Làn sóng các dự án xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sắp tới của Bắc Mỹ phải đối mặt với những thách thức về nhân sự, đang khiến một số nhà phát triển lớn nhất phải mở rộng đào tạo và điều phối các dự án để giữ chân người lao động.
Hiện có 8 dự án xuất khẩu đang được tiến hành mà khi hoàn thành sẽ bổ sung công suất 86 triệu tấn LNG mỗi năm. Các dự án này đã góp phần tạo ra hàng nghìn công việc xây dựng và sẽ sớm tuyển dụng hàng trăm công nhân vận hành.
Paul Marsden, người đứng đầu bộ phận kinh doanh năng lượng toàn cầu của Bechtel Corp, đơn vị đã xây dựng 30% nhà máy LNG trên thế giới trong 20 năm qua, cho biết ngành công nghiệp, lao động và giáo dục phải hợp tác với nhau để cung cấp đào tạo và nhân công cho tất cả các dự án.
Trả lời một cuộc phỏng vấn qua email vào tuần trước, ông Marsden nhận định: "Lao động đã trở thành mối lo ngại về lạm phát đối với mọi người trong ngành. Chúng ta cần chủ động dự báo và quản lý nguồn cung lao động cũng như chuỗi cung ứng".
Các nhà thầu cho các cảng xuất khẩu LNG đang xây dựng các chương trình đào tạo và cải thiện sự phối hợp về thời gian của dự án, nhằm tránh tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động khi một dự án hoàn thành và trước khi dự án tiếp theo bắt đầu, các nhà phân tích và chuyên gia trong ngành nói với Reuters.
Chi phí lao động và các vấn đề về lịch trình làm việc có thể tạo ra những trở ngại trong bối cảnh sự bùng nổ của các dự án LNG của Mỹ, vốn đã phải đối mặt với lạm phát chi phí chuỗi cung ứng và gia tăng cạnh tranh để có được người mua và nguồn vốn dài hạn.
Bất chấp sự gia tăng nhu cầu LNG và sự dồi dào về khí đốt tự nhiên ở Mỹ, đợt bùng nổ xuất khẩu LNG tiếp theo của nền kinh tế số 1 thế giới có thể bị đình trệ do chi phí tăng và việc cấp vốn trở nên phức tạp hơn với lãi suất cao hơn.
Ngay cả trong bối cảnh lo ngại về lạm phát chi phí, các công ty phát triển dự án LNG tại Mỹ vẫn chuẩn bị phê duyệt công suất xuất khẩu khối lượng cao kỷ lục trong năm nay, do nhu cầu LNG toàn cầu ngày càng tăng và việc ký hợp đồng dài hạn với những khách hàng sẵn sàng tăng cường an ninh năng lượng.
Các dự án mới được phê duyệt sẽ tiếp tục củng cố vai trò dẫn đầu toàn cầu của Mỹ về công suất xuất khẩu. Trong khi đó, với các dự án đã được phê duyệt và đang được xây dựng, công suất của Mỹ sẽ tăng lên hơn 18 tỷ feet khối mỗi ngày.
Trong những tháng gần đây, thị trường đã ghi nhận một loạt các hợp đồng LNG dài hạn, bao gồm từ những người mua ở châu Âu, nơi an ninh năng lượng đã trở thành trung tâm bất chấp lo ngại về khí thải từ nhập khẩu khí đốt tự nhiên.