Phát triển điện khí sử dụng thiên nhiên hóa lỏng đảm bảo an ninh năng lượng, tạo cơ hội phát triển dịch vụ và công nghệ liên quan tại Việt Nam.
Tổng công suất đặt nguồn điện đến năm 2030 gấp đôi hiện tại
Quy hoạch điện VIII định hướng phát triển các dự án nhà máy điện dùng nhiên liệu truyền thống chuyển sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với quy mô từ 0% (2020) lên xấp xỉ 22.400MW (2030), chiếm gần 14,9% tổng quy mô nguồn năm 2030. Trong đó, nguồn nhiệt điện khí tự nhiên và LNG chiếm tỷ trọng trên 24%.
Bộ trưởng Bộ Công thương đánh giá, phát triển nhiệt điện khí (tự nhiên và LNG) có vai trò quan trọng để bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
Bởi, nguồn điện này có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung, cung cấp điện cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) giảm phát và ít phát thải CO2.
Đặt biệt, trong bối cảnh phát triển nguồn điện trong nước gặp nhiều thách thức khi nguồn thủy điện hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế; điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh; điện hạt nhân chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, ammoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.
Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất đặt nguồn điện đến năm 2030 là 150-160GW, tức là gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay.
Mở triển vọng ngành công nghiệp khí
Hiện nay, nguồn cung khí nội địa suy giảm, các mỏ khí mới được đưa vào vẫn chưa đủ bù đắp lượng khí thiếu hụt. Do đó, việc nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng để bổ sung nguồn, đáp ứng nhu cầu trong nước là xu hướng tất yếu và cấp thiết.
Theo giới chuyên môn, định hướng sử dụng khí LNG như một nguồn năng lượng mới. Đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống (như dầu mỏ và than đá).
Việc đa dạng hóa nguồn cung cấp giúp giảm rủi ro trong tình hình biến đổi khí hậu; giúp tăng cường sự ổn định năng lượng; mở ra triển vọng ngành công nghiệp khí trong tương lai.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, mục tiêu 22.400MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước đến năm 2030 thể hiện một cam kết mạnh mẽ để phát triển ngành công nghiệp khí LNG trong tương lai. Với mục tiêu này, triển vọng ngành công nghiệp khí LNG tại Việt Nam có thể được coi là rất “sáng”.
“Đầu tư và phát triển các dự án điện khí LNG sẽ tạo ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất và các công ty trong ngành này. Việc sử dụng khí LNG làm nguồn năng lượng sạch giúp giảm lượng khí thải carbon và tác động đến môi trường, đồng thời cung cấp một nguồn năng lượng linh hoạt và ổn định cho hệ thống điện lực quốc gia”, ông Long nói.
Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành công nghiệp khí LNG cũng đồng nghĩa với việc cần xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan, bao gồm các nhà máy khí LNG, hệ thống vận chuyển,và các cơ sở lưu trữ. Điều này tạo ra cơ hội để các công ty trong ngành cung cấp các dịch vụ và công nghệ liên quan đến khí LNG.
Đón chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam
Ngày 10/7 tới đây, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) sẽ tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên. Ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết, lô hàng 70.000 tấn LNG được tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp) chở từ cảng Bontang (Indonesia) sẽ về đến Kho cảng LNG Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí sạch cho các ngành công nghiệp và an ninh năng lượng tại Việt Nam.
Tập đoàn năng lượng quốc tế Shell – một trong những nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới đã được PV GAS lựa chọn làm nhà cung cấp cho chuyến hàng đặc biệt này.
PV GAS hiện là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG (Quyết định số 01/GCNĐĐK-BCT do Bộ Công thương ban hành ngày 5/5/2023). Đây cũng là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp khí.
Lãnh đạo PV GAS khẳng định, sẽ bám sát Quy hoạch Điện VIII vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tập trung đầu tư và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cho việc kinh doanh LNG. Trong đó, sẽ chú trọng đầu tư trọng điểm theo khu vực: Mở rộng kho LNG Thị Vải tại khu vực Đông Nam Bộ, hợp tác cùng Tập đoàn AES (Mỹ) xây dựng kho LNG Sơn Mỹ - Bình Thuận và nghiên cứu lựa chọn địa điểm để đầu tư kho LNG tại khu vực miền Bắc và Tây Nam Bộ.