Năm 2022, xuất khẩu phân đạm của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm sau khi giá khí thiên nhiên tăng khác thường khiến cho chi phí sản xuất phân bón tại châu Âu tăng theo.
Doanh số phân đạm của Mỹ tăng cao cho thấy tác động sâu rộng của cuộc chiến tranh Nga - Ucraina đối với các nguồn cung phân bón và năng lượng trên thế giới. Nga là quốc gia sản xuất phân bón và khí thiên nhiên hàng đầu trên thế giới nhưng đang phải chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Trước chiến tranh, Nga là nước cung cấp khí thiên nhiên lớn nhất cho châu âu, trong khi đó khí thiên nhiên là thành phần quan trọng then chốt cho sản xuất phân đạm.
Từ khi chiến tranh Nga - Ucraina xảy ra, châu âu đã bắt đầu giảm dần lượng nhập khẩu khí thiên nhiên từ Nga, tuyến đường ống vận chuyển amoniăc từ Nga đến cảng ở Ucraina cũng đã bị đóng lại. Các công ty châu âu bắt buộc phải đóng cửa một số nhà máy sản xuất phân bón do chi phí tăng cao. Nguồn cung phân bón trở nên eo hẹp đã khiến cho giá của sản phẩm này tăng mạnh trên toàn thế giới. Đầu tháng 10/2022, Liên hợp quốc đã phải đưa ra cảnh báo về cuộc khủng hoảng nguồn cung phân bón toàn cầu. Theo COPA-COGECA, tổ chức đại diện nhóm lợi ích của nông dân châu âu, những người nông dân ở đây không thể mua dự trữ lượng phân bón cần thiết cho vụ mùa xuân 2023 do giá cao và nguồn cung khan hiếm.
Theo thông tin của Viện Phân bón Mỹ (TFI), xuất khẩu phân bón từ Mỹ - quốc gia sản xuất phân bón lớn thứ ba trên thế giới - đã tăng mạnh lên 370.000 tấn trong tháng 8/2022, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số cao nhất kể từ khi lượng xuất khẩu phân bón hàng năm của Mỹ bắt đầu được TFI thống kê vào năm 2013.
Cả ở Mỹ và các nước xuất khẩu phân bón khác như Inđônêxia hoặc Malaysia, các khách hàng châu Âu đều đang phải trả giá cao hơn các doanh nghiệp kinh doanh phân bón tại nước sản xuất khi đặt mua phân bón.
Mặc dù lượng xuất khẩu tăng mạnh, theo TFI nguồn cung phân bón của Mỹ trên thị trường nội địa trong tháng 6/2022 vẫn tăng và đạt mức cao thứ hai trong thập niên qua. Điều này thể hiện sự dịch chuyển của sản xuất phân bón toàn cầu, không phải là tình hình thiếu hụt nguồn cung.
Trong lịch sử từ trước đến nay, Mỹ vốn chỉ là nước xuất khẩu phân bón quy mô nhỏ, khả năng của ngành sản xuất phân bón tại nước này đối với việc lấp lỗ hổng nguồn cung trên thị trường chỉ nằm ở mức hạn chế.
Những nước đã tăng mạnh nhất lượng mua phân bón từ Mỹ là các quốc gia châu âu như Pháp, Bỉ, Nauy, Litva và các quốc gia từ các châu lục khác như Marốc, Chilê và Braxin. Braxin, quốc gia nhập khẩu 85% phân bón từ nước ngoài, đã mua nhiều hơn NH4NO3 từ Mỹ trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2022 để bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt từ Nga.
Trước đây, các nước châu Âu thường nhập khẩu urê nhiều nhất từ Bắc Phi, nhưng nay họ phải mua ở những nơi xa hơn.
Từ giữa tháng 10/2022, giá phân đạm tại EU đã giảm nhẹ khi một số nhà máy ở châu Âu vận hành trở lại do giá khí thiên nhiên đã hạ hơn trước nhờ nguồn nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ.