Kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái và các điều kiện tín dụng đang bị thắt chặt hơn có thể là nguyên nhân khiến nền kinh tế Malaysia đối mặt với suy thoái.
Đồng ringgit của Malaysia. Ảnh: Reuters
Phóng viên Leslie Lopez, người chuyên đưa tin về các vấn đề chính trị và kinh tế trong khu vực, đã đăng tải bài phân tích trên trang Channel News Asia về một số thách thức mà nền kinh tế Malaysia phải đối mặt trong thời gian tới.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, từ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bùng phát, xung đột Nga-Ukraine cho đến bất ổn chính trị trong nước thì nền kinh tế Malaysia đã giữ được sự cân bằng trong 3 năm qua.
Hiện nay, kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái và các điều kiện tín dụng đang bị thắt chặt hơn có thể là nguyên nhân khiến nền kinh tế Malaysia đối mặt với suy thoái. BMI, bộ phận nghiên cứu thuộc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Group đánh giá, mặc dù Malaysia đã tăng trưởng tới 5,6% trong quý I/2023, cao hơn kỳ vọng 4,8%, song nước này không nên quá lạc quan. Mức tăng trưởng quý I/2023 thấp hơn so với con số 7,1% cùng kỳ năm 2022.
BMI kỳ vọng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia sẽ tăng 4,2% trong năm 2023, bằng một nửa so với mức 8,7% của năm 2022 – mức cao nhất trong 22 năm qua. MIDF, một tổ chức tư vấn đầu tư ở Malaysia, lưu ý rằng thị trường chứng khoán nước này đã chứng kiến dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán trong 16/22 tuần của năm 2023, với giá trị khoảng 2,9 tỷ RM (628 triệu USD).
Việc nền kinh tế Malaysia vẫn chưa phục hồi có thể sẽ làm giảm sút nghiêm trọng vị thế của Thủ tướng Anwar Ibrahim, khi người dân kỳ vọng ông sẽ mở ra một hướng đi mới, giúp Malaysia thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế. Trong những ngày gần đây, ông Anwar nhấn mạnh rằng chính phủ của ông đã nỗ lực mang lại sự ổn định chính trị lớn hơn, từ đó cải thiện môi trường đầu tư quốc gia.
Thủ tướng Anwar, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính đã nói trước quốc hội rằng khoản đầu tư được phê duyệt trong quý I/2023 lên tới 71,4 tỷ RM, tăng 60% so với mức 44,7 tỷ RM trong cùng kỳ năm 2022. Trả lời trước truyền thông, Thủ tướng Anwar nhấn mạnh: “Tôi cảm thấy sự ổn định về chính trị đã nâng cao niềm tin của nhà đầu tư và giúp dòng tiền chảy vào Malaysia mạnh mẽ hơn trước, song điều quan trọng không phải là việc thông báo (về đầu tư) và các biên bản ghi nhớ đã ký kết mà là sự triển khai trong thực tiễn”.
Hiện nay, mặc dù áp lực lạm phát của Malaysia đã giảm nhẹ từ 3,4% trong tháng Ba, xuống 3,3% trong tháng Tư, song giá cả, chi phí sinh hoạt vẫn leo thang, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị. Ngoài ra, vẫn còn nhiều quan ngại về việc người dân Mã Lai (chiếm 60% dân số) ủng hộ liên minh cầm quyền ở Malaysia hiện nay. Câu trả lời có thể sẽ được đưa ra khi 6 tiểu bang sẽ sớm tổ chức bầu cử.
Mặc dù từng được gọi là “con hổ kinh tế” ở khu vực, song Malaysia đã tụt xuống vị trí thứ 5 về GDP trong số các nền kinh tế ASEAN, sau Indonesia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam. Những tác động của suy thoái toàn cầu đang ảnh hưởng rõ nét tới hoạt động xuất khẩu của Malaysia, vốn đã giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo xuất khẩu trong năm 2023 sẽ giảm 9%, so với mức 25% năm 2022, và nhu cầu trong nước sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế chính.
Các nhà nghiên cứu kinh tế ở Malaysia đánh giá, nhu cầu trong nước, bao gồm chi tiêu của chính phủ và tiêu dùng tư nhân chiếm hơn 70%, kể từ năm 2019. Tuy nhiên, tăng trưởng dựa trên tiêu dùng đã không còn bền vững. Malaysia hiện gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính do chi tiêu quá mức, với nợ công lên tới 1.080 tỷ RM vào cuối năm 2022, tăng gần gấp đôi sau 6 năm.
Giáo sư Yeah Kim Leng của đại học Sunway cho biết lập trường chính sách chi tiêu của chính phủ không còn bền vững và Malaysia cần có chiến lược kinh tế mới. Con đường mới phải giúp Malaysia chuyển sang nền kinh tế dựa trên sản xuất các giá trị cao hơn, thông qua thu hút các ngành công nghệ cao và giúp tăng tiền lương cho người lao động./.