiến chuỗi khí điện lô B – Ô Môn chậm triển khai là công tác phê duyệt điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đường ống (thành phần).
LTS: Đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng các dự án dầu khí trọng điểm quốc gia vẫn chậm trễ kéo dài với nhiều vướng mắc nan giải. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ nhiều vấn đề và các bên liên quan, tuy nhiên, các nút thắt chính nằm ở thủ tục, phê duyệt cơ chế, thu xếp vốn, xử lý chuyển đổi chủ đầu tư. Nếu trạng thái này tiếp tục tiếp diễn thì trọng trách "mũi nhọn của nền kinh tế" và đảm bảo an ninh năng lượng... sẽ đặt trong tình trạng đáng lo ngại.
TheLEADER khởi đăng chuyên đề "Tương lai nào cho 6 siêu dự án dầu khí trọng điểm quốc gia?" nhằm thông tin tới bạn đọc về bức tranh toàn cảnh phát triển các dự án dầu khí trọng điểm quốc gia thuộc trách nhiệm đầu tư, phát triển của PVN.
Dự án khí điện Lô B – Ô Môn là một trong hai dự án khí lớn nhất tại Việt Nam, sản lượng khai thác khí hàng năm của dự án đạt khoảng 5 tỷ m3. Chuỗi dự án gồm các thành phần: Dự án phát triển mỏ Lô B (các bên tham gia gồm PVN – người điều hành, MOECO - Nhật Bản, PTTEP -Thái Lan và PVEP) có tổng chi phí khoảng 11 tỷ USD (thời giá 2016); phần thu của Chính phủ trong toàn vòng đời dự án khoảng 21 tỷ USD, của PVN và PVEP là khoảng 9 tỷ USD, của MOECO và PTTEP khoảng 4 tỷ USD. Dự án hạ nguồn gồm 4 nhà máy điện: Ô Môn 1 (660MW, chủ đầu tư EVNGENCO2), Ô Môn 2 (1.050MW, Marubeni/Vietracimex), Ô Môn 3 và 4 (mỗi nhà máy công suất 1.050MW, chủ đầu tư EVN).
Dự án đường ống Lô B – Ô Môn (PVN – người điều hành và các bên MOECO, PTTEP, PVGAS) có tổng chi phí khoảng 2,7 tỷ USD; phần thu của Chính phủ khoảng 0,8 tỷ USD, của PVN và PVGAS khoảng 2,5 tỷ USD, của MOECO và PTTEP khoảng 0,6 tỷ USD.
Theo kế hoạch dự kiến, tiến độ có dòng khí đầu tiên (First Gas - FG) là vào cuối năm 2021 (đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định hồi tháng 7/2018 về kế hoạch phát triển mỏ). Tuy nhiên, suốt thời gian qua, với các vướng mắc khó khăn ở thủ tục, chuỗi dự án Lô B – Ô Môn đã lỡ tiến độ nhiều năm và thời điểm hiện tại là thuận lợi để thúc đẩy tiến độ dự án nhằm có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2025, chủ động nguồn cung năng lượng cho phát triển kinh tế.
6 tháng sau khi Thủ tướng chỉ đạo PVN cùng các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xử lý các vấn đề còn tồn tại của chuỗi khí điện lô B – Ô Môn (cuối tháng 6/2022), Ban chỉ đạo nhà nước các dự án dầu khí trọng điểm đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm phê duyệt điều chỉnh chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn (thuộc chuỗi), hoàn thành trong tháng 1/2023.
Kết thúc quý I/2023, Bộ Kế hoạch và đầu tư vẫn chưa thể hoàn thành công việc liên quan, với lý do các nhà đầu tư chưa cung cấp đủ hồ sơ giải trình về điều chỉnh dự án.
Cụ thể, tháng 11/2022, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn (sau đây gọi tắt là dự án) kèm theo hồ sơ dự án của các nhà đầu tư PVN, PVGAS, Mitsui Oil Exploration Co., Ltd (MOECO) và Pttep Southwest Vietnam Pipeline Company Limited (PTTEP). Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã bị bộ yêu cầu giải trình, bổ sung hồ sơ để phục vụ công tác thẩm định do nhiều vấn đề.
Thứ nhất, về hồ sơ dự án, bộ yêu cầu bổ sung quyết định của các nhà đầu tư về điều chỉnh dự án (trong bộ hồ sơ có Nghị quyết hồi tháng 8/2020 của Ban điều phối hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án (BCC) quyết nghị việc chuyển nhượng vốn của MOECO cho MOECO SOUTHWEST VIETNAM PIPELINE B.V (MSPL), nhưng đây không phải là quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án).
Bên cạnh đó, là hàng loạt nội dung khác cần bổ sung như: Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020, 2021 của MOECO; báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 của MSPL; Nghị quyết hội đồng quản trị MOECO về việc chuyển nhượng quyền và lợi ích dự án đường ống Block B tại Việt Nam do công ty sở hữu, cho công ty MSPL – công ty con 100% vốn…
Đáng chú ý, là nội dung điều chỉnh nhà đầu tư. Theo thỏa thuận (tháng 12/2019) ký giữa MOECO và MSPL về chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ hợp đồng BCC (ký hồi tháng 2/2010), MOECO chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi tham gia dự án (khoảng 15% tương đương 193 triệu USD) cho công ty con là MSPL với giá trị chuyển nhượng là 1 EUR. Đây là một trong những vấn đề cần giải trình của các nhà đầu tư.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng yêu cầu làm rõ khả năng tài chính của MSPL (để góp vốn thực hiện dự án).
Thêm một vấn đề quan trọng, là điều chỉnh thông tin người đại diện theo pháp luật của PVN, PTTEP được yêu cầu làm rõ trong dự án này.
Cụ thể, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, có quy định các trường hợp không được đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, gồm có: Góp vốn cùng công ty con để thành lập công ty cổ phần, công ty TNHH hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Bên cạnh đó, về xử lý vấn đề góp vốn tại hợp đồng dự án, hồi tháng 10/2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo PVN xây dựng kế hoạch và phê duyệt chủ trương việc PVN mua hoặc chuyển nhượng phần vốn góp tại Hợp đồng BCC dự án với PVGAS theo quy định pháp luật liên qua. Trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài tại hợp đồng BCC dự án về vấn đề này trước khi thực hiện.
Tuy nhiên, theo hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án cho thấy, cơ cấu nhà đầu tư tham gia dự án vẫn bao gồm PVN (chiếm gần 29%) và PVGas (51%). Do đó, Bộ Kế hoạch đầu tư đề nghị PVN báo cáo về việc thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng (nêu trên) để có cơ sở xem xét việc điều chỉnh nội dung thông tin về nhà đầu tư thứ nhất (PVN) trong các giấy chứng nhận đầu tư/giấy phép đầu tư…
Tương tự, là việc điều chỉnh thông tin người đại diện theo pháp luật của PTTEP. Hồ sơ có bản dịch công chứng trích lục sổ đăng ký doanh nghiệp Phòng thương mại Hà Lan số đăng ký công ty 70094632. Tuy nhiên, ‘không có giấy chứng nhận thành lập của PTTEP để có cơ sở xem xét về thông tin người đại diện theo pháp luật mới của PTTEP’, Bộ Kế hoạch đầu tư lưu ý.
Những hạng mục hồ sơ, thông tin yêu cầu bổ sung đã rất rõ về chi tiết, cũng như thời hạn nộp (trước 30/11/2022). Tới cuối tháng 1/2023, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết đã nhận được hồ sơ giải trình về các nội dung liên quan từ các nhà đầu tư. Tuy vậy, một lần nữa, PVN cùng PVGAS, MOECO, PTTEP tiếp tục được yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ đầy đủ (theo yêu cầu hồi tháng 11/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và làm rõ phương án nguồn vốn, khả năng huy động vốn của MSPL.
Trao đổi với TheLEADER, Vụ trưởng Vụ giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và đầu tư) Tăng Ngọc Tráng cho biết quá thời hạn (14/4/2023) nhưng vẫn chưa nhận được hồ sơ của các nhà đầu tư này.
Trong một diễn biến liên quan, trung tuần tháng 3/2023, nội dung về dự án điện khí lô B – Ô Môn đã được tập trung đề cập tại buổi làm việc giữa UBND TP. Cần Thơ và Đoàn đại biểu quốc hội TP. Cần Thơ. Theo đó, UBND TP. Cần Thơ kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần trong chuỗi dự án điện-khí Lô B (dự án trọng điểm quốc gia) thông qua việc tháo gỡ các vướng mắc và cũng để sớm thi công xây dựng các Nhà máy nhiệt điện II, III, IV tại Trung tâm điện lực Ô Môn.
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030, Trung tâm Điện lực Ô Môn được quy hoạch gồm 4 nhà máy nhiệt điện: I, II, III, IV, với tổng công suất 3.810 MW, sử dụng nhiên liệu khí từ mỏ khí lô B. Đến nay, trừ Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I đã đi vào vận hành từ năm 2015 thì ba nhà máy còn lại với tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng vẫn chưa triển khai xây dựng.