Cho dù vẫn thiếu vắng những “bom tấn” như FPT hay Vinamilk, việc công bố danh sách 73 doanh nghiệp thoái vốn đợt 1 năm 2023 của SCIC sẽ giúp thị trường “nóng” trở lại sau giai đoạn trầm lắng...
Sản xuất tại công ty con thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2023 bao gồm 73 doanh nghiệp, trong đó có nhiều cái tên đáng chú ý trên sàn chứng khoán.
Giới đầu tư đang kỳ vọng, sau giai đoạn trầm lắng của công tác thoái vốn, động thái này của SCIC sẽ mang đến không khí mới. Tuy nhiên, vẫn đang có những băn khoăn khi danh sách thoái vốn của SCIC vẫn thiếu vắng những “bom tấn” được cả giới đầu tư trong nước và nước ngoài đặc biệt quan tâm như Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)...
Thực ra, lâu nay, những gì mà giới đầu tư trông chờ từ SCIC luôn là danh sách và kế hoạch bán vốn. Với giới đầu tư, đây được coi là mỏ vàng của SCIC khi phần lớn các doanh nghiệp mà SCIC được giao làm đại diện vốn Nhà nước là những doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành, lĩnh vực hoạt động của họ nhiều năm qua.
Nguyên nhân có yếu tố lịch sử, SCIC được giao nhiệm vụ nhận bàn giao vốn nhà nước trong các doanh nghiệp ở các bộ, ngành, địa phương. Lý do chính là các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của SCIC thường là những tên tuổi lớn, có sức cạnh tranh. Với vai trò cổ đông lớn ở các doanh nghiệp, SCIC đã tham gia vào tiến trình đổi mới, thúc đẩy sự linh hoạt, ứng biến với bối cảnh kinh doanh thay đổi để đạt được hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung của đất nước.
KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Trong quá trình phát triển của SCIC, đã có rất nhiều lần câu hỏi đặt ra là bao giờ các doanh nghiệp lớn có vốn của SCIC có tên trong các bảng xếp hạng doanh nghiệp toàn cầu, khu vực.
Đây không chỉ là mục tiêu mà SCIC, với tư cách cổ đông nhà nước, cùng với các cổ đông khác trong doanh nghiệp phấn đấu hướng tới, mà còn bởi sức mạnh tiềm ẩn rất lớn trong các doanh nghiệp này.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, ở nhiều quốc gia, doanh nghiệp nhà nước được sử dụng như một công cụ để phát triển các ngành chiến lược với mục tiêu cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc Nhà nước, với tư cách là nhà đầu tư, có thể quyết định thoái chỗ này phải đầu tư chỗ khác để cơ cấu lại danh mục tài sản, để phát triển vốn nhà nước vẫn đang là bài toán khó, ở cả tư duy, cơ chế chính sách. Hệ quả là với tư duy chỉ thoái đi, không đầu tư thêm, trong bối cảnh các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn tiếp tục được đẩy mạnh, khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ ngày càng bị thu hẹp về số lượng và yếu đi về quy mô, năng lực.
MỌI VIỆC ĐANG THAY ĐỔI
Dự thảo Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, định hướng phát triển SCIC tiếp tục thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; đẩy mạnh tiến độ tái cơ cấu và bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ; tập trung nguồn lực để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả hoặc Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ; trở thành tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp…
Tại cuộc họp cuối tháng 4 về Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025, Đề án cơ cấu lại và Danh mục doanh nghiệp chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và các đại biểu đã cơ bản nhất trí với những định hướng trên và đặt kỳ vọng, niềm tin vào hoạt động hiệu quả của SCIC trong thời gian tới.
Không phải đợi đến khi xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, bóng dáng SCIC trong vai nhà đầu tư chuyên nghiệp đã định hình khá rõ. Có thể nhìn thấy trong sự phát triển của nhiều doanh nghiệp SCIC quản trị vốn.
Điểm chung của các doanh nghiệp này là tính thị trường và năng lực cạnh tranh được cải thiện rõ nét, chiến lược phát triển doanh nghiệp được xây dựng dựa trên thế mạnh cốt lõi, đa dạng thêm những mảng, miếng đáp ứng nhu cầu thực của thị trường.
BÓNG DÁNG NHÀ ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP
Lãnh đạo Vinatex cho biết, chuỗi sản xuất dệt may trọn gói đang trở thành xu hướng tất yếu của ngành dệt may thế giới. Tập đoàn cũng không thể nằm ngoài xu hướng này nếu muốn thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với hệ sinh thái đa dạng, Vinatex đã triển khai số hóa và phần mềm hóa toàn bộ Tập đoàn. “Chuyển đổi số được thực hiện quyết liệt để Vinatex trở thành chuỗi cung ứng trọn vẹn về sản xuất”, lãnh đạo Tập đoàn cho biết.
Giữ vững lá cờ tăng trưởng cũng là đích ngắm của FPT Telecom khi năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt 13,6% và 14,6%. Một loạt giải pháp đã được chi tiết hóa tới từng con số nhằm đạt được mục tiêu trên, chẳng hạn như chuyển đổi từ bán băng thông sang bán dịch vụ với các gói cước được thiết kế riêng cho từng khách hàng, sản xuất các bản quyền truyền hình độc quyền, nâng cấp dịch vụ OTT để mang trải nghiệm mới về hình ảnh và dịch vụ cho khách hàng.
Là cổ đông của các công ty năng động và luôn ấp ủ khát vọng dẫn đầu, tiên phong tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ mới, SCIC cho thấy tầm nhìn và năng lực vượt trội của đội ngũ nhân sự hiện đang tham gia với vai trò thành viên HĐQT hoặc lãnh đạo trực tiếp tại các doanh nghiệp mà tổng công ty có vốn đầu tư.
Điều này đang góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết được Đảng và Chính phủ đặt ra.
Vy Vy