Cuối tháng 6 đầu tháng 7, sau những cơn mưa lớn, hơn 6.000 ha cây cao su của Công ty cổ phần cao su thêm xanh hơn. Không khí lao động tại các đội sản xuất, nông trường và Nhà máy chế biến cao su Sơn La 28/10 hết sức khẩn trương vào vụ khai thác mủ cao su, với kết quả cao nhất.
Công nhân Nông trường Châu Thuận khai thác mủ cao su. Ảnh: Ngọc Thuấn
Ông Nguyễn Bá Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Sơn La, thông tin: Những tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất của Công ty gặp nhiều khó khăn do nắng nóng kéo dài, mặc dù đã mở cạo từ giữa tháng 3, nhưng phải đến thời điểm này việc khai thác mới ổn định. Năm nay, Công ty đưa vào khai thác 4.562 ha, sản lượng theo kế hoạch giao là 4.750 tấn mủ khô. Đồng thời, chăm sóc 1.476 ha trong thời kỳ kiến thiết cơ bản để tiếp tục đưa vào khai thác trong những năm tới.
Thời điểm này, tại Nhà máy chế biến cao su Sơn La 28/10, lượng mủ đông tập kết về khá lớn, toàn bộ dây chuyền vận hành tối đa công suất để bảo đảm chế biến hết sản lượng mủ khai thác của Công ty và gia công cho Công ty cổ phần cao su Điện Biên, Lai Châu. Tại khu vực dây chuyền cán ủ, công nhân liên tục chuyển mủ đông vào hệ thống máy rửa để làm sạch, loại bỏ tạp chất, chuyển sang máy làm tơi xốp, sấy khô, ép khối, đóng gói.
Vừa điều hành công nhân bốc xếp sản phẩm lên xe ô tô vận chuyển theo đơn đặt hàng của Công ty, ông Hoàng Viết Thành, Giám đốc nhà máy, thông tin nhanh: Đến hết tháng 6, nhà máy đã chế biến và gia công được gần 2.000 tấn mủ, sản phẩm bảo đảm chất lượng theo TCVN 3769:2016 và TCCS 112: 2017, đáp ứng yêu cầu của các đơn vị khách hàng.
Nông trường cao su Châu Thuận đang quản lý 1.200 ha cây cao su trên địa bàn xã Tông Lạnh, Tông Cọ, Bó Mười, Mường Khiêng, Noong Lay, huyện Thuận Châu và xã Chiềng Ngàm, huyện Quỳnh Nhai. Năm nay, Nông trường được Công ty cổ phần cao su Sơn La giao kế hoạch khai thác 2.600 tấn mủ đông. Ngay trước vụ khai thác, các điều kiện phục vụ sản xuất đã được chuẩn bị chu đáo, công nhân tay nghề yếu được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật. Nông trường đã đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật chăm sóc vườn cây, toàn bộ diện tích được giao trực tiếp cho 168 công nhân khai thác.
Với 2,5 ha đất góp trồng cây cao su, chị Lò Thị Duân ở bản Tốm, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu là một trong những công nhân tích cực và có thu nhập cao ở Nông trường Châu Thuận. Năm nay, chị Duân nhận cạo mủ 5 phần cây, tương đương với 2,5 ha. Chị Duân chia sẻ: Hằng ngày phải dậy từ 4 giờ sáng đi cạo mới có thể kịp tiến độ sản xuất của nông trường, tuy vất vả, nhưng thu nhập ổn định từ 7-8 triệu đồng/tháng.
Còn tại Nông trường cao su Châu Quỳnh đang quản lý 1.148 ha cây cao su, năm nay đưa vào khai thác 1.084 ha. Chị Lò Thị Nết, Giám đốc nông trường, cho biết: Để bảo đảm việc làm cho 360 công nhân và người lao động, Nông trường đã tập trung chăm sóc, bảo vệ tốt vườn cây; thường xuyên phát dọn thực bì, PCCC, sửa chữa đường lô phục vụ khai thác mủ. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn công nhân khai thác đúng quy trình kỹ thuật để bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, Công ty đã bố trí cán bộ kỹ thuật phụ trách từng nông trường, đội sản xuất, thường xuyên trực tiếp có mặt tại vườn cây cao su để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quy trình cạo mủ và chấm điểm kỹ thuật; hướng dẫn, đào tạo lại cho những công nhân tay nghề còn yếu; ban hành quy chế, ký hợp đồng giao khoán phần cây. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác quản lý, kỹ thuật khai thác, điều hành sản xuất và quản lý sản phẩm đối với cán bộ các nông trường, đơn vị sản xuất.
Từ đầu năm đến nay, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm việc làm, thu nhập, giúp công nhân, người lao động yên tâm sản xuất. 6 tháng đầu năm, Công ty đã chi trả hơn 12,3 tỷ tiền lương cho người lao động; nộp gần 5,8 tỷ đồng bảo hiểm xã hội; chi thăm hỏi công nhân khó khăn, ốm đau 31,6 triệu đồng...
Ông Nguyễn Bá Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Sơn La, cho biết thêm: Từ nay đến cuối tháng 11 là thời gian cao điểm của vụ khai thác mủ, Công ty đã tổ chức phát động các đợt thi đua, kịp thời động viên công nhân tại các đơn vị sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch, ổn định việc làm và nâng cao đời sống người lao động.