Nắng nóng kéo dài, mưa ít khiến lưu lượng nước về hồ chứa của hầu hết các thủy điện trên địa bàn tỉnh ở mức thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất điện của các nhà máy.
Tại Thủy điện Bắc Hà - thủy điện lớn nhất trên địa bàn tỉnh - với dung tích hồ chứa lớn, hằng năm đơn vị này đều tích trữ lượng nước nhất định để dự phòng phát điện trong những tháng mùa khô, tuy nhiên năm nay, thời tiết khô hạn vượt ngoài dự báo.
Báo cáo theo dõi lưu lượng đến hồ những tháng qua cho thấy, lưu lượng nước tự nhiên về hồ bình quân tháng 4/2023 là 20,8 m3/s, chỉ bằng 55% so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2015 trở lại đây.
Mặc dù chưa ảnh hưởng lớn đến sản lượng được huy động nhưng nếu thời tiết tiếp tục khô hạn trong những tháng tới thì tình hình vận hành thủy điện Bắc Hà sẽ rất khó khăn.
Ông Đỗ Huy Tuấn, Trưởng ca vận hành Nhà máy Thủy điện Bắc Hà cho biết: Nhà máy đang cố gắng duy trì mức tích nước lòng hồ ở cao trình 107 m, trên mực nước hơn 10 m.
Với tình hình thủy văn như hiện nay, công suất phát điện của nhà máy chỉ đạt 60% so với thiết kế. Mặc dù chưa ảnh hưởng lớn đến sản lượng được huy động, nhưng nếu thời tiết tiếp tục khô hạn trong những tháng tới thì sẽ rất nguy cấp.
Cũng như Thủy điện Bắc Hà, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất điện của Thủy điện Ngòi Phát (tổng công suất 84 MW) cũng bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, khô hạn.
Theo báo cáo của đơn vị này, lưu lượng nước tự nhiên về hồ bình quân tháng 4/2023 chỉ đạt 7,36 m3/s, bằng 43,78% so với tháng 4/2022.
Đại diện nhà máy cho biết, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh, Thủy điện Ngòi Phát đang bám sát tình hình thủy văn và diễn biến thị trường phát điện, khai thác nước hồ tối ưu hiệu suất trong khung giờ cao điểm thời gian mùa khô.
Với những thủy điện lớn, việc sản xuất điện gặp nhiều khó khăn thì với các thủy điện nhỏ, tình hình càng căng thẳng.
Tại Thủy điện Mường Khương (công suất 8 MW), do hồ chứa dung tích nhỏ nên việc sản xuất điện hoàn toàn phụ thuộc vào lượng nước tích trong ngày.
Ông Vương Văn Đạt, Quản đốc nhà máy cho biết: Những ngày qua, lượng nước về trung bình là 1,7 - 1,8 m3/s, chỉ đạt khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Hồ thủy điện Mường Khương cạn trơ đáy.
Mức nước trong hồ chứa cũng thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 1 m, khiến nhà máy không thể hoạt động hết công suất.
Thay vì chạy 5 tiếng cao điểm mỗi ngày như trước đây, nhà máy chỉ chạy được khoảng 2 tiếng và vận hành được 1 tổ máy, sản lượng điện sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Toàn tỉnh hiện có 71 dự án thủy điện đã hoàn thành phát điện với tổng công suất 1.128,85 MW. Ảnh hưởng của nắng nóng, khô hạn đối với 3 nhà máy thủy điện trên cũng là tình hình chung của các thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù thời gian qua có xuất hiện một vài trận mưa, nhưng chỉ diễn ra cục bộ, trên các lưu vực nơi có nhiều nhà máy thủy điện như lưu vực sông Chảy, ngòi Phát, ngòi Bo... lượng mưa không lớn, lượng nước bổ sung cho các hồ chứa thủy điện không đáng kể.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, sản lượng điện 4 tháng năm 2023 là 595,6 triệu KWh (bằng 11,9% so với kế hoạch năm).
Tổng số thuế đã nộp ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2023 là 186,391 tỷ đồng, bằng 70% so với cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động sản xuất điện khó khăn của các nhà máy không chỉ giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, giảm nguồn thu cho ngân sách, mà còn đe dọa nguy cơ thiếu điện cho sinh hoạt và sản xuất.
Sản lượng điện 4 tháng năm 2023 là 595,6 triệu KWh (bằng 11,9% so với kế hoạch năm).
Nguồn: Sở Công thương
Theo dự báo khí tượng - thủy văn, thời gian tới, dòng chảy trên các sông, suối trong khu vực miền Bắc tiếp tục giảm, có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30 - 40%.
Trong khi đó, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng.
Để giảm nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ về lưới điện, ngành điện khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và đơn vị sản xuất chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.