Dịch vụ giao đồ ăn từng bùng nổ tại Hàn Quốc thời đại dịch COVID-19 nhưng giờ đã trở nên "ế ẩm".
Đại dịch COVID-19 và các biện pháp giãn cách xã hội từng dẫn tới sự bùng nổ nhu cầu đối với dịch vụ giao đồ ăn tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, áp lực lạm phát cao đã khiến người dân ngày càng có xu hướng ít chi tiêu cho dịch vụ này hơn, gây sức ép lớn lên các nền tảng giao hàng và nhà hàng tại Hàn Quốc.
Anh Lee bắt đầu làm nghề nhân viên giao đồ ăn từ 4 năm trước và từng có nhiều lúc phải làm việc cật lực vì các đơn hàng cứ ập đến liên tục. Tuy nhiên, giờ đây số đơn hàng mà anh nhận được chỉ rất thưa thớt.
Anh Lee - Nhân viên giao hàng chia sẻ: "Đã có lúc tôi ước mình có thể phân thân ra để chạy kịp số đơn hàng nhưng giờ phải chờ rất lâu mới có đề nghị giao đồ ăn".
Từ chỗ tăng hơn 50% trong năm 2021 và hơn 20% trong quý đầu năm ngoái, mức chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn tại Hàn Quốc hiện đã giảm 10 tháng liên tiếp, do người tiêu dùng thắt chặt hầu bao.
"Giá cả tăng chóng mặt nên người tiêu dùng cần cắt giảm chi tiêu. Họ không còn đủ khả năng đặt giao đồ ăn nhiều như thời đại dịch", bà Lee Eun Hee - Giáo sư Đại học Inha, Hàn Quốc cho biết.
Sự thay đổi nhanh chóng này đã gây khó cho các chủ nhà hàng - những người trước đó đã mất nhiều công sức điều chỉnh mô hình kinh doanh.
Ông Park - một chủ nhà hàng cho biết, ông từng mở một cơ sở chuyên phục vụ hoạt động giao nhận đồ ăn, nhưng rốt cuộc đã phải đóng cửa sau thời gian ngắn.
"Ban đầu công việc kinh doanh khá tốt nhưng số lượng đơn đặt hàng sau đó giảm mạnh. Tôi phải đóng cửa hàng, dù hợp đồng thuê vẫn còn hai năm và vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng", ông Park cho hay.
Các nhân viên giao hàng cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn và mức thu nhập giảm.
Anh Lee - Nhân viên giao hàng nói: "Số lượng nhân viên giao hàng đã tăng lên vì mọi người nghĩ việc này có mức lương cao. Giờ quá nhiều người phải cạnh tranh cho một số đơn hàng ít hơn".
Các nền tảng dịch vụ giao đồ ăn tại Hàn Quốc đang cố gắng cung cấp các ưu đãi giảm giá để khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, các biện pháp này hiện vẫn chưa đem lại nhiều hiệu quả.