Mới đây, các doanh nghiệp (DN) cung ứng nước sạch trên địa bàn tỉnh đã đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch. Theo các DN, đây là giải pháp đảm bảo nâng cao hiệu quả và chất lượng, đẩy nhanh tiến độ “phổ cập” nước sạch cho người dân.
Nhân viên Nhà máy nước Thiện Tân kiểm tra hệ thống máy vận hành. Ảnh: H.LỘC
Trước đề xuất này, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu xem xét, một mặt tạo điều kiện cho DN làm ăn có lãi, một mặt để người dân có điều kiện được sử dụng nước sạch.
* Gần 10 năm “bình ổn” giá nước
Tại buổi làm việc của lãnh đạo Tỉnh ủy với đơn vị vào ngày 11-5 vừa qua, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đồng Nai Nguyễn Thị Hồng thông tin, giá nước sạch công ty bán cho hộ dân cư đang được thực hiện theo Quyết định số 20/2014/QĐ-UBND ban hành năm 2014 (Quyết định 20) của UBND tỉnh. Mức giá này thấp hơn các địa phương lân cận như: Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 20-30%. Điều này gây khó khăn cho DN, ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mạng lưới cấp nước cho người dân.
Cũng theo bà Hồng, trước đây DN đã có ý kiến đề xuất điều chỉnh giá nước sạch với lãnh đạo tỉnh, nhưng dịch bệnh Covid-19 khiến đề xuất này bị “khựng” lại. Hiện tại, giá thành sản xuất 1m3 nước sạch của công ty cao hơn giá bán bậc 1 và bậc 2.
Giá nước dành cho hộ gia đình trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 20 có 4 bậc. Bậc 1 áp dụng cho 10m3 đầu tiên giá 5,8 ngàn đồng/m3. Các bậc sau giá nước lũy tiến tăng và bậc cao nhất từ 30m3 trở lên giá 12,8 ngàn đồng/m3, chưa bao gồm thuế và phí môi trường. Giá này áp dụng cho các DN trực tiếp sản xuất và bán nước sạch cho người dân. Còn nước sạch khi qua các đơn vị phân phối và nước sạch từ hệ thống cấp nước nông thôn giá cao hơn, có khi gấp đến 3 lần. Điều này là không công bằng giữa các đơn vị cấp nước và khiến người dân khó đấu nối, sử dụng nước sạch.
Giám đốc Công ty CP Cấp nước Gia Tân Hoàng Anh Tuấn cho rằng, giá nước sạch của tỉnh “bình ổn” gần 10 năm nay. Việc áp dụng mức giá này quá lâu trong điều kiện giá nhiên liệu, nhân công tăng cao đã ảnh hưởng đến tài chính của DN, tác động khả năng phát triển hạ tầng nước sạch về vùng nông thôn.
“Tháng 4-2023, công ty đã có tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính xem xét thẩm định và phê duyệt phương án giá nước sạch. Phương án giá công ty đề xuất cho hộ dân cư là 10 ngàn đồng/m3, không có bậc thang, không giá lũy tiến” - ông Tuấn chia sẻ.
Theo các DN, thời gian qua, việc đầu tư phát triển mạng lưới nước sạch hoàn toàn bằng nguồn vốn tự có hoặc vay tín dụng. Trong khi đó, DN miễn phí lắp đặt đồng hồ nước, miễn phí 4m đường ống cho hộ gia đình lắp đặt mới. Thời điểm hiện tại, tỉnh yêu cầu đẩy nhanh phát triển mạng lưới cấp nước về các xã. Nếu được điều chỉnh giá bán lẻ, DN sẽ bớt khó khăn về tài chính, nhiệm vụ “phổ cập” nước sạch cũng nhanh hơn.
* Cân nhắc tăng giá nước
Hiện nay, tỉnh đẩy mạnh phát triển tỷ lệ hộ gia đình được cấp nước sạch. Ngoài tạo điều kiện về quỹ đất, thủ tục, nguồn vốn thì tăng ưu đãi cho nhà đầu tư bằng cách điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch phù hợp là một giải pháp. Tuy nhiên, việc này phải được xem xét, cân nhắc nhiều yếu tố.
Ông Nguyễn Đình Khánh (ngụ KP.2, P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho rằng, tiền nước không đáng bao nhiêu so với các chi phí sinh hoạt khác. Ông đồng tình với tăng giá nước sạch nhưng đi kèm với đó là chất lượng nước, chất lượng dịch vụ cũng phải tăng theo.
“Nước sạch liên quan trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của mỗi người. Tôi muốn chất lượng nước sạch được nâng cấp theo giá tiền, có thể uống được trực tiếp tại vòi càng tốt. Bỏ tiền ra mua nước không sạch còn trả giá đắt hơn nhiều” - ông Khánh bày tỏ.
Tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ngày 11-5, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu xem xét kiến nghị của DN về điều chỉnh giá nước. Việc xem xét phải dựa trên giá bán lẻ nước của các địa phương lân cận, chi phí giá thành sản xuất. Giá nước phải đảm bảo tài chính cho nhà đầu tư, nhưng cũng đảm bảo người thu nhập mức trung bình có điều kiện dùng.
Hiện UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố rà soát, so sánh lại đơn giá nước sạch của các đơn vị cấp nước. Trường hợp có sự chênh lệch lớn hoặc tự thu khi chưa được UBND tỉnh phê duyệt/chấp thuận đơn giá nước thì báo cáo Sở Tài chính để tham mưu tỉnh xử lý, tránh tình trạng giá nước ở các khu vực chênh lệch nhau quá cao, không khuyến khích người dân sử dụng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, nhu cầu về nguồn nước, chất lượng nước sạch của người dân ngày càng tăng trong khi nguồn nước ngầm suy giảm và có dấu hiệu ô nhiễm, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách hạn chế. Để thu hút các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa nước sạch phải có những ưu tiên, ưu đãi về quyền lợi. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Xây dựng, Sở NN-PTNT tham khảo giá cấp nước của các địa phương và đề xuất của DN tham mưu cho UBND tỉnh giá nước.
Theo Quyết định số 20, giá bán lẻ nước cho hộ dân cư bậc 1: từ 0-10m3 là 5,8 ngàn đồng/m3; bậc 2: từ 10-20m3 giá 8,5 ngàn đồng/m3; bậc 3: từ 20-30m3 giá 10 ngàn đồng/m3; bậc 4: trên 30m3 giá 12,8 ngàn đồng/m3. Giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường.