Mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi từ tình hình kinh tế, có doanh nghiệp bị lỗ, giảm vốn chủ sở hữu, nhưng các tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước đều nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra.
7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt tổng giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2023, về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tổng hợp của 19 tập đoàn, tổng công ty có tăng trưởng, hiệu quả ổn định. Một số tập đoàn, tổng công ty đạt hiệu quả cao, tăng trưởng khá nhanh như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)...
Ước tính kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2023: tổng doanh thu đạt 580.490 tỷ đồng (bằng 53,7% kế hoạch năm, tăng 4% so với cùng kỳ 2022); tổng lợi nhuận trước thuế (không tính kết quả của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) đạt 18.195 tỷ đồng (bằng 56,7% kế hoạch năm, bằng 85% so với cùng kỳ); tổng nộp ngân sách đạt 33.520 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ). Trong đó, 10/19 tập đoàn, tổng công ty có doanh thu tăng; 6/19 tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận trước thuế tăng; 8/19 tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách nhà nước tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, một số tập đoàn, tổng công ty đã tích cực mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, như: giá trị xuất khẩu gạo tăng khoảng 250% so với cùng kỳ, đạt 77% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu sản phẩm thuốc lá bằng 63% kế hoạch năm…
Trong đó, chỉ riêng 7 tập đoàn, tổng công ty xuất khẩu nhiều (dầu thô, dệt may, phân bón, lương thực, cao su, thuốc lá) đã đạt tổng giá trị xuất khẩu 3,021 tỷ USD. Cụ thể là PVN đạt 1,1 tỷ USD, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đạt 905 triệu USD, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đạt 320 triệu USD, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đạt 229 triệu USD, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đạt 192 triệu USD, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đạt 121 triệu USD, Vinataba đạt 119 triệu USD.
Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 mới đây của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc VRG cho biết, 6 tháng đầu năm, VRG triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức khi nhu cầu thị trường thế giới suy giảm khiến giá bán các sản phẩm chính của Tập đoàn như mủ, gỗ cao su tiếp tục giảm sâu. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách để thực hiện các dự án đầu tư, lao động thiếu ổn định, chi phí sản xuất tăng… vẫn còn là vấn đề vướng mắc. Tuy nhiên, VRG sẽ tập trung thực hiện kế hoạch hoàn thành ở mức tích cực nhất thông qua việc tăng sản lượng khai thác, chế biến, tiêu thụ để bù đắp phần nào doanh thu, lợi nhuận suy giảm do giá bán.
Tương tự, ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc Petrolimex cho hay, tập đoàn đã tiếp tục thực hiện tốt vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện bình ổn thị trường xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Petrolimex là doanh nghiệp xăng dầu đầu tiên áp dụng triệt để hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng tại hệ thống gần 2.700 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc, góp phần xây dựng thị trường xăng dầu minh bạch, lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, tuân thủ pháp luật.
Cần quyết liệt hơn để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh
Mặc dù có nhiều kết quả khả quan, nhưng vẫn còn một số tập đoàn, tổng công ty chưa đạt được chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, Công ty mẹ EVN dự kiến lỗ 35.412 tỷ đồng, hợp nhất lỗ 28.744 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, những tồn tại, hạn chế của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn là: một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai; công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất tại các tập đoàn, tổng công ty nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đề ra. Nguyên nhân do ảnh hưởng từ biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, thị trường xuất nhập khẩu của một số doanh nghiệp chịu nhiều tác động của thị trường quốc tế; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…
Do đó, trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp nhà nước đều thể hiện quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra bằng các giải pháp như tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số một cách toàn diện, tiết giảm chi phí… Trong đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn đề nghị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Nhưng cùng với sự chủ động nỗ lực từ doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước cũng kiến nghị nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Lãnh đạo Petrolimex kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và cơ chế khuyến khích đối với việc đầu tư điện mặt trời áp mái để tạo điều kiện cho Tập đoàn đầu tư điện mặt trời áp mái tại hệ thống các cửa hàng xăng dầu trực thuộc. Lãnh đạo VRG đề nghị Chính phủ sớm xem xét và quyết định chấp thuận 4 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp…