5 năm không chia cổ tức, lãi chưa phân phối vượt vốn điều lệ
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2023, Tổng CTCP Đường sông miền Nam (Sowatco, UPCoM:
SWC) không chia cổ tức cho năm 2022 và 2023. Như vậy, 5 năm liên tiếp từ 2019, Sowatco không chia cổ tức cho cổ đông.
Các năm trước đó, Sowatco thường xuyên chia cổ tức tiền mặt, riêng năm 2018 tỷ lệ lên đến 50% vốn điều lệ. Năm 2019, lãnh đạo Sowatco từng trình và được cổ đông thông qua kế hoạch trả cổ tức tỷ lệ 15%, song sau đó bị hủy với lời hẹn từ năm 2021 cân đối dòng tiền, nguồn vốn ổn định sản xuất kinh doanh để chi trả.
Sowatco hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa và khai thác cảng với 40 năm kinh nghiệm. Địa bàn hoạt động chủ yếu ở khu vực TP HCM và các tỉnh miền Tây với đội sà lan tự hành 20 chiếc, sở hữu đội xe chuyên dùng vận tải container, Cảng Sowatco Long Bình diện tích 200.000 m2, Cảng ICD Sotrans, Cảng VICT.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng khởi sắc, doanh thu từ mức 346 tỷ đồng năm 2019 lên 933 tỷ đồng 2022 và lãi ròng tăng từ 68 tỷ đồng lên 211 tỷ đồng. Năm nay, Sowatco đặt mục tiêu doanh thu cán mốc 1.029 tỷ đồng, tăng 10%; lợi nhuận sau thuế 273 tỷ đồng, tăng 29% so với thực hiện năm trước. Quý I, doanh thu đạt 163 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 37 tỷ đồng, lần lượt thực hiện được 16% và 14% chỉ tiêu năm.
HĐQT đánh giá tình hình kinh tế năm nay khá khó khăn trong nửa đầu năm, thậm chí cả năm cùng với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp cùng ngày. Song, việc nâng cấp mở rộng cảng Long Bình và dự kiến đưa vào sử dụng thêm 2 tàu 300 TEUS từ quý III có thể đem lại triển vọng tốt về hiệu quả kinh doanh.
Với việc không chia cổ tức nhiều năm liền, công ty tích lũy được 763 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, vượt qua vốn điều lệ là 671 tỷ đồng.
Mua cảng hoặc doanh nghiệp sở hữu cảng để Bắc tiến
Lãnh đạo Sowatco lý giải việc không chia cổ tức để tiếp tục đầu tư dài hạn với mong muốn mang lại cổ tức, giá trị nhiều hơn vào giai đoạn sau. Trong các năm qua, Sowatco dồn lực cho việc đầu tư nâng cấp Cảng Long Bình như mua 2 cần cẩu Liebherr-Mcctec Rostock GMBH, nâng cấp cầu tàu 600 DWT, đường bãi hạ tầng giai đoạn 2, xây dựng cầu tàu 5.000 DWT... Mục tiêu là biển Cảng Long Bình thành cảng kiểu mẫu. Công ty cũng đóng mới các tàu chở container (bình quân mỗi năm 2 tàu).
Đồng thời, vào năm 2020, doanh nghiệp đã chi 300 tỷ đồng để sở hữu 20,25% vốn của CTCP Cảng Đồng Nai (UPCoM: PDN), trở thành đơn vị liên kết. Việc này được cho là giúp Sowatco mở rộng mạng lưới nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn do cảng này có vị thế quan trọng. Bên cạnh đó, Cảng Đồng Nai hoạt động tốt, ổn định nên đem lại thu nhập về cổ tức và giá cổ phiếu tăng. Tính theo thị giá hiện tại của cổ phiếu PDN, khoản đầu tư của Sowatco đã tăng lên gần 900 tỷ đồng chưa kể cổ tức tiền mặt được chia.
Doanh nghiệp đã hoàn thành cơ bản việc đầu tư giai đoạn 1 tại cảng Long Bình vào năm trước. Hiện nay, lãnh đạo Sowatco cho biết vẫn cần tập trung dòng tiền, nguồn vốn vào các hoạt động đầu tư để nâng cấp Cảng Long Bình, phát triển dự án cảng, định hướng mở rộng phát triển mạng lưới cảng tại thị trường phía Bắc.
Lãnh đạo Sowatco chia sẻ công ty có thương hiệu, tên tuổi ở thị trường phía Nam nhưng phía Bắc chưa có. HĐQT đã tìm hiểu các cơ hội đầu tư mở rộng ở phía Nam nhưng chưa có gì phù hợp. Tuy nhiên, thị trường miền Bắc lại rất tiềm năng. Thị trường miền Bắc còn mới với vận tải đường thủy, tổng sản lượng chỉ khoảng 3 -4 % tổng sản lượng, còn lại là đường bộ. HĐQT xét thấy mạng lưới Bắc Giang, Bắc Ninh,… đến các cầu cảng khác đều có thể đi bằng đường thủy. Đồng thời, các công ty ở khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang đa phần là hàng chất lượng cao dùng container vận chuyển - mặt hàng chính của Sowatco.
SWC có lợi thế cạnh tranh, theo tính toán chi phí vận tải đường sông sẽ rẻ hơn khoảng 15% so với vận chuyển đường bộ.
Do vậy, công ty có định hướng đầu tư cả cảng và sà lan tại thị trường miền Bắc thông qua việc mua lại cảng hoặc mua doanh nghiệp sở hữu cảng ở khu vực này. Sowatco cho biết sẽ xây dựng mô hình Cảng Bình Long trở nên hoàn hảo và mang ra áp dụng cho phí Bắc. Mục tiêu của Sowatco là trở thành công ty số 1 đường thủy nội địa, cảng thủy nội địa, khai thác cảng (ICD) ở Việt Nam.
Trong 5 năm, tổng tài sản công ty tăng từ 1.147 tỷ đồng lên 1.754 tỷ đồng, chủ yếu tăng trong khoản đầu tư tài chính (công ty liên kết, liên doanh) và tài sản cố định.
GÃ ĐẦU TƯ