• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 9:27:14 CH - Mở cửa
Cổ đông ngân hàng 'dài cổ' đợi cổ tức tiền mặt
Nguồn tin: Vietnam Finance | 31/05/2023 10:30:51 SA

 Kinh tế khó khăn, giá cổ phiếu sụt giảm, cổ đông nhiều ngân hàng mong ngóng cổ tức “tiền tươi thóc thật”. Song nhiều ngân hàng vẫn nói không với cổ tức tiền mặt suốt nhiều năm dù con số lợi nhuận lên tới cả chục nghìn tỷ, thậm chí hàng tỷ USD.

Tin vui hiếm hoi giữa thời khó

Năm nay, một số ngân hàng lên kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông sau nhiều năm chia bằng cổ phiếu. Đây là tin vui với nhà đầu tư sau nhiều năm “nằm gai nếm mật” với cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB) đã quyết định chia cổ tức bằng tiền mặt trong 2023 sau nhiều năm chia bằng cổ phiếu và dự kiến tiếp tục chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm tiếp theo với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm. Nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, VPB sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% dự kiến trong quý II, III năm nay. Với hơn 6,7 tỷ cổ phiếu lưu hành, số tiền dự chi là hơn 6.700 tỷ đồng.

Với Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (HoSE: VIB), mức chia cổ tức trong năm nay tối đa là 15% cổ tức tiền mặt và 20% cổ phiếu thưởng. Với hơn 2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền dự chi của VIB là 3.000 tỷ đồng. Được biết, lần gần nhất VIB trả cổ tức tiền mặt là năm 2018. Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) cũng lên kế hoạch trả cổ tức với tổng tỷ lệ 25%; trong đó 15% cổ phiếu và 10% tiền mặt với quy mô cổ tức tiền mặt khoảng 3.377 tỷ đồng. Như vậy, sau 7 năm, ACB sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trở lại. Lần gần nhất ACB trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7%.

Một ngân hàng chia cổ tức tiền mặt khác là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HoSE: TPB) với tỷ lệ chi trả cổ tức 25%, như vậy quy mô chi trả cổ tức tiền mặt lên tới 3.955 tỷ đồng. Đây là tin “chấn động lòng người” với cổ đông TPB, bởi đã hơn 10 năm, từ 2012, TPB không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% bên cạnh cổ tức bằng cổ phiếu chi trả với tỷ lệ 15% để tăng vốn điều lệ lên 29.276 tỷ đồng. Tương tự là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) dự kiến dùng 9.068 tỷ đồng để chia cổ tức; trong đó 6.801 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ 15%) dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, 2.266 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ 5%) chia cổ tức bằng tiền mặt.

Có thể thấy, điểm chung của những ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt năm nay là có tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Vì vậy, ngay cả khi chi số tiền lớn để trả cổ tức thì tỷ lệ CAR sau chia này vẫn ở mức an toàn. Cụ thể, TPBank 3 năm gần đây luôn duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trên 12%, CAR của nhà băng này theo Basel III vào cuối năm 2022 ở mức 12,6%. Tại ACB, cuối năm 2022, tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II đạt mức 12,8%. Tại VIB, tỷ lệ an toàn vốn CAR cuối năm 2022 đạt 12,8%, thuộc nhóm đầu ngành.

Thị trường kỳ vọng những ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao cũng sẽ chia cổ tức tiền mặt. Tuy nhiên, năm nay, hầu hết ngân hàng vẫn dự định chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Điều này đã được các ngân hàng lặp lại trong nhiều năm, khiến không ít cổ đông “ngán đến tận cổ”. Nếu như 2 năm trước, nhiều nhà đầu tư vui mừng khi được chi trả bằng cổ phiếu do thị giá cao thì năm nay giá cổ phiếu sụt giảm đã khiến đa số cổ đông mong có “tiền tươi thóc thật”.

Tình cảnh cổ đông nhà băng cả thập kỷ không biết đến cổ tức tiền mặt không phải là hiếm. Ở Techcombank, cổ đông đã trải qua năm thứ 12 liên tiếp chưa nhận được một đồng cổ tức. Tại đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng, nhiều cổ đông bức xúc việc nhiều năm chia cổ tức bằng cổ phiếu, không chia tiền mặt là không quan tâm đến lợi ích của cổ đông. Ngược lại, lãnh đạo nhà băng luôn trả lời ngắn gọn, đó là chiến lược gia tăng tiềm lực dài hạn, tất cả phải nhìn về tương lai.

Lãi tỷ USD không chia cổ tức

Động thái chia cổ tức bằng tiền mặt của các ngân hàng diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo nới lỏng yêu cầu chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN trong đó nêu rõ các ngân hàng có kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2022 có thể phân phối lợi nhuận bằng cả cổ phiếu và tiền mặt cho cổ đông. Trước đó, trong suốt 3 năm, 2020 - 2022, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức tiền mặt để dành nguồn lực xử lý các khoản nợ xấu, trái phiếu VAMC và tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Ngoại lệ, các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) vẫn được trả cổ tức tiền mặt do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước. Và khi không còn bị “siết” về việc chia cổ tức, các ngân hàng bắt đầu lên kế hoạch cho việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt trở lại. Đây là tin vui đối với nhiều cổ đông khi cổ phiếu “vua” chưa khởi sắc, tín hiệu mang lại tâm lý tích cực khi chứng khoán ảm đạm.

Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư ngắn hạn không hào hứng với việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Còn với nhiều nhà đầu tư dài hạn, toan tính sẽ là “cơm chưa ăn, gạo còn đó”, kỳ vọng cho những mục tiêu lớn hơn của doanh nghiệp.

Cổ tức bằng tiền mặt có một số ưu điểm, đặc biệt là việc kiểm soát “agency cost” (chi phí ủy quyền - thừa hành). Về nguyên tắc, chi phí này càng cao thì càng cần trả cổ tức bằng tiền. Tuy nhiên, việc trả cổ tức bằng tiền mặt có một số vấn đề. Trong đó, rất khó xác định “agency cost” như thế nào là cao. Thêm nữa, khó có giải pháp buộc doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, đặc biệt ở các thị trường đang phát triển.

Mặt khác, việc trả cổ tức bằng tiền sẽ tạo ra gánh nặng thuế khóa cho cổ đông, nhất là những nhà đầu tư muốn tích lũy giá trị cho tương lai. Trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ khiến cổ đông chịu thuế 2 lần. Lần thứ nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện ở mức 20% - 22%). Lần thứ 2 là phần cổ tức bằng tiền mặt này phải chịu thuế thu nhập cá nhân 5%. Theo đó, nếu được trả cổ tức 2.000 đồng/cổ phiếu thì sau khi trừ các khoản thuế phí, nhà đầu tư chỉ còn nhận lại được mức cổ tức thực tế là 1.900 đồng/cổ phiếu.

Có một thực tế là nhiều ngân hàng hơn chục năm không chịu trả cổ tức. Nhiều ngân hàng lãi lớn nhiều nghìn tỷ đồng trong các năm qua cũng không chia cổ tức cho dù Ngân hàng Nhà nước không còn yêu cầu không chia cổ tức để tái cấu trúc. Không ít cổ đông buộc phải chọn giải pháp bán ra cổ phiếu của các ngân hàng không chia tiền cho cổ đông.

Tại đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) hôm 25/4, nhiều cổ đông cá nhân gay gắt về việc ngân hàng này không chia cổ tức. Việc chia cổ tức của Sacombank sẽ tiếp tục không được thực hiện trong năm 2023 do yêu cầu tái cơ cấu từ Ngân hàng Nhà nước. Lần gần nhất Sacombank chia cổ tức là năm 2015 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu.

Trong năm qua, giá nhiều cổ phiếu giảm mạnh. Không ít người chấp nhận nắm giữ cổ phiếu và trông chờ vào cổ tức. Nhưng nhiều ngân hàng tiếp tục gây thất vọng khi vẫn quyết không chia cổ tức cho dù có kết quả kinh doanh tốt. Đó dường như là mối bất đồng của phần lớn cổ đông nhưng cũng đành bất lực.

Mai Hạnh