Tại thời điểm 30/6, tổng số nhân viên làm việc trên toàn hệ thống Techcombank là 11.742 người. Với việc chi trả cho nhân viên bình quân mỗi tháng 45 triệu, Techcombank nhiều khả năng vẫn là ngân hàng có thu nhập bình quân nhân viên cao nhất hệ thống trong 6 tháng đầu năm nay.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – Mã: TCB) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 2 (chưa kiểm toán) với lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong kỳ đạt 5.649 tỷ đồng, giảm gần 23% so với cùng kỳ 2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất Techcombank đạt hơn 11.272 tỷ, giảm 20% so với quý 2/2022 và thực hiện được 51% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Trong nửa đầu năm, nguồn thu chính của Techcombank là thu nhập lãi thuần giảm hơn 19% xuống còn 12.828 tỷ đồng. Nguyên nhân là do biên lãi thuần (NIM, tính trong 12 tháng gần nhất) giảm xuống dưới mức cao kỷ lục từng đạt được vào đầu năm 2022. Theo giải thích của lãnh đạo ngân hàng, trong quý 2, thanh khoản hệ thống được cải thiện và lãi suất bắt đầu hạ nhiệt sau nhiều đợt cắt giảm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, lợi suất tài sản chịu áp lực do chính sách giá linh hoạt nhằm hỗ trợ khách hàng, cũng như môi trường cạnh tranh gay gắt. Ngân hàng dự báo NIM sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm trong quý 3.
Ngoài thu nhập lãi thuần, một số mảng kinh doanh khác cũng ghi nhận sự đi xuống như kinh doanh ngoại hối chuyển từ lãi 1,3 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2022 sang lỗ gần 241 tỷ; lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 88,4% xuống còn 43,6 tỷ đồng.
Ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng gần 8% lên xấp xỉ 3.964 tỷ đồng; chứng khoán kinh doanh ghi nhận mức lãi 38 tỷ đồng trong khi nửa đầu năm 2022 lỗ 248 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác tăng mạnh 62%, mang về cho Techcombank hơn 1.996 tỷ đồng, chủ yếu nhờ khoản 731 tỷ đồng thu được từ việc thanh lý trụ sở cũ tại Hà Nội vào quý 1/2023.
Tổng hợp các mảng kinh doanh, thu nhập hoạt động của Techcombank trong 6 tháng đầu năm đạt 18.625 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với cùng kỳ 2022.
Dù ngân hàng đã tích cực cắt giảm chi phí hoạt động (-3%), song do nguồn thu sụt giảm khiến lãi thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 12.614 tỷ đông, kém 14,4% so với quý 2/2022.
Trong nửa đầu năm, Techcombank đã trích lập dự phòng gần 1.342 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước. Đây là nguyên nhân thứ hai kéo giảm lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này cùng với sự suy yếu của thu nhập hoạt động.
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Techcombank ở mức 732.470 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 10,9% lên 466.546 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 6,6%, đạt 381.947 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, nợ xấu nội bảng của Techcombank tăng thêm 65% lên hơn 5.000 tỷ đồng, chiếm 1,07% tổng dư nợ. Tỷ lệ này cao hơn so với mức 0,72% ghi nhận hồi đầu năm. Đồng thời nợ xấu tăng nhanh cũng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng giảm từ mức hơn 157% xuống còn gần 116%.
Tại thời điểm 30/6, tổng số nhân viên làm việc trên toàn hệ thống Techcombank là 11.742 người, giảm 597 người so với cuối năm 2022. Riêng số lượng nhân sự của ngân hàng mẹ là 10.972 người, giảm 573 người.
Tính bình quân, mỗi nhân viên trên toàn hệ thống Techcombank mang về 936 triệu đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm; riêng ngân hàng mẹ là 832 triệu đồng.
Thu nhập bình quân nhân viên Techcombank trên toàn hệ thống (Nguồn: BCTC hợp nhất)
Theo báo cáo tài chính của Techcombank, bình quân mỗi nhân viên Techcombank trên toàn hệ thống có thu nhập 45 triệu đồng/tháng trong nửa đầu năm (tương đương tổng thu nhập 270 triệu đồng). Trong đó, riêng tiền lương là 37 triệu đồng/tháng.
Tại ngân hàng mẹ, bình quân mỗi nhân viên có thu nhập 44 triệu đồng/tháng; riêng lương là 37 triệu đồng/tháng.
Thu nhập bình quân nhân viên Techcombank tại ngân hàng mẹ (Nguồn: BCTC riêng lẻ)
Với con số trên, Techcombank nhiều khả năng vẫn là ngân hàng có thu nhập bình quân nhân viên cao nhất hệ thống trong 6 tháng đầu năm nay. Trước đó, ngân hàng này đã liên tục dẫn đầu các ngân hàng trong nước về mức thu nhập của nhân viên, bỏ xa các ông lớn trong ngành như Vietcombank, VietinBank, BIDV.
Không chỉ có chính sách lương và phúc lợi hấp dẫn, Techcombank còn phát hành cổ phiếu ESOP để giữ chân nhân tài.
Mới đây, ngân hàng này phát hành hơn 5,27 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Trước đó, Techombank cũng đã phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động trong năm 2022. Năm 2021, 2020, 2019 và 2018, ngân hàng cũng chào bán lần lượt 6 triệu cp; 4,76 triệu cp; 3,5 triệu cp và 17 triệu cp cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cp theo chương trình lựa chọn cho người lao động.
Mặc dù liên tục triển khai các chương trình ESOP nhưng chính sách này của Techcombank chủ yếu dành cho một số ít nhân sự cấp cao.
Theo Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, chương trình ESOP không những giúp giữ chân nhân tài trong giai đoạn làm việc mà còn gắn quyền lợi của họ với giá trị của tổ chức, từ đó tạo động lực để họ tạo giá trị tốt hơn cho tổ chức trong thời gian làm việc.
Quốc Thụy