Bất chấp những thông tin tích cực như giảm 50% phí trước bạ, lãi suất hạ nhiệt…, hầu hết nhóm cổ phiếu ô tô vẫn “rủ nhau” đi xuống. Các chuyên gia cho rằng, trước khi có những thông tin rõ ràng hơn về ngành công nghiệp ô tô, đủ để thôi thúc niềm tin vào thị trường, nhiều nhà đầu tư vẫn lựa chọn đứng ngoài quan sát để chờ đợi “điểm vào” hợp lý đối với nhóm cổ phiếu này.
Trong năm 2022, cùng với đà giảm mạnh của VN-Index, thị giá nhiều cổ phiếu ô tô đã giảm từ 34% đến hơn 40%. Đà giảm này tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm 2023 khi kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp niêm yết có phần ảm đạm, doanh số sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, khiến nhà đầu tư lo lắng, thận trọng hơn khi “xuống tiền” đối với nhóm cổ phiếu ngành ô tô.
Thông tin tích cực, nhưng cổ phiếu diễn biến tiêu cực
Năm 2023, CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (HAX) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 310 tỷ đồng, nhưng hết quý I mới chỉ thực hiện được 3,3% mục tiêu cả năm. Trong khi đó, CTCP Dịch vụ ô tô Sài Gòn (SVC) đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 438 tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp chia sẻ, bối cảnh thị trường ô tô hiện rất khó khăn, đơn hàng sụt giảm mạnh do lãi suất cho vay neo ở mức cao và một số chính sách ưu đãi của Chính phủ đã hết hiệu lực, trở lại thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Cổ phiếu ô tô vẫn đi xuống dù có nhiều thông tin tích cực tác động đến ngành. (Ảnh: Int)
Tuy nhiên, dưới góc nhìn tích cực, nhiều ý kiến cho rằng, tình hình sẽ được cải thiện từ quý III, quý IV năm nay khi nhu cầu mua sắm tăng trở lại.
Đáng chú ý, nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất, phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho từ trước khi đại dịch bùng phát và nối lại chuỗi cung ứng sản xuất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2023/NĐ-CP về việc giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, tương đương với 5-6% giá trị xe. Thời gian hiệu lực của Nghị định kéo dài từ đầu tháng 7/2023 đến cuối tháng 12/2023. Đây được coi là yếu tố hỗ trợ kích cầu cho ngành ô tô trong nước, qua đó giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô khởi sắc hơn.
Dù vậy, từ đầu tháng 7 đến nay, nhóm cổ phiếu ô tô vẫn chưa cho thấy sự bứt phá trở lại, duy chỉ có cổ phiếu CMC (Đầu tư CMC) ghi nhận 2 phiên tăng trần liên tiếp gần nhất nhưng thanh khoản cũng chỉ èo uột hơn 10.000 cổ phiếu.
Đặc biệt, cổ phiếu CTF (City Auto) được đánh giá cao do hưởng lợi từ việc giảm 50% phí trước bạ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh doanh số bán hàng trong năm 2023. Cùng với đó là việc lãi suất cho vay có xu hướng hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2023 và việc khai trương showroom mới tại khu vực phía Nam sẽ giúp cải thiện doanh thu và tạo động lực tăng trưởng cho City Auto trong dài hạn. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, cổ phiếu này lại liên tục “đi lùi”.
Hay như cổ phiếu TMT (TMT Motor) sau thời gian được quan tâm kể từ khi doanh nghiệp này ký kết hợp tác với liên doanh General Motors (GM) – (SAIC – WULING) để sản xuất, lắp ráp ô tô điện mini tại Việt Nam và cổ phiếu liên tục tăng hết biên độ, nhưng rồi sau đó cũng “mất đà” và dần đi xuống, chưa có dấu hiệu hồi phục.
Ngược thời gian vào năm 2021, thời điểm kể từ ngày Nghị định giảm phí trước bạ có hiệu lực (1/12), thị giá cổ phiếu ô tô, nhất là của các "ông lớn" phân phối ô tô tại Việt Nam tăng đáng kể. Tuy nhiên, đà tăng của nhóm cổ phiếu này cũng không được duy trì lâu và rồi cũng nhanh chóng “thoái trào”.
Đâu là nguyên nhân?
Giới phân tích chỉ ra rằng, nhu cầu tiêu dùng suy yếu trong nước nếu kéo dài hơn dự kiến bất chấp các động thái hỗ trợ của Chính phủ với ngành ô tô có thể khiến doanh số bán hàng trong năm 2023 thấp hơn dự báo.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là Fed tiếp tục diễn biến phức tạp, làm giảm dư địa hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khiến mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục duy trì ở mức cao, ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của khách hàng có nhu cầu mua các sản phẩm xe của doanh nghiệp.
Và nếu nhìn rộng hơn, có thể thấy trong 10 năm nay, cổ phiếu ô tô vẫn kém “sức hút” hơn hẳn so với nhiều nhóm ngành khác, dù ngành công nghiệp ô tô được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp đi đầu của nền kinh tế.
Điều này thể hiện ở việc thị giá cổ phiếu nhóm ngành ô tô nhìn chung tăng trưởng rất chậm và có sự phân hóa mạnh. Chẳng hạn, cổ phiếu CMC duy trì ở mức 4.800 đồng/cp, bằng thị giá tại thời điểm tháng 5/2013. Đáng chú ý, cổ phiếu của công ty này từng có thời kỳ tăng “nóng” lên mức đỉnh 130.000 đồng/cp vào tháng 10/2007, sau đó giảm mạnh và đi ngang suốt 10 năm. CSM (CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam) cũng “đồng cảnh ngộ” khi quay trở lại mức 13.800 đồng/cp đã đạt được vào năm 2013. Chỉ có SRC (Cao su Sao Vàng), TMT và VEA (Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam) có mức tăng trưởng khá tốt trong 10 năm qua, với mức tăng trung bình từ 24-60%/năm.
Cùng với đó, thanh khoản thị trường cổ phiếu nhóm ngành ô tô khá “èo uột” khi chỉ đạt từ vài trăm đến vài chục nghìn cổ phiếu được giao dịch trong một phiên. Một số cổ phiếu như IRC (Cao su Công nghiệp), VMA (Công nghiệp ô tô Vinacomin) thậm chí “đóng băng” giao dịch trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư có quá ít chọn lựa trong nhóm ngành này. Hiện tại, Việt Nam có khoảng trên 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô tô, nhưng vẫn chỉ có TMT Motor có mặt trên sàn TP.HCM (HoSE). Những doanh nghiệp nội địa lớn, đầu ngành như THACO, TC Motor, VinFast cùng rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác, vì nhiều lý do, vẫn chưa thể niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Điều này khiến nhà đầu tư khó tiếp cận thông tin, báo cáo tài chính của doanh nghiệp và đối chiếu số liệu giữa các doanh nghiệp cùng nhóm ngành, trước khi đưa ra quyết định chọn cổ phiếu.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành ô tô đang ở mức thấp so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020-2025, khiến một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư cho rằng, ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở mức độ gia công, lắp ráp và sức cạnh tranh thấp.
Mặt khác, trong một thời gian dài, doanh số ô tô toàn thị trường chỉ đạt từ 200.000 - 300.000 chiếc/năm. Nhiều chuyên gia nhận định, chỉ khi nào doanh số ô tô đạt trên 500.000 chiếc/năm, trong đó có những mẫu xe đạt doanh số trên 30.000 chiếc/năm thì Việt Nam mới thoát “mác” thị trường nhỏ lẻ.
Do đó, trước khi có những thông tin rõ ràng hơn về ngành công nghiệp ô tô, đủ để thôi thúc niềm tin vào thị trường, nhiều nhà đầu tư vẫn lựa chọn đứng ngoài quan sát để chờ đợi “điểm vào” hợp lý đối với nhóm cổ phiếu này.
Hải Giang