Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2023 là 6,5%, đòi hỏi tăng trưởng GDP trong 6 tháng cuối năm phải đạt con số 9%. Đây là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam khi tình hình kinh tế toàn cầu chưa cho thấy nhiều triển vọng khả quan.
Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, GDP tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020. Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia đánh giá, kết quả này không đạt như kỳ vọng do kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Thấp hơn 2,48 điểm phần trăm so với kế hoạch
Theo bà Hạnh, từ bên ngoài là bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữ các nước lớn gay gắt hơn, kéo theo sự tham gia của nhiều quốc gia, khu vực; Lạm phát tăng cao tại một số thị trường nhập khẩu lớn dẫn đến nhu cầu tiêu dùng thắt chặt hơn đã ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của các doanh nghiệp trong nước; Chính sách tiền tệ thắt chặt tác động mạnh đến các doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu…
Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% là khó khả thi trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều.
Trong nước, động lực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và du lịch chưa phục hồi hoàn toàn, bị tác động bởi khó khăn, thách thức từ bên ngoài. Đơn hàng xuất khẩu giảm sút do nhu cầu tại Mỹ và khu vực đồng Euro yếu đi; Giải ngân vốn đầu tư công - một động lực tăng trưởng vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay - cũng chưa có cải thiện đáng kể; Một số thị trường then chốt, như: tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và lao động... đang bộc lộ rủi ro, thanh khoản eo hẹp hơn; vốn cho doanh nghiệp khó tiếp cận hơn, đang là những thách thức đặt ra.
Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ/CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì 6 tháng đầu năm cần phải đạt được mức tăng 6,2% (trong đó quý I tăng 5,6%, quý II tăng 6,7%). Tuy nhiên, kết quả thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế cả nước 6 tháng chỉ ước đạt 3,72% (trong đó quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,14%), không đạt mức tăng đề ra, thậm chí thấp hơn nhiều so với kế hoạch (thấp hơn 2,48 điểm phần trăm).
Tăng trưởng GDP thấp hơn kỳ vọng, nguyên nhân được Tổng cục Thống kê nêu ra là do các ngành công nghiệp với tốc độ tăng giá trị tăng thêm chỉ ước đạt 0,44%, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo có tốc độ khiêm tốn với giá trị tăng thêm 6 tháng ước tăng 0,37%; ngành khai khoáng giảm 1,43%; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022 do thiếu hụt đơn hàng nước ngoài đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo để gia công, sản xuất tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ước đạt 316,7 tỷ USD, giảm 15,2% so cùng kỳ. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh là tăng trưởng của 6 tháng 2 năm trước đều đạt rất cao (năm 2022 tăng 17%; năm 2021 tăng 33,1%). Nếu so sánh về quy mô thì 6 tháng năm 2023 đạt tương đương với quy mô của 6 tháng năm 2021 (tổng kim ngạch bằng 99,3%). Trong đó, xuất khẩu hàng hoá bằng 103,7%; nhập khẩu hàng hoá bằng 94,9%.
Báo cáo của Tradingeconomics cập nhật đến tháng 4/2023 cho thấy, có đến 13/16 nền kinh tế lớn trên thế giới (chiếm 81,3%) có tốc độ sụt giảm xuất khẩu; 12/16 quốc gia (chiếm 75%) cũng có tốc độ sụt giảm nhập khẩu trong tháng 4.
Do vậy, kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng được đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Đồng thời, cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam đạt thặng dư 12,3 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm gần đây, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tăng trưởng cả năm đạt 6,5% là khó khả thi?
Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%, Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia Nguyễn Thị Mai Hạnh tính toán, trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế cả nước phải đạt 9%, đây là con số thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Mặt khác, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ nhìn nhận, trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với lạm phát trong những tháng cuối năm, tác động tới các doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu; thực trạng suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới; xung đột địa chính trị… dẫn tới nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm (yếu tố rất khó đoán định trong thời gian tới), điều này sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023.
Các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới được Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ chỉ ra là tiếp tục tận dụng tốt các hiệp định thương mại; Theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, đặc biệt chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp có các phản ứng kịp thời; Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cơ quan này sẽ tiếp tục cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế cho các quý tiếp theo, tuy nhiên để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% là khó khả thi trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét do thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn, khó dự báo nên cầu tiêu dùng thế giới vẫn yếu và khó dự báo.
“Tuy nhiên, tôi tin rằng với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng phù hợp với một số động lực chính”, bà Hương kỳ vọng.
Bên cạnh đó, theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dự báo quý III/2023 khả quan hơn quý II/2023 với 72,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III so với quý II tốt hơn và giữ ổn định (34,3% tốt hơn, 38,3% giữ ổn định), 27,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Dự báo này khả quan hơn so với nhận định quý II so với quý I với 64,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý II so với quý I tốt hơn và giữ ổn định (27,5% tốt hơn và 36,7% giữ ổn định), 35,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp sẽ là động lực cho tăng trưởng các tháng cuối năm.
Nhật Linh