Trong tương lai, Nike có thể không đạt được mục tiêu dài hạn là tăng trưởng doanh số ở Trung Quốc.
Qua một báo cáo của cộng đồng đầu tư Seeking Alpha, Nike có thể không đạt được mục tiêu dài hạn là tăng trưởng doanh số.
Nguyên nhân được cho là do việc tẩy chay các thương hiệu đến từ phương Tây của khách hàng địa phương. Ngoài ra, Nike phải cạnh tranh của loạt nhãn hàng nội địa tại Trung Quốc.
Những con số không lạc quan
Giá cổ phiếu của Nike đã giảm 10,85% trong tháng tính đến ngày 13/6, theo Zacks Equity Research.
Jing Daily chỉ ra rằng 17% doanh số bán hàng toàn cầu của "gã khổng lồ" có trụ sở tại Mỹ đến từ Trung Quốc. Trong khi đó, thương hiệu này đối mặt với phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng địa phương sau khi có lập trường phản đối bông sản xuất tại Tân Cương vào tháng 3/2021. Đây là một trong những sự kiện ảnh hưởng đến việc kinh doanh của nhãn hàng.
Pou Sheng - một nhà buôn chuyên kinh doanh Nike tại Trung Quốc - nhận thấy báo cáo tăng trưởng doanh số bán hàng chậm lại trong 2 năm qua.
Nike phải đối mặt với loạt đối thủ nội địa. Ảnh: Reuters.
Năm 2022, các đối thủ cạnh tranh của Nike là Li-Ning và Anta đã đạt mức tăng trưởng doanh số hàng quý từ 15% trở lên. Ngoài ra, mức tăng trưởng doanh số bán hàng tại Trung Quốc của Nike vẫn âm, giảm tới 24% trong quý 2 năm 2022.
Các nhà phân tích đang khuyên nhà đầu tư không nên mua cổ phiếu của Nike. Họ nhận thấy thương hiệu khó đạt được mục tiêu tăng trưởng do những dấu hiệu không khả quan của nhãn hàng ở Trung Quốc.
Với những dấu hiệu trên, Jing Daily đặt ra câu hỏi liệu chương tăng trưởng của Nike tại Trung Quốc sắp kết thúc.
Vẫn có dấu hiệu tích cực
Trước khi nổ ra tranh cãi liên quan đến việc sử dụng bông Tân Cương, hoạt động kinh doanh của Nike tại Trung Quốc đang bùng nổ. Trong năm 2021, công ty ghi nhận 7 năm liên tiếp tăng trưởng 2 con số.
Tuy nhiên, trong 3 tháng tính đến tháng 2/2023, doanh thu của Nike tăng 1%. Điều này nhờ Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế do vấn đề dịch bệnh và nhu cầu tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán.
"Tại Bắc Kinh, Nike phát triển mạnh mẽ, mở rộng vị trí dẫn đầu với tư cách thương hiệu được yêu thích số một", Matthew Friend, giám đốc của Nike chia sẻ vào tháng 3. Bất chấp những lời trấn an này, các nhà đầu tư vẫn có lý do để thận trọng. Năm 2022, Nike đứng đầu thị trường thể thao tại Trung Quốc với thị phần 22,6%. Tuy nhiên, các thương hiệu nội địa đang phát triển mạnh mẽ.
Li-Ning, Anta thêm nổi tiếng nhờ hợp tác với người nổi tiếng. Ảnh: Li-Ning, antasportsofficial.
Anta vượt qua adidas để giành vị trí thứ 2 với 20,4% thị phần. Li-Ning đứng thứ 4 với 10,4% thị phần, theo Statista.
Mặc dù các chiến dịch truyền thông của Nike đều hướng đến khách hàng địa phương. Tuy nhiên, đối thủ thực sự của Nike là các thương hiệu nội địa.
Anta trở nên nổi tiếng nhờ trở thành đối tác trang phục thể thao chính thức của Thế vận hội mùa đông 2022. Ngoài ra, thương hiệu hợp tác với những người nổi tiếng như vận động viên trượt tuyết Eileen Gu, Vương Nhất Bác (người từng là đại sứ của Nike). Năm 2022, doanh thu năm của Anta đạt 7,8 tỷ USD, lần đầu vượt qua con số 7,2 tỷ USD của Nike.
Nike vẫn là đối thủ đáng gờm ở Trung Quốc. Mặc dù vậy, hiệu suất của thương hiệu gần đây không đủ để gây ấn tượng với nhà đầu tư hoặc nâng giá cổ phiếu.