Dù liên tục trúng nhiều gói thầu giá trị “khủng”, nhưng Công ty CP Xây dựng số 5 cũng đối diện với tình trạng nợ phải trả gấp 6 lần vốn chủ sở hữu và đã nhiều lần sử dụng hợp đồng làm tài sản bảo đảm.
Theo tìm hiểu, tiền thân Công ty CP Xây dựng số 5 là xí nghiệp Xây dựng số 5, trực thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng), đến năm 2004 thì thực hiện cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty CP Xây dựng số 5. Năm 2007, cổ phiếu doanh nghiệp này chính thức được giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) với mã chứng khoán SC5.
Trụ sở chính doanh nghiệp được đặt tại số 137 Lê Quang Định, phường 14, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tổng Giám đốc công ty kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Đình Dũng.
Trúng thầu lớn
Những năm gần đây, Công ty CP Xây dựng số 5 (SC5) nổi lên là một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây lắp. Thống kê dữ liệu đấu thầu cho thấy, tính đến tháng 6/2023, SC5 được công bố đã tham gia 60 gói thầu, trong đó trúng 36 gói với tổng giá trị trúng thầu lên tới hơn 11.213 tỷ đồng. Hầu hết các gói thầu mà SC5 được công bố trúng thầu đều có quy mô lớn, trong đó có nhiều gói thầu trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Với việc liên tục trúng các gói thầu giá trị lớn, SC5 có doanh thu trung bình năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đáng chú ý, tỷ lệ tiết kiệm ngân sách Nhà nước ở các gói thầu có sự tham gia của doanh nghiệp này luôn ở mức rất thấp, thậm chí chưa đến 1%.
Điển hình, tại 2 gói thầu thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình dân dụng và công nghiệp (thuộc UBND TPHCM) làm chủ đầu tư/bên mời thầu. SC5 được phê duyệt trúng thầu với giá trị lần lượt là 1.734 tỷ đồng và 1.806 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ tiết kiệm cho ngân sách được 9,3 tỷ đồng và 25,2 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ tiết kiệm là 0,53% và 1,38%).
Cũng tại chủ đầu tư trên, SC5 được chọn trúng gói thầu thi công xây dựng và thử tĩnh tải cọc trị giá 478 tỷ đồng, nhưng số tiền tiết kiệm được chỉ hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng trúng gói thầu xây lắp trị giá 32,7 tỷ đồng, nhưng tiết kiệm chỉ được hơn 13 triệu đồng.
Trúng thầu “khủng”, SC5 vẫn nợ “phình to” gấp 6 lần vốn chủ sở hữu (ảnh minh họa: Internet).
Tương tự, tại Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng, liên danh
SC5 – Công ty CP Tư vấn cấp thoát nước và môi trường (WASE) đã trúng gói thầu EPC trị giá 1.288,4 tỷ đồng, nhưng chỉ tiết kiệm được 9,4 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tiết kiệm 0,72%.
Hay, tại Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Đà Nẵng, SC5 trúng gói thầu Thiết kế, thi công, lắp đặt công trình (EC) với giá 417,2 tỷ đồng, tiết kiệm 2,2 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 0,52%); gói thầu HD-PW-08 tại Ban QLDA Phát triển tổng hợp các đô thị động lực TP Hải Dương có giá trúng thầu 315,3 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 52 triệu đồng (tỷ lệ tiết kiệm đạt 0,02%)…
Cần lưu ý rằng, trong công tác đấu thầu, mục tiêu lớn nhất là tiết giảm tối đa nguồn kinh phí đầu tư, giảm tải gánh nặng cho ngân sách. Các đơn vị là chủ đầu tư, bên cạnh việc lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn cao, cũng cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm này, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực.
Lợi nhuận "mỏng"
Theo công bố, Công ty CP Xây dựng số 5 có vốn điều lệ là 149,8 tỷ đồng. Liên quan đến tình hình tài chính, giai đoạn năm 2019 – 2022, báo cáo tài chính của SC5 cho thấy, tổng doanh thu hàng năm dao động ở mức trên dưới 2 nghìn tỷ đồng/năm. Trong đó, doanh thu năm 2022 ở mức cao nhất khi đạt 2,6 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này ghi nhận giảm mạnh tới 33,6% so với cùng kỳ khi chỉ đạt 22,5 tỷ đồng. Trước đó, SC5 báo lãi sau thuế lần lượt 33,7 tỷ đồng (năm 2019), 35,2 tỷ đồng (năm 2020) và 33,9 tỷ đồng (năm 2021).
Theo báo cáo tài chính quý II/2023 vừa được công bố, SC5 ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 9,353 tỷ đồng, giảm 1,364 tỷ đồng (tương đương giảm 12,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, nguyên nhân lợi nhuận sau thuế quý II/2023 giảm do doanh thu chỉ đạt 653,676 tỷ đồng, giảm 145 triệu đồng so với cùng kỳ. Tuy vậy, giá vốn bán hàng tăng 186 triệu đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp trong quý II/2023 giảm 331 triệu đồng, tương đương giảm 1,3% so với cùng kỳ. Cùng đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 723 triệu đồng (tăng 16,2% so với cùng kỳ) do trong kỳ phát sinh chi phí sửa chữa văn phòng làm việc. Doanh thu tài chính tăng 328 triệu đồng (tăng 18,2% so với cùng kỳ), chủ yếu do tăng khoản lãi từ các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn; chi phí tài chính tăng 1,505 tỷ đồng (tăng 15,8% so với cùng kỳ).
Tính đến ngày 30/6/2023, nợ phải trả của SC5 đang ở mức hơn 2.165 tỷ đồng, gấp hơn 6,1 lần vốn chủ sở hữu (354 tỷ đồng). Đa số khoản nợ công ty đang gánh đều trong ngắn hạn, với 2.130,7 tỷ đồng, chiếm tới 98,3% tổng nợ.
Trong đó, thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, chủ nợ lớn nhất của SC5 trong ngắn hạn là Ngân hàng Công thương Việt Nam – chi nhánh 3 (500 tỷ đồng). Ngoài ra có thể để đến các chủ nợ khác gồm: Ngân hàng TMCP Quốc tế - chi nhánh Sài Gòn (VIB), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam – TPHCM (Maritime Bank).
Năm 2023, SC5 đặt chỉ tiêu tổng giá trị sản lượng đạt 2.520 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị xây lắp ước đạt 2.448 tỷ đồng; giá trị tổng doanh thu chạm mức 1.850 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 18 tỷ đồng. Có thể thấy, các chỉ số này đều “đi lùi” so với kết quả đạt được trong năm 2022.
Đáng chú ý, dù liên tiếp trúng hàng loạt gói thầu giá trị lớn, góp phần mang lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên, để thực hiện các dự án, SC5 vẫn rất tích cực đi vay tiền. Trước đó trong quý III/2022, HĐQT SC5 liên tiếp ra các nghị quyết thông qua việc đề nghị cấp tín dụng, phương án vay vốn tại các ngân hàng.
Cụ thể, Nghị quyết số 269/2022/NQ-HĐQT thông qua việc đề nghị cấp tín dụng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam – chi nhánh TPHCM (MSB) với số tiền 1.000 tỷ đồng hoặc ngoại tệ tương đương nhằm bổ sung vốn lưu động và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Trong đó, khoản vay này bao gồm 200 tỷ đồng hạn mức vay ngắn hạn, và 800 tỷ đồng hạn mức bảo lãnh ngân hàng.
Tiếp đó, Nghị quyết số 274/2022/NQ-HĐQT thông qua phương án vay vốn, phát hành bảo lãnh, xác nhận cung cấp tín dụng tại Ngân hàng TMCP Quân đội – chi nhánh TPHCM (MB). Trong đó, giá trị cho vay, bảo lãnh là 500 tỷ đồng; giá trị xác nhận cung cấp tín dụng lên đến 2.000 tỷ đồng.
Mục đích của khoản vay này nhằm bổ sung vốn lưu động, phát hành bảo lãnh, xác nhận cung cấp tín dụng phục vụ hoạt động thi công xây lắp giai đoạn 2022 – 2023. Thời hạn của khoản vay đến 31/12/2024. Nguồn thanh toán, trả nợ là vốn tự có, vốn từ hoạt động kinh doanh.
Hay, Nghị quyết số 430/2022/NQ-HĐQT thông qua phương án vay vốn, phát hành bảo lãnh, mở L/C (thư tín dụng) tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với tổng hạn mức tín dụng là 250 tỷ đồng hoặc ngoại tệ tương đương. Trong đó, hạn mức vay vốn ngắn hạn là 70 tỷ đồng, hạn mức bảo lãnh 250 tỷ đồng, hạn mức L/C là 100 tỷ đồng hoặc ngoại tệ tương đương. Mục đích vay nhằm bổ sung vốn lưu động, phát hành bảo lãnh, mở L/C phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Ở diễn biến liên quan, SC5 đã sử dụng hàng loạt quyền tài sản hoặc các khoản phải thu, nguồn thu từ các hợp đồng để làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại các ngân hàng.
Đơn cử, ngày 10/11/202, tại ngân hàng Vietinbank chi nhánh 3 TPHCM, Công ty CP Xây dựng số 5 đã thế chấp các quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng số 93/2021/HĐ-DDCN giữa liên danh SC5 – 202 – MTV – YTV và Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp (thuộc UBND TPHCM) về việc thực hiện gói thầu Thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị thuộc dự án Xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức; cùng các hợp đồng, phụ lục khác giữa 2 bên. Như đã nói ở trên, SC5 được duyệt trúng gói thầu này với giá 1.806 tỷ đồng…
Ngoài ra, ngày 21/6/2022, tại ngân hàng VIB chi nhánh Sài Gòn, SC5 đã thế chấp tài sản bảo đảm là toàn bộ khoản phải thu, nguồn thu và các khoản thanh toán khác phát sinh từ hợp đồng xây lắp số HD-PW-08/2022/HĐXL giữa Ban QLDA phát triển tổng hợp các đô thị động lực TP Hải Dương và SC5 để thực hiện gói thầu HD-PW-08. Tổng giá trị tài sản đảm bảo là 315,3 tỷ đồng...