• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 12:03:57 SA - Mở cửa
Dệt may vẫn “căng như dây đàn”
Nguồn tin: Báo Hải quan | 13/07/2023 5:15:00 CH
Tình hình tại các doanh nghiệp dệt may vẫn đang rất căng thẳng và chưa có tín hiệu rõ nét về sự hồi phục của đơn hàng. Có doanh nghiệp đã buộc phải rời khỏi thị trường sau thời gian dài gồng mình bám trụ.
 
 
Dù đã qua được nửa chặng đường của năm 2023, nhưng ông Phan Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty May Thành Phát đánh giá tình hình của của công ty hiện vẫn “căng như dây đàn”. Cụ thể, lượng đơn hàng xuất khẩu của Thành Phát hiện chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm trước, riêng thị trường trong nước khoảng 2 tháng gần đây còn giảm mạnh tới 80%.
 
“Người tiêu dùng có xu hướng dự trữ tiền mặt để phục vụ nhu cầu thiết yếu nên chi tiêu cho quần áo rất hạn chế. Các đơn hàng đều có số lượng nhỏ lẻ, đơn giá trên mỗi sản phẩm cũng giảm mạnh. Các doanh nghiệp dệt may phải cạnh tranh gay gắt để có được đơn hàng” – ông Tuấn cho biết.
 
Trong khi đó, ông Lê Nhung, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thành Đạt cho biết, công ty phải đối mặt với tình hình thiếu đơn hàng suốt từ cuối năm 2022 đến nay. Sau thời gian gồng gánh, cắt giảm dần lao động, hiện không còn khả năng trụ lại, đành phải cho toàn bộ 300 lao động nghỉ việc, dừng hoạt động.
 
Ở góc độ hiệp hội, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May – Thêu – Đan TPHCM (Agtex) cho biết, một số hội viên của Agtex cũng đã rơi vào tình trạng đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, nhưng không nhiều. Trong khi đó, theo quan sát tại những doanh nghiệp ngoài hội, tình trạng này đang tăng dần lên, đặc biệt ở các doanh nghiệp phải đi thuê nhà xưởng.
 
“Khi không có đơn hàng, gánh nặng chi phí thuê nhà xưởng, trả lương cho công nhân buộc các DN phải đóng cửa. Thậm chí có cả những doanh nghiệp nước ngoài thuê xưởng ở khu vực Thủ Đức, Bình Dương cũng đã đóng cửa, treo biển cho thuê…” – ông Hồng cho biết.
 
Theo ông Hồng, tình hình chung của các doanh nghiệp hiện nay là lượng đơn hàng sụt giảm mạnh tới 30-40%. Trong quý 3 tình hình chưa có tín hiệu rõ nét và cũng chưa thể dự báo được tình hình cuối năm. Hiện các khách hàng vẫn đang ở trạng thái theo dõi diễn biến thị trường, sức mua, tình hình tồn kho…
 
Có được đơn hàng đã khó, việc thực hiện đơn hàng cũng không hề dễ dàng. Ông Hồng chia sẻ, trước đây các đơn hàng thường được đặt hàng trước 3 tháng, nhưng nay có đơn hàng chỉ đặt trước 1 tuần và chủ yếu chỉ đặt những mặt hàng phổ thông, số lượng nhỏ. Các mã hàng cũng được yêu cầu thay đổi về chất liệu, thiết kế để có giá rẻ hơn.
 
Thậm chí, thay vì đặt số lượng vài trăm ngàn sản phẩm cho mỗi mã hàng, thì nay mỗi mã hàng chỉ còn khoảng vài ngàn đến vài chục ngàn sản phẩm, trong đó lại chia ra nhiều mẫu nhỏ… Do đó, nếu như trước kia công nhân may 2-3 tháng mới xong 1 mã hàng thì nay chỉ cần 2-3 tuần là xong. Điều này khiến cho năng suất lao động bị kéo xuống rất thấp.
 
Hầu hết các doanh nghiệp đều chia sẻ, hiện chỉ mong sao kiếm được đơn hàng để có việc làm cho người lao động, không nghĩ tới lợi nhuận, vì chắc chắc là lỗ, vấn đề là lỗ nhiều hay lỗ ít.
 
Ngay cả ở thị trường trong nước vốn được coi là trụ đỡ cho doanh nghiệp khi thị trường xuất khẩu khó khăn, người tiêu dùng cũng đang thắt lưng buộc bụng. Ông Hồng cho biết, dù Agtex chưa có đánh giá cụ thể, nhưng gần đây có khá nhiều doanh nghiệp phản ánh về tình trạng hàng Trung Quốc tràn qua, cạnh tranh gay gắt với hàng dệt may trong nước sản xuất. Các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới như Tik Tok bán hàng với giá rất rẻ, khiến các doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn.
 
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may của Việt Nam đạt 15,73 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại đạt 2,06 tỷ USD, giảm 25,6%; xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác đạt 337 triệu USD, giảm 25,6% và xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may da giày đạt 958 triệu USD, giảm 18,6%.