• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 4:52:31 SA - Mở cửa
Đồng Nai: Khơi thông 2 tuyến giao thông huyết mạch để phát triển
Nguồn tin: Báo Đồng Nai | 17/06/2023 4:15:00 CH
2 dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ đặc biệt quan trọng gồm Đường vành đai 3 - TP.HCM và Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ chính thức được khởi công xây dựng vào ngày mai 18-6.
 
 
Cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, đoạn đầu tuyến của đường vành đai 3 - TP.HCM đã được khởi công xây dựng vào tháng 9-2022. Ảnh: P.Tùng
 
Đây là những dự án được kỳ vọng sẽ giúp cho vùng phá vỡ “điểm nghẽn” về giao thông kết nối, từ đó khơi thông huyết mạch phát triển.
 
* Phá điểm nghẽn giao thông kết nối
 
Theo thiết kế ban đầu, tuyến quốc lộ 51 có công suất phục vụ khoảng 12 ngàn lượt xe/ngày đêm. Tuy nhiên, nhiều năm qua, công suất phục vụ trung bình của tuyến đường này đã tăng gấp 3 so với thiết kế. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho quốc lộ 51 trở thành nỗi “ám ảnh” của người dân khi thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
 
Đồng Nai có số lượng khu công nghiệp (KCN) trong tốp đầu cả nước. Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại là địa phương sở hữu một trong những cảng biển lớn nhất cả nước. Chính vì vậy, việc kết nối giao thông giữa 2 địa phương gần như phụ thuộc hoàn toàn vào tuyến quốc lộ 51, khiến cho tuyến đường này không thể đáp ứng hết nhu cầu. Trong bối cảnh đó, việc khởi công xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 được xem như là bước đột phá để phá vỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông không chỉ giữa 2 địa phương mà còn cho toàn vùng Đông Nam bộ.
 
Theo kế hoạch của Bộ GT-VT, 2 dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM và Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được tổ chức khởi công đồng loạt vào ngày 18-6. Lễ khởi công 2 dự án sẽ được tổ chức tại các điểm cầu TP.HCM và điểm cầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cũng trong ngày 18-6, dự án thành phần cao tốc đường bộ Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng sẽ được khởi công tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.   
 
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá, quốc lộ 51 hiện đã thực sự trở nên quá tải. Do đó, việc thực hiện đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ giúp giải quyết nhu cầu giao thông. Đặc biệt là khi dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.
 
Trong khi đó, đường vành đai 3 - TP.HCM không chỉ là tuyến đường có ý nghĩa kết nối nội vùng Đông Nam bộ mà đây còn là trục giao thông kết nối quan trọng giữa vùng Đông Nam bộ và vùng Tây Nam bộ.
 
Đường vành đai 3 - TP.HCM đi qua địa bàn 4 địa phương: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM.
 
Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho hay, tuyến đường vành đai 3 - TP.HCM hoàn thành sẽ nâng cao tính kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận, kết nối các đô thị vệ tinh; mở rộng không gian phát triển quỹ đất, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ. Đồng thời, góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông tại trung tâm TP.HCM.
 
* Đánh thức các tiềm năng
 
Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM là các địa phương có nền sản xuất công nghiệp phát triển mạnh. Số lượng các KCN trên địa bàn các địa phương này rất nhiều. Chính vì vậy, đường vành đai 3 - TP.HCM sẽ là tuyến đường vành đai mang sứ mệnh kết nối các trung tâm phát triển công nghiệp lớn của vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
 
Cùng với đó, đường vành đai 3 - TP.HCM cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các địa phương dự kiến sẽ được quy hoạch trở thành vùng động lực phía Nam, một trong 4 vùng động lực quốc gia.
 
Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và vành đai 3 sẽ hoàn thành vào năm 2026
 
2 dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM và Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 được Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư vào tháng 6-2022.
 
Dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM có chiều dài hơn 76km, đi qua địa bàn 4 địa phương: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài hơn 11km. Tổng mức đầu tư dự án hơn 75,4 ngàn tỷ đồng.
 
Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài hơn 53km, đi qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với 3 dự án thành phần. Trong đó, đoạn qua địa bàn Đồng Nai dài hơn 34km, được chia làm 2 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 17,8 ngàn tỷ đồng.
 
Theo dự kiến, cả 2 dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM và Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ hoàn thành cơ bản vào năm 2025 và khai thác đồng bộ vào năm 2026.
 
Riêng với Đồng Nai, đường vành đai 3 - TP.HCM chính là “chất xúc tác” quan trọng để phát triển đô thị mới Nhơn Trạch. Sau hơn 20 năm xây dựng, dù được đánh giá có rất nhiều lợi thế phát triển nhưng do khó khăn trong việc kết nối giao thông đối ngoại, đặc biệt là kết nối giao thông với TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đến nay đô thị mới Nhơn Trạch vẫn chưa đạt được tiêu chí của một đô thị loại II.
 
Chính vì vậy, đường vành đai 3 - TP.HCM được kỳ vọng sẽ tạo thành hướng kết nối mới giữa Nhơn Trạch với TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tạo điều kiện to lớn cho việc phát triển và đưa Nhơn Trạch trở thành đô thị loại II.
 
Với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, thời điểm hoàn thành xây dựng theo dự kiến cũng chính là thời điểm sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến được đưa vào khai thác. Chính vì vậy, đây được xem là trục giao thông huyết mạch kết nối sân bay Long Thành, sân bay lớn nhất cả nước với cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
 
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là dự án quan trọng tạo sự thông thoáng trong kết nối giữa 2 địa phương Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi có sự kết nối này, hiệu quả của sân bay và cảng biển mới được phát huy và chắc chắn sẽ tạo ra động lực để cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.
 
Không chỉ đóng vai trò kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế  - xã hội, các dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM và Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng sẽ mở ra những không gian phát triển mới cho mỗi địa phương cũng như cho toàn vùng Đông Nam bộ. 
 
Trong quy hoạch đường vành đai 3 - TP.HCM, đến nay Bình Dương là địa phương đầu tiên đã hoàn thành xây dựng hơn 15km. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, do được đầu tư phát triển nhanh hơn các tỉnh lân cận, đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường vành đai 3 - TP.HCM.
 
Đối với Đồng Nai, UBND tỉnh cũng đã giao các cơ quan chức năng, các địa phương khẩn trương nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển không gian kinh tế - xã hội mới gắn liền công trình hạ tầng giao thông, trong đó có các dự án Đường vành đai 3-TP.HCM và Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.