Đức có kế hoạch chi 20 tỷ euro (22,19 tỷ USD) để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước, hãng tin Bloomberg vừa cho biết.
Theo đó, số tiền này sẽ được phân phối cho các doanh nghiệp Đức và nước ngoài vào năm 2027 và sẽ được rút ra từ Quỹ Biến đổi và Khí hậu.
Tình trạng thiếu hụt chip trên quy mô toàn cầu và tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã khiến các nhà sản xuất ô tô, khai thác viễn thông và nhiều ngành khác lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Ủy ban Châu Âu (EC) trước đó đã đưa ra kế hoạch khuyến khích sản xuất chip ở Liên minh châu Âu (EU) do nhu cầu bùng nổ, với đề xuất luật mới nhằm nới lỏng các quy định viện trợ của nhà nước cho các nhà máy sản xuất chip.
Mới đây, tập đoàn sản xuất chip Intel của Mỹ và Chính phủ Đức đã đồng ý phần lớn về việc tăng trợ cấp của nhà nước cho nhà máy sản xuất chip ở Magdeburg. Theo các nguồn thạo tin, nhà máy mới này dự kiến sẽ nhận được 9,9 tỷ euro (10,8 tỷ USD) thay vì 6,8 tỷ euro như đã cam kết trước đây.
Giới chức chính phủ Đức cho biết, Bộ trưởng Kinh tế liên bang Robert Habeck thuộc đảng Xanh và các quan chức khác thời gian qua đã làm việc tích cực để có thể nâng khoản trợ cấp cũng như thuyết phục Intel xây dựng nhà máy tại bang Sachsen-Anhalt, bởi việc xây dựng dự án này sẽ có tầm quan trọng lớn đối với quá trình chuyển đổi và chủ quyền công nghệ của Đức./.