• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 9:08:50 CH - Mở cửa
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa | 16/07/2023 8:45:00 CH
Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) đã và đang trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh. Được quy hoạch với 25 phân khu công nghiệp (KCN), công tác lập, duyệt quy hoạch, tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB), xúc tiến đầu tư hạ tầng đang được đẩy mạnh nhằm tạo mặt bằng sạch thu hút các dự án tại đây.
 
 
Hiện nay, tại KKTNS đã có 4 KCN thu hút được nhà đầu tư hạ tầng gồm: KCN luyện kim, KCN số 1, KCN số 3 và KCN số 15 (KCN Đồng Vàng). Trong đó, KCN luyện kim do Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nghi Sơn làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng và diện tích đất thực hiện dự án khoảng 480,4 ha. Đến nay, dự án đã GPMB được hơn 227 ha và đầu tư hạ tầng trên diện tích 192,7 ha. Tổng kinh phí đã chi trả bồi thường cho dự án là 419,8 tỷ đồng. Phần diện tích còn lại chưa GPMB chủ yếu là đất có nhiều các hộ dân sinh sống. Tại KCN này, hiện có 2 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất với diện tích cho thuê 175,66 ha. Hiện nay, dự án chậm tiến độ so với quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chậm lấp đầy phần đất công nghiệp đã được đầu tư, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ. Nguyên nhân chính do công tác GPMB dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài, chưa đầu tư khu tái định cư đủ đáp ứng nhu cầu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Nhà đầu tư này hiện ưu tiên dành quỹ đất còn lại để phát triển các giai đoạn tiếp theo của Liên hợp luyện cán thép Nghi Sơn với tổng công suất 7 triệu tấn thép/năm.
 
KCN số 1 do Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát làm chủ đầu tư với diện tích khoảng 67 ha, tổng vốn đầu tư 433 tỷ đồng. Dự án đã GPMB và được Nhà nước cho thuê đất với diện tích 33/67 ha. Hiện nay, nhà đầu tư đang hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 đồng bộ theo quy hoạch và đã có 5 dự án đầu tư thứ cấp với tổng diện tích khoảng 2,9 ha. Tiến độ thực hiện của dự án bị chậm một phần do nhà đầu tư chưa chủ động đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư; một số khu vực có nhiều hộ dân sinh sống, công tác GPMB cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
 
KCN số 3 có diện tích khoảng 247 ha đất tự nhiên do Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.102 tỷ đồng. Dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 10-2016, với tổng vốn đầu tư là hơn 1.100 tỷ đồng. Đến nay, nhà đầu tư cơ bản đã hoàn thành hồ sơ thủ tục của dự án. Tổng diện tích đã GPMB đạt khoảng 65/80 ha (đạt 81,25%) của giai đoạn 1 và thuê đất hơn 12 ha/80 ha, đạt 15,025%. Tuy nhiên, tiến độ dự án triển khai chậm, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thu hút đầu tư vào KKTNS. Nguyên nhân một phần do vướng mắc trong công tác GPMB, một phần do chủ đầu tư chưa chủ động thực hiện, không tập trung nguồn vốn để đầu tư dự án.
 
Còn tại KCN Đồng Vàng, dự án này có diện tích khoảng hơn 491 ha, do Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát làm chủ đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 4-2022, với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng. Dự án này hiện đã hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy, chuyển đổi đất trồng lúa, đất rừng sản xuất và đang hoàn thiện thủ tục về xây dựng, GPMB để khởi công dự án.
 
Theo số liệu từ Ban Quản lý KKTNS và các KCN, tỷ lệ lấp đầy các KCN trong KKTNS đạt bình quân 33,1%. Trong đó, có 7 KCN gắn với các dự án đầu tư lớn và đã được lấp đầy gồm: KCN số 7 (Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn), KCN số 8 (Nhà máy Xi măng Nghi Sơn), KCN số 10 (Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2), KCN số 13 (Nhà máy Xi măng Đại Dương), KCN số 14 (Nhà máy Xi măng Công Thanh), KCN số 18 (Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp), KCN số 2 (các dự án kho xăng dầu, phụ trợ cho Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn)...
 
Theo đánh giá của Ban Quản lý KKTNS và các KCN, hiện công tác đầu tư tại các KCN này gặp một số khó khăn, như: Công tác lập quy hoạch phân khu phải triển khai đồng bộ với khối lượng lớn, thời gian thực hiện các đồ án quy hoạch kéo dài. Một số KCN được bố trí ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, xa trung tâm đô thị lớn, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội quanh khu vực KCN chưa phát triển, quỹ đất khai thác hạn chế do địa hình đồi núi, do đó khó thu hút nhà đầu tư hạ tầng; chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm, là những doanh nghiệp chuyên nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng KCN. Công tác bồi thường, GPMB tại các KCN còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều khu vực có mật độ dân cư đông, lịch sử quản lý đất đai ở địa phương lỏng lẻo.
 
Để tháo gỡ những khó khăn trên, sớm tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung huy động tối đa các nguồn kinh phí để triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng các khu tái định cư, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm huy động tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức đầu tư trực tiếp đối với các công trình bến cảng, logistics, cảng cạn ICD, cấp thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc... Từ đó, tạo tiền đề thu hút nhiều doanh nghiệp tìm hiểu, đầu tư tại KKTNS. Cùng với đó, các ngành của tỉnh cũng đang tập trung đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng khẩn trương tập trung nguồn lực, thủ tục pháp lý để đầu tư đồng bộ hạ tầng các KCN trong thời gian tới.