Theo giới phân tích năng lượng: Với nguồn cung tăng đã giúp thị trường than giảm nhiệt sau năm 2022 đầy biến động, hiện giá than nhiệt toàn cầu đang ổn định ở mức gần 200 USD/tấn, thấp hơn một nửa so với mức cao kỷ lục của năm ngoái. Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về giá than, tình hình cung ứng than trên thế giới và Việt Nam để bạn đọc cùng tham khảo.
Tình hình giá than thế giới:
Theo Reuters: Các nhà phân tích dự đoán chỉ số giá than tiêu chuẩn Newcastle (Newcastle coal index, than có nhiệt trị 6.000 kcal/kg) sẽ đạt trung bình 175 - 212 USD/tấn trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức trung bình 86 USD trong 10 năm trước, sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine, nhưng giảm hơn 50% so với mức cao nhất của tháng 9/2022 là 440 USD/tấn.
Năm 2022, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã buộc người mua châu Âu phải trả thêm nhiều đô la để mua nhiên liệu đốt các nhà máy điện, đẩy giá toàn cầu vốn đã cao từ cuối năm 2021 lên cao hơn. Nga là nhà cung cấp than và khí tự nhiên lớn nhất của châu Âu trước chiến tranh. Tuy nhiên, giá than giảm trong năm nay sẽ giúp các công ty điện lực và những người sử dụng khác lập kế hoạch mua nhiên liệu tốt hơn, giảm bớt áp lực đối với các nền kinh tế đang phải đối mặt với lạm phát cao. Giá nhiên liệu thường chiếm hơn một nửa tổng chi phí sản xuất điện.
Alexandre Claude - Giám đốc điều hành của Công ty phân tích Hàng hóa DBX có trụ sở tại London cho biết: DBX dự kiến sự biến động sẽ thấp hơn vào năm 2023 so với năm 2022 do dòng chảy thương mại đã ổn định sau “cú sốc năng lượng” khi chiến sự Ukraine xảy ra.
Công ty tư vấn Argus Consulting GmbH của Thụy Sỹ dự báo: Xuất khẩu than toàn cầu sẽ tăng 4,4% trong năm nay, trong khi nhập khẩu sẽ tăng 5%. Trung Quốc được cho là đang tăng nhập khẩu thêm 11%, trong khi xuất khẩu của Úc tăng 9,4% sau khi giảm trong ba năm liên tiếp.
Theo ông July Ndlovu - Chủ tịch Hiệp hội Than Thế giới (WCA) kiêm Giám đốc điều hành Thungela Resources của Nam Phi (TGAJ.J): Vai trò “không cân xứng” của châu Âu trong việc quyết định giá than đã hết.
“Trong tương lai, những gì xảy ra với Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thúc đẩy các nguyên tắc cơ bản cho năng lượng, bởi vì đó là nơi tăng trưởng nhu cầu năng lượng” - Chủ tịch WCA nhấn mạnh.
Hãng Westpac của Úc dự báo: Giá than Newcastle sẽ đạt mức trung bình 193 USD/tấn trong 9 tháng (kết thúc vào tháng 12 năm 2023), trong khi đó Citi lại đưa ra dự báo hồi tháng 4, họ dự kiến chỉ số này sẽ đạt mức trung bình 175 USD trong tháng 9 - 12 và đạt mức tăng trung bình là $212 trong năm nay.
Tính đến cuối tháng 5/2023, giá than Newcastle chỉ hơn 159 USD/tấn trên cơ sở giao hàng FOB, ở mức thấp nhất trong phạm vi 159 - 179 USD mà nó đã giữ trong quý 2 và còn cách xa mức 180 - 403 USD của giá than quý 1/2023.
Theo các nhà xuất khẩu than hàng đầu của Indonesia và Australia thì hai quốc gia này dự kiến sẽ tăng cường xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu cao hơn từ Ấn Độ cùng một số khu vực Đông Nam Á bù đắp cho sự sụt giảm nhỏ nguồn cung từ những nơi khác, nhất là từ Nga.
Văn phòng nhà kinh tế trưởng Australia dự kiến: Nguồn cung từ Australia tăng 7,8% và xuất khẩu của Indonesia tăng 2,4%, trong khi nhập khẩu của châu Á tăng 2,3% lên 852 triệu tấn và xuất khẩu sang châu Âu giảm hơn 15%.
Theo Argus Consulting GmbH: Xuất khẩu than từ Nga dự kiến sẽ thấp hơn, với sự thu hẹp chênh lệch giữa than chiết khấu của Nga và các loại than khác làm giảm khả năng cạnh tranh của than Nga. Giảm giá mạnh so với giá chuẩn đã giúp Nga thu hút người mua châu Á sau khi lệnh trừng phạt của phương Tây ngăn cản việc bán hàng sang châu Âu, nhưng lợi thế đó đang biến mất.
Dự báo về mô hình thời tiết El Nino thường liên quan đến điều kiện khô hơn, cũng có thể làm giảm sự gián đoạn liên quan đến mưa đối với nguồn cung và hỗ trợ sản lượng than cao hơn từ các khu vực trọng điểm và giảm giá trở lại từ mức cao của năm trước.
Tuy nhiên, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến ở Trung Quốc đều có thể có tác động lớn hơn đến giá cả mặc dù nhập khẩu tăng trong năm nay và sản lượng than trong nước tăng.
“Sự ổn định về giá còn được hậu thuẫn bởi cách Trung Quốc quyết định về chính sách năng lượng của họ - đây là động lực giúp giá than nhanh chóng ổn định hơn” - Chủ tịch WCA Ndlovu nhấn mạnh.
Ngày 6/6/2023, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) đã công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Hàng năm 2023 (Annual Energy Outlook 2023 hay AEO2023). Theo Báo cáo: Công suất phát điện đốt than của Hoa Kỳ sẽ giảm xuống dưới một nửa mức của năm 2022 vào năm 2050.
Sau khi tăng trong cả năm 2021 và 2022, AEO2023 dự kiến sản lượng than của Hoa Kỳ sẽ giảm 6% xuống còn khoảng 560 triệu tấn vào năm 2023 và thêm 14% xuống 480 tấn năm 2024. Lý do chính cho sự sụt giảm là dự báo mức tiêu thụ than của ngành điện sẽ giảm 19% vào năm 2023. Nhu cầu từ thị trường nước ngoài giúp hỗ trợ sản xuất than của Hoa Kỳ bằng cách cung cấp một lối thoát cho xuất khẩu.
Chi phí than giao cho các nhà máy phát điện trung bình là 2,51 USD/một triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu) vào tháng 3/2023, tháng dữ liệu lịch sử gần đây nhất. Mức giá này giảm so với mức kỷ lục 2,65 USD/MMBtu đạt được vào tháng 12/2022.
AEO2023 dự báo: Chi phí than được giao tại Hoa Kỳ sẽ ở mức trung bình 2,48 USD/MMBtu vào năm 2023 trước khi giảm 3% vào năm 2024 xuống mức trung bình 2,40 USD/MMBtu. Việc giảm chi phí chủ yếu là kết quả của nhu cầu than yếu đi.
Tổng công suất nhiệt điện than của Hoa Kỳ giảm từ 52% đến 88%, bao gồm khoảng 99 GW đến 159 GW công suất nhiệt điện than ngừng hoạt động và một lượng nhỏ công suất nhiệt điện than dự kiến sẽ được chuyển đổi sang công suất nhiệt điện khí tự nhiên. Trong số các nhà máy ngừng hoạt động, 61 GW đến từ các nhà máy nhiệt điện than mà các chủ sở hữu và nhà điều hành đã công bố kế hoạch ngừng hoạt động. Nhiều yếu tố khác nhau như đội tàu than già cỗi, các quy định về môi trường và sự cạnh tranh từ các nhà máy chạy bằng khí đốt tự nhiên, năng lượng gió, mặt trời đã góp phần làm suy giảm tính kinh tế của nhiệt điện than của Hoa Kỳ.
Về cung ứng và giá than ở Việt Nam:
Theo kết quả phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research): Than chiếm một khoản chi phí sản xuất lớn, nhất là trong ngành điện, xi măng, hoá chất, thép… (Ví dụ, chiếm khoảng 30 - 40% chi phí sản xuất xi măng).
Giá than toàn cầu đã tăng khoảng 66 - 138% trong năm 2022 do xung đột quân sự đẩy giá năng lượng lên cao; việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga buộc châu Âu phải sử dụng năng lượng thay thế, trong đó có than; các nền kinh tế mở cửa trở lại sau dịch Covid-19.
Trong khi đó, nhu cầu than trong nước yếu đi do sự đi xuống của thị trường bất động sản (kể từ quý 2/2022) và chính sách Zero-Covid của Trung Quốc (thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam, chiếm 54% tổng sản lượng xuất khẩu xi măng năm 2021), khiến các nhà sản xuất cạnh tranh gay gắt, giá bán chỉ tăng 5 - 10%, lợi nhuận giảm, có giai đoạn kinh doanh chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ.
Trong bối cảnh đó, việc giá than giảm mạnh từ đầu năm đến nay và dự báo mức giá trung bình cả năm thấp hơn nhiều so với năm 2022 được kỳ vọng sẽ là biến số quan trọng giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sử dụng nhiều than.
Một yếu tố tích cực là mặt bằng lãi suất trong nước thời gian gần đây có xu hướng hạ nhiệt, biến động tỷ giá USD/VND cũng ổn định hơn. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực gia tăng chi phí tài chính, cũng như chi phí nhập khẩu nhiên liệu.
Được biết, hiện nay Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đã hoàn thành ký hợp đồng mua bán than năm 2023 cho 22 nhà máy nhiệt điện với tổng sản lượng khoảng 38,52 triệu tấn. Để bảo đảm cung cấp đủ than cho sản xuất điện, hiện TKV tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp nghiên cứu điều chỉnh quy định về công tác tiêu thụ than để các công ty con trực thuộc mua than về pha trộn.
Theo đó, các đơn vị thực hiện công tác nhập khẩu than sẽ chủ động xây dựng kế hoạch nhập khẩu than với lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm… trong nước. Dự kiến, năm 2023, TKV sẽ nhập khẩu gần 9 triệu tấn than phục vụ công tác pha trộn, tiêu thụ than (đến hết tháng 4/2023, TKV đã nhập khẩu 2,7 triệu tấn, bằng 29,7% kế hoạch).
Theo TKV, giá tuần đầu tháng 6/2023 cho than nhiệt trị cao 6.000 kcal/kg (than 6.000 NAR Newcastle Úc): Giá 136,67 USD/tấn (-6,23% so với tuần cuối tháng 5/2023). Giá than tuần đầu tháng 6/2023 cho than nhiệt trị cao 6.000 kcal/kg (than 6.000 NAR Richard Bay, Nam Phi): Giá 95,56 USD/tấn (-6,62% so với tuần cuối tháng 5/2023).
Theo nguồn tin vừa cập nhật sáng nay (15/6) của Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Trong 6 tháng đầu năm 2023, khối lượng than cấp cho các nhà máy điện đạt 20,981 triệu tấn, tương đương đạt 54,5% khối lượng hợp đồng và bằng 115,2% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 2,765 triệu tấn). Sáu tháng cuối năm sẽ khoảng 18,7 triệu tấn. Dự kiến cả năm đạt 39,7 triệu tấn, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ 2022 (tăng khoảng 4,7 triệu tấn).
Cụ thể: Tổng khối lượng than rót cho các nhà máy điện 6 tháng đầu năm đạt 20,981 triệu tấn (trong đó thực hiện 5 tháng đạt 17,269 triệu tấn và dự kiến tháng 6 là 3,712 triệu tấn), tương đương đạt 54,5% khối lượng hợp đồng và bằng 115,2% so cùng kỳ 2022 (tăng 2,765 triệu tấn).
Theo TKV, trong 6 tháng đầu năm hầu hết các nhà máy điện đều được huy động cao, trong đó các tháng 5,6,7 là các tháng cao điểm, các nhà máy điện phát tối đa công suất.
Việc thực hiện cấp than cho các nhà máy điện trong 6 tháng đầu năm đảm bảo đạt tiến độ hợp đồng, một số nhà máy điện vượt tiến độ hợp đồng.
Dự kiến kế hoạch 6 cuối năm 2023, TKV dự báo nhu cầu than cho điện tăng cao (đến hết tháng 7/2023), sau đó sẽ giảm trong các tháng mùa mưa và tăng trở lại từ tháng 11/2023.
Căn cứ biên bản với EVN, TKV đã cam kết cung cấp tăng 10.000 tấn/nhà máy (trong tháng 7) cho các nhà máy nhiệt điện của EVN (khoảng 100.000 tấn) so với tiến độ hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi có Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 6/6/2023, các nhà máy điện đều có nhu cầu lấy tăng, dự kiến tháng 7/2023, TKV phải cấp tăng so với tiến độ hợp đồng khoảng 500.000 tấn./.
KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
(THEO: WB/EIA - 6/2023)
Link tham khảo:
1/ https://blogs.worldbank.org/opendata/declining-coal-prices-reflect-reshaping-global-energy-trade
2/ https://www.eia.gov/outlooks/steo/report/elec_coal_renew.php