Hơn 30 năm qua, đây là đợt khủng hoảng lớn nhất và ngành gỗ đang phải đối mặt với những khó khăn khách quan chưa có tiền lệ. So với năm 1997 và 2008 bị suy thoái ở một số thị trường, nay là sức mua toàn cầu giảm mạnh do lạm phát tăng cao, suy thoái, thắt chặt chi tiêu ở hầu hết các thị trường tiêu thụ.
Công nhân làm việc tại nhà máy chế biến Gỗ Thuận An
Trải qua nhiều “cú sốc” kể từ đại dịch Covid-19 và tình trạng khủng hoảng đơn hàng sụt giảm, thị trường thu hẹp từ nửa cuối năm 2022, các công ty gỗ trực thuộc VRG đã nhạy bén tìm mọi phương án, nỗ lực giữ thị trường, duy trì hoạt động, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Kết quả năm 2022, sản lượng gỗ các loại của Tập đoàn đạt 1.255.000 m3, doanh thu các công ty gỗ đạt 7.675 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 373 tỷ đồng.
Để có thể trụ lại trong giai đoạn khó khăn chồng chất như hiện nay, các công ty gỗ đã chủ động rà soát lại toàn bộ chi phí để cắt giảm tối đa; đồng thời tìm những thị trường ngách, đơn hàng nhỏ lẻ để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho công nhân. Thời gian này, các đơn vị cũng đẩy mạnh tái cấu trúc lại dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng.
Ngành gỗ được nhận định vẫn còn rất nhiều thách thức phía trước, do vậy, các công ty gỗ Tập đoàn khó “cán mốc” mục tiêu sản xuất kinh doanh đề ra trong năm nay. Tuy nhiên, các đơn vị ngành gỗ đang cho thấy sự kiên trì, khả năng thích ứng linh hoạt, đồng thời xác định đúng thế mạnh, khắc phục điểm yếu, không ngừng nâng cao năng lực sản xuất.
Theo các chuyên gia, mặc dù khó khăn đang tiếp diễn nhưng khả năng phục hồi của ngành gỗ đã đến gần hơn. Theo đó, trên cơ sở theo dõi lượng hàng tồn kho đã bán hết, khách mua hàng quốc tế đã bắt đầu đến Việt Nam ngày càng nhiều để tìm kiếm sản phẩm cho các đơn hàng mới. Thêm vào đó, giá cước vận chuyển đường biển đã giảm sâu cũng giúp các nhà mua hàng giảm đáng kể áp lực về chi phí và mạnh dạn hơn trong kế hoạch đặt hàng trở lại.
Với sự quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện của lãnh đạo VRG để các công ty gỗ có môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, cùng với sự kiên trì, linh hoạt các giải pháp vượt khó và đầu tư đúng hướng của các đơn vị sẽ sớm đưa ngành gỗ Tập đoàn trở lại đà tăng trưởng.