• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,46 +8,35/+0,67%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,46   +8,35/+0,67%  |   HNX-INDEX   224,64   +1,07/+0,48%  |   UPCOM-INDEX   92,74   +0,39/+0,43%  |   VN30   1.311,26   +9,74/+0,75%  |   HNX30   479,79   +4,19/+0,88%
29 Tháng Mười Một 2024 10:52:58 CH - Mở cửa
Phát triển ngành tôm bền vững
Nguồn tin: Người Lao động | 01/08/2023 6:00:00 SA
Bên cạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, yếu tố con người được xem là vấn đề cốt lõi quyết định sự phát triển bền vững của ngành tôm tại ĐBSCL
 
Tôm được xem là mặt hàng chủ lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều địa phương ở ĐBSCL. Những năm qua, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đã giúp người dân tăng năng suất và lợi nhuận, song cũng dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng đáng báo động.
 
Bài toán môi trường
 
Cà Mau, Bạc Liêu có hệ thống sông ngòi dày đặc, tiếp giáp với biển và điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng. Hai tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau này có tổng diện tích nuôi tôm trên 440.000 ha, được đánh giá là một trong những vùng "thủ phủ" tôm của cả nước.
 
Những năm gần đây, diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng nhanh đã đặt ra thách thức lớn trong vấn đề bảo vệ môi trường. Thực trạng này không chỉ xảy ra ở Bạc Liêu, Cà Mau mà còn là vấn đề chung đối với các địa phương nuôi tôm trên cả nước.
 
 
Nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao mang lại lợi nhuận, năng suất cao nhưng cũng dễ gây ô nhiễm môi trường
 
Ông Đặng Văn Ngọc, Giám đốc HTX 30 Tháng 4 (tỉnh Bạc Liêu), ví nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao giống như "chơi canh bạc" - người dân có cơ hội đổi đời nhưng cũng dễ trắng tay. Nuôi theo hình thức này, người dân sẽ thả con giống với mật độ cao; việc cho ăn, thay nước nhiều hơn và xử lý chất thải của tôm cũng tốn kém hơn. Thông thường, tôm chỉ hấp thụ khoảng 40% lượng thức ăn, phần còn lại được thải ra bên ngoài. Nếu không đầu tư hệ thống xử lý chất thải đúng quy định sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường.
 
Theo ông Trịnh Minh Mãi, một người nuôi tôm lâu năm ở Bạc Liêu, có thể do thiếu hiểu biết hoặc tiếc tiền mà một bộ phận hộ nuôi ứng dụng công nghệ cao xử lý chất thải không triệt để hoặc xả thẳng ra sông rạch. "Người nuôi theo hình thức quảng canh lấy phải nguồn nước nhiễm mầm bệnh vào vuông tôm sẽ khiến chúng chết hàng loạt, ảnh hưởng đến sinh kế gia đình" - ông lo ngại.
 
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (tỉnh Cà Mau), phân tích việc xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi không đồng bộ; các hộ nuôi nhỏ lẻ, tự phát và không tách biệt được hệ thống cấp - thoát nước… đã làm ô nhiễm môi trường đất và nước.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều, cho rằng môi trường nuôi trồng thủy sản đang bị "xuống cấp" nghiêm trọng, ô nhiễm diễn ra trên diện rộng. Nếu không xử lý dứt điểm, việc này sẽ trở thành mối đe dọa tiềm ẩn trong tương lai.
 
"Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều văn bản để quản lý môi trường trong phát triển ngành tôm; đồng thời yêu cầu các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế - xã hội; phát triển ngành tôm phải đi đôi với bảo vệ môi trường" - ông Phạm Văn Thiều khẳng định.
 
Tập hợp hộ nuôi
 
Từ thực tiễn cùng những trăn trở của chính quyền địa phương cũng như người dân và doanh nghiệp, nhiều chuyên gia thủy sản khuyến cáo các hộ nuôi tôm cần lựa chọn con giống chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh cao. Bên cạnh việc áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình nuôi, nghiên cứu tận dụng nước thải từ ao tôm để nuôi các loài khác..., yếu tố con người được xem là vấn đề cốt lõi quyết định sự phát triển bền vững của ngành tôm tại ĐBSCL và cả nước nói chung.
 
Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nêu thực trạng ngành tôm Việt Nam đang đối mặt việc đánh mất vị thế trên thị trường thế giới do tỉ lệ nuôi thành công thấp, giá thành cao, sản phẩm nhiễm kháng sinh. Theo ông Lê Văn Quang, nếu không thay đổi một cách triệt để thì ngành tôm nước ta sẽ tiếp tục suy thoái, thậm chí khó tồn tại. Hiện nay, mô hình nuôi tôm công nghệ vi sinh được xem là có nhiều ưu điểm vượt trội, như: giá thành thấp, lợi nhuận cao, khả năng cân bằng môi trường tốt.
 
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đánh giá tình trạng thủy lợi và quản lý nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản hiện còn nhiều bất cập. Nuôi tôm siêu thâm canh cho sản lượng cao nhưng cũng là mối nguy hại cực lớn cho môi trường do thiếu quy hoạch bài bản, thiếu cơ chế, chính sách để tập hợp người nuôi.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị các bộ, ngành trung ương thực hiện dự án thí điểm tập hợp tất cả hộ nuôi tôm công nghệ cao ở địa phương lại một khu vực để thuận lợi trong việc quản lý. Qua đó, những trường hợp vi phạm về môi trường sẽ được phát hiện và xử lý kịp thời, giúp ngành tôm phát triển bền vững. 
 
Phối hợp "4 nhà"
 
Tại hội thảo "Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm" tổ chức ở Bạc Liêu mới đây, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng muốn ngành tôm phát triển bền vững, trước tiên phải thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Khi người dân đồng tình, ủng hộ, phối hợp cùng các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhà khoa học thì ngành tôm mới phát triển bền vững, gắn với việc bảo vệ môi trường.
 
"Tôi đề nghị các địa phương cần nghiên cứu thành lập hiệp hội ngành hàng tôm ở ĐBSCL với sự tham gia của "4 nhà" - nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp - để hỗ trợ, chia sẻ và cùng phát triển" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
 
Bài và ảnh: VÂN DU