Dự báo của các công ty nghiên cứu cho thấy đến năm 2025, thị trường điện toán đám mây sẽ lớn hơn ngành viễn thông, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Bên trong một trung tâm dữ liệu của Apple. Ảnh: Apple.
Theo công ty nghiên cứu thị trường ReportLinker, tiềm năng của thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ đạt mức 427 triệu USD vào năm 2025. Theo khảo sát năm 2021 của Viện Nghiên cứu giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM (Mỹ), tại Việt Nam, có 56% doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây. Trong khi đó ở Mỹ, năm 2019, đã có 94% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này.
Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường và nhu cầu dịch vụ điện toán đám mây trong nước. Giai đoạn 2020-2021, thị trường này đạt khoảng 4.500 tỷ đồng. Với nhu cầu chuyển đổi số rất lớn trong vài năm tới, Việt Nam là thị trường hứa hẹn để phát triển các dịch vụ trung tâm dữ liệu (DC) và điện toán đám mây (Cloud).
Tiềm năng vượt ngành viễn thông
Theo báo cáo của Counterpoint Research, doanh thu của thị trường máy chủ toàn cầu sẽ tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 111,7 tỷ USD. Từ góc độ doanh nghiệp, việc chuyển đổi sang dịch vụ đám mây và nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ là rất quan trọng để xử lý khối lượng công việc gia tăng.
Tiềm năng của ngành máy chủ, điện toán đám mây có thể đạt hàng nghìn tỷ USD. Ảnh: Reuters.
Điều này sẽ tạo động lực tăng trưởng sau thời gian tạm dừng trong đại dịch Covid-19. 5G, ôtô, trò chơi trên đám mây và điện toán hiệu suất cao vẫn là động lực chính cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây trong việc mở rộng trung tâm dữ liệu.
Bên cạnh Việt Nam, nhiều nước trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia… đều đặt mục tiêu phát triển thành trung tâm số của khu vực và trên toàn cầu. Những quốc gia này đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư và phát triển trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây.
Để phát triển kinh tế số và tăng tính cạnh tranh của thị trường, những chính sách phù hợp và quy định rõ ràng là rất quan trọng nhằm huy động và khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển các dịch vụ thiết yếu này.
Sẽ sớm được đưa vào luật ở Việt Nam
Luật Viễn thông được ban hành lần đầu vào năm 2009. Sau 14 năm thực hiện, bộ luật cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với sự phát triển của ngành.
Dự thảo Luật Viễn thông Sửa đổi đang được Quốc hội xem xét và thảo luận tại kỳ họp thứ 5 diễn ra trong tháng 5 và tháng 6. Một trong những điểm mới của Dự thảo là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật để đưa một số dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, vào nhóm các dịch vụ viễn thông.
Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Viễn thông Sửa đổi diễn ra hồi tháng 3. Ảnh: VCCI.
Sự thay đổi này đang tạo ra sự quan tâm lớn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư vào 2 loại hình dịch vụ này tại Việt Nam, do có thể làm phát sinh những điều kiện đầu tư, thủ tục cấp phép và tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài khác so với các quy định hiện hành.
Việc dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây vào nhóm các dịch vụ viễn thông có thể kéo theo việc áp dụng các điều kiện đầu tư và thủ tục cấp phép viễn thông như áp dụng với các dịch vụ viễn thông khác. Từ đó, nó có tác động đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các nhà dịch vụ cung cấp dữ liệu nước ngoài đang cân nhắc đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trong nước.
Theo các hiệp định thương mại tự do Việt Nam hiện tham gia như WTO, CPTTP hay EVFTA, Việt Nam đã cam kết duy trì việc hạn chế tiếp cận thị trường viễn thông đối với nhà đầu tư nước ngoài, loại trừ dịch vụ giá trị gia tăng không sử dụng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, theo dự thảo, không phải tất cả loại hình dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu đều thuộc loại hình dịch vụ nêu trên.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vốn trong khoảng từ 49-65% tùy thuộc vào loại hình dịch vụ viễn thông và quốc tịch của nhà đầu tư. Điều 12 của Dự thảo đang quy định “hình thức, điều kiện đầu tư nước ngoài và tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông phải theo các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.
Các nước Đông Nam Á đang quản lý điện toán đám mây thế nào?
Như vậy, nếu không có quy định rõ ràng đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, nhà đầu tư nước ngoài vào hai loại hình dịch vụ này cũng sẽ bị hạn chế về tỷ lệ vốn đầu tư cũng như các điều kiện tiếp cận thị trường như đối với hoạt động đầu tư vào dịch vụ viễn thông. Bên cạnh đó, cả các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài khi đầu tư vào các dự án xây dựng trung tâm dữ liệu hay cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam cũng sẽ phải xin cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.
Việc đưa các dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây vào nhóm dịch vụ viễn thông có thể tạo nên nhiều thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư, cung cấp các dịch vụ này. Điều này làm giảm tính cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư vào các dịch vụ lưu trữ dữ liệu, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp dữ liệu số nói riêng và của cả ngành kinh tế số nói chung.
Nhiều nước trong khu vực có chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn về lĩnh vực điện toán đám mây. Ảnh: Meta.
Malaysia chưa có quy định cụ thể đối với dịch vụ điện toán đám mây và DC. Trong khi đó, Malaysia quản lý dịch vụ cloud theo Đạo luật truyền thông và đa phương tiện từ năm 1998 (CMA1998) và cho phép sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình phát triển các qui định mang tính kỹ thuật như các tiêu chuẩn kĩ thuật (technical code) về bảo mật dữ liệu dựa trên tiêu chuẩn quốc tế.
Thái Lan không quy định dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu là dịch vụ viễn thông. Trên thực tế, Thái Lan đã hiện đại hóa khuôn khổ cấp phép viễn thông của nước này vào năm 2019-2020 để loại bỏ nhu cầu về Giấy phép kinh doanh Internet riêng biệt và làm rõ việc các trung tâm dữ liệu không phải là một loại cơ sở viễn thông hoặc dự định sẽ được quản lý như vậy.
Hiện tại, Singapore chưa có quy định pháp luật về phân loại dịch vụ DC và Cloud. Tuy nhiên, cả hai dịch vụ này được phân loại là "cơ sở hạ tầng hoặc hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông" (Infocomm and Communication Technologies infrastructure or systems) bởi Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân (PDPC), và "dịch vụ công nghệ thông tin & viễn thông" bởi Cổng Thông tin Mua sắm của chính phủ (GEBiz).
Trong buổi thảo luận tại tổ của Quốc hội vào ngày 10/6 vừa qua, cơ quan soạn thảo được yêu cầu cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đối với quy định về dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu cũng như đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc đưa các dịch vụ này vào trong phạm vi dự thảo nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển vào lĩnh vực này.