Đổi mới công nghệ, chuyển hướng sang chế biến sâu và khẳng định tên tuổi từ chính nguyên liệu bản địa..., đó là những lối mở để ngành điều thoát khỏi khó khăn hiện nay.
Càng sản xuất càng lỗ
Theo Sở Công thương tỉnh Bình Phước, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt điều giảm mạnh đến 30 - 50%. Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 và tác động của nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái.
Thị trường thu hẹp dẫn đến nhiều doanh nghiệp điều trên địa bàn tỉnh buộc phải đóng cửa, ngừng hoạt động, thậm chí có những doanh nghiệp rơi vào cảnh nợ nần. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, tác động tiêu cực của nó sẽ càng trầm trọng hơn đến lĩnh vực được xem là ngành chủ lực của tỉnh.
Doanh nghiệp ngành điều Bình Phước đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Bình.
Đã nhiều tháng nay, công ty của anh Trần Quốc Hùng tại thị xã Phước Long chỉ còn hoạt động cầm chừng. Trước đây, công suất bình quân mỗi tháng của doanh nghiệp này khoảng 100 tấn hạt điều, nay giảm chỉ còn 1/5, doanh nghiệp cũng phải cho hơn phân nửa công nhân nghỉ việc và vài dây chuyền sản xuất cũng ngừng hoạt động.
Thị trường hạt điều thời gian gần đây liên tục sụt giảm, việc xuất bán cũng vô cùng khó khăn, ước tính cứ làm ra một kg điều nhân doanh nghiệp lỗ từ 4.000 - 5.000 đồng. Điều này đồng nghĩa sản xuất càng nhiều sẽ càng thua lỗ nặng nề hơn.
"Giá nguyên liệu cao mà giá điều nhân liên tục giảm, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, liên tục lỗ nên buộc phải giảm công suất", anh Hùng chia sẻ.
Cũng đang gánh chịu tình cảnh thua lỗ tương tự, nên mặc dù đã bỏ ra gần 500 triệu đồng đặt cọc mua 150 tấn hạt điều nguyên liệu nhưng chị Huỳnh Thị Hoa - chủ doanh nghiệp chế biến điều thô tại thị xã Phước Long cũng phải chấp nhận bỏ số tiền cọc trên. Bởi nếu lấy về sản xuất thì ước tính cơ sở phải chịu lỗ thêm 200 triệu đồng nữa.
Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến loại điều được mệnh danh "ngon số 1 thế giới" cũng gặp khó. Ảnh: Lê Bình.
"Tụi tôi ai cũng e dè hết trơn. Nhà nước bây giờ có thương doanh nghiệp thì giúp đỡ cho tụi tôi, tạo điều kiện cách nào đó để các doanh nghiệp duy trì sản xuất, công nhân có việc làm", chị Hoa bày tỏ.
Khi được hỏi về tình hình "sức khỏe" của các doanh nghiệp điều tại Bình Phước, một thành viên Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) bộc bạch: "Doanh nghiệp điều bán được cũng chết mà không bán được cũng chết. Lí do là doanh nghiệp càng bán càng lỗ mà không bán thì lại không thể xoay ra dòng tiền, lại mất thêm tiền bảo quản, kho bãi".
Phải bước ra khỏi cái bóng thầm lặng
Dù nắm giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều trong nhiều năm liền, song vị trí của ngành điều Việt Nam vẫn rất nhỏ bé do chủ yếu chỉ xuất khẩu điều nhân sơ chế. Để nâng cao tầm vóc, vị thế của ngành, các doanh nghiệp điều Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động chế biến sâu, tiến lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị.
Trên thực tế, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để tăng cường chế biến sâu. Nhờ đó, bên cạnh những sản phẩm truyền thống như hạt điều rang muối, hạt điều còn vỏ lụa rang muối..., nhiều sản phẩm mới đã được ra đời, được thị trường đón nhận tích cực như hạt điều mật ong, hạt điều tẩm gia vị, hạt điều wasabi, hạt điều sấy mè trắng, kẹo hạt điều…
Chế biến sâu từ chính nguồn hạt điều nguyên liệu trong nước đang là hướng đi để khẳng định tên tuổi của ngành điều. Ảnh: Lê Bình.
Thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) được các doanh nghiệp điều ví là "chợ điều" hay "công xưởng chế biến điều", bởi đây là nơi tập hợp nhiều doanh nghiệp có hệ thống dây chuyền chế biến điều với công suất lớn. Lượng điều nguyên liệu tại địa phương không cung cấp đủ phục vụ sản xuất, chế biến.
Nhiều năm trở lại đây, một số doanh nghiệp đã ý thức được điều này và chuyển hướng kinh doanh sang sản xuất, chế biến sâu. Họ tìm lối đi riêng nhằm khẳng định thương hiệu doanh nghiệp cũng như thương hiệu cho hạt điều Bình Phước để "bước trên đại lộ".
Điển hình là Công ty TNHH Vinahe, nhiều năm nay đã dần chuyển hướng chiến lược kinh doanh đối với hạt điều. Theo đó, công ty đã trích 10% sản lượng điều thô để sản xuất, chế biến sâu.
Anh Nguyễn Hoàng Đạt - Giám đốc Công ty TNHH Vinahe xây dựng quy trình sản xuất hết sức nghiêm ngặt và khép kín theo nguyên tắc "đường đi một chiều". Vinahe đã được Hiệp hội bán lẻ Anh cấp giấy chứng nhận quốc tế về quản lý chất lượng quốc tế toàn cầu BRCS; Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn FDA; Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam...
Ngày càng nhiều sản phẩm chế biến sâu về điều ở Bình Phước được ra đời, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Lê Bình.
“Với công suất hiện có, nhiều năm nay, các cơ sở sản xuất điều lớn trên địa bàn tỉnh phải nhập điều thô từ các nước khác về gia công. Tuy nhiên, làm sao để hạt điều Bình Phước có hương vị riêng, có chỗ đứng trên thị trường đúng với giá trị thực tế của nó là điều trăn trở đối với tôi. Bước đầu chuyển hướng kinh doanh, chúng tôi gặp rất nhiều trở ngại từ tài chính, khâu chế biến đến thị trường tiêu dùng”, anh Đạt chia sẻ.
Cũng hoạt động chế biến, sản xuất, kinh doanh hạt điều nhiều năm nhưng từ khi ý thức được giá trị hạt điều Bình Phước, anh Trương Văn Thanh đã chọn cho mình ngã rẽ mới, đó là kinh doanh hạt điều nguyên bản của Bình Phước.
Là Giám đốc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông nghiệp Như Hoàng (huyện Bù Đăng), anh Thanh cho biết, điều Bình Phước được thế giới kiểm định và công nhận là sản phẩm chất lượng nhất, có đặc trưng riêng. Khi khách hàng sử dụng hạt điều Bình Phước sẽ ưa thích chất lượng sản phẩm hơn hạt điều của nước khác trên thế giới.
"Khác biệt hay là chết" là câu nói để tìm sự tồn tại trong thị trường điều khắc nghiệt khi chọn ngã rẽ mới để đưa hạt điều Bình Phước ra thị trường lớn của ông chủ trẻ Công ty TNHH Vinahe.
Hay anh Vũ Mạnh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hạt điều vàng (xã Bù Nho, huyện Phú Riềng) cho rằng, nếu chúng ta xuất khẩu điều thô thì chỉ chấp nhận làm một khâu đầu vào trong quá trình chế biến chuyên sâu của các đối tác, chỉ là cái bóng thầm lặng trên thị trường.
Ngoài tư duy kinh doanh mới thì việc đầu tư khoa học công nghệ cũng là yếu tố để ngành điều Bình Phước bước ra khỏi vùng an toàn bấy lâu nay. Ảnh: Lê Bình.
“Vì vậy, tôi đã xác định xây dựng giá trị thương hiệu theo cách khác, bằng chính sản phẩm hạt điều nguyên liệu ở Bình Phước. Đối với 1 tấn nguyên liệu thô, nếu bán thô thì chỉ bán cho một vài khách hàng và chấp nhận chỉ là khâu nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm của họ. Nhưng khi công ty tôi chế biến hàng triệu sản phẩm chuyên sâu đưa đến tay 1 triệu người tiêu dùng thì sẽ có 1 triệu khách hàng trên thế giới biết đến Bình Phước, biết đến hạt điều Bình Phước. Đây là cách quảng bá hình ảnh sản phẩm, con người Bình Phước một cách tốt nhất”, anh Vũ Mạnh Tùng chia sẻ.
Trước những sức ép ngày càng tăng, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đang xúc tiến xây dựng “Chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam trong tình hình mới” để trình Chính phủ. Trong đó, đề xuất những cơ chế, chính sách nhằm hướng đến 2 mục tiêu: Phát triển mạnh chế biến sâu, giành vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu và phát triển mạnh vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS cho rằng, nhìn ở khía cạnh tích cực, những thách thức hiện tại chính là cơ hội giúp ngành điều Việt Nam có thêm động lực, tập trung nguồn lực cho “cuộc cách mạng” về công nghệ và thiết bị, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sâu trong chế biến điều.