Cảm hứng từ phiên chào sàn Nasdaq đêm của cổ phiếu Vinfast đã “thổi” giá VIC tăng kịch trần ngay lúc mở cửa tại thị trường trong nước. Ảnh hưởng vốn hóa của VIC là rất lớn, chiếm tới 4,9 điểm trong tổng mức tăng 7,44 điểm của VN-Index. Phần còn lại của thị trường cân bằng, thậm chí số giảm giá còn nhỉnh hơn...
Cổ phiếu blue-chips sáng nay tăng nhiều về số lượng nhưng biên độ thì không đồng đều.
Cảm hứng từ phiên chào sàn Nasdaq đêm của cổ phiếu Vinfast đã “thổi” giá VIC tăng kịch trần ngay lúc mở cửa tại thị trường trong nước. Ảnh hưởng vốn hóa của VIC là rất lớn, chiếm tới 4,9 điểm trong tổng mức tăng 7,44 điểm của VN-Index. Phần còn lại của thị trường cân bằng, thậm chí số giảm giá còn nhỉnh hơn.
Nhóm cổ phiếu blue-chips sáng nay giao dịch tích cực trở lại, nhưng ngoại trừ VIC, chỉ vài mã là mạnh. TCB tăng 3,23%, VHM tăng 1,46%, VRE tăng 1,12%, STB tăng 2,54%, FPT tăng 1,19% là các mã duy nhất còn lại đáng chú ý.
Tuy độ rộng VN30 lúc chốt phiên sáng tích cực với 19 mã tăng/9 mã giảm nhưng biên độ tăng là giới hạn. Các trụ khác như GAS, VNM, BID, VCB, CTG… đề tăng kém. Đó là lý do tại sao độ rộng rất khá nhưng chỉ số VN30-Index chỉ tăng 0,89%. Lực kéo chủ đạo đến từ 5 cổ phiếu là VIC, TCB, STB, FPT và VHM với khoảng 11,6 điểm, trong khi tổng mức tăng của VN30-Index là 11,01 điểm.
VIC hiện đang chốt ở giá kịch trần với thanh khoản tới hơn 1.070 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với sáng hôm qua. Tổng giá trị khớp sàn HoSE sáng nay đạt gần 9.155 tỷ đồng, tăng 8% so với sáng hôm qua và con số tăng tuyệt đối khoảng 696,7 tỷ đồng thì mức tăng thanh khoản của riêng VIC là 624,4 tỷ đồng. Nói cách khác, VIC đang đỡ không chỉ điểm số mà còn cả thanh khoản, phần còn lại của thị trường giao dịch gần như vô hiệu lẫn nhau và dòng tiền không tăng.
Độ rộng tổng thể của VN-Index phiên sáng ghi nhận 198 mã tăng/233 mã giảm, tuy nhiên chỉ có 44 cổ phiếu đang tăng được hơn 1%. Ngoài VIC và 5 cổ phiếu thuộc VN30 kể trên, số ít cổ phiếu khác có thanh khoản tốt là VIX tăng 3,21%, giao dịch 298,7 tỷ đồng; EIB tăng 2,02% với 148 tỷ; PVD tăng 1,76% với 92,8 tỷ; CTD tăng 1,49% với 46,3 tỷ; DXS tăng 3,03% với 32,4 tỷ; TTF tăng 3,23% với 32 tỷ.
Thị trường sáng nay có ảnh hưởng rất rõ từ sự phục hồi ở nhóm blue-chips. Dù VIC tăng kịch trần ngay lúc mở cửa, nhưng đến tận 10h số cổ phiếu giảm giá trong VN-Index vẫn nhiều gấp đôi số tăng. Chỉ khi nhóm blue-chips đảo chiều về độ rộng, phần nào giảm ảnh hưởng của VIC thì độ rộng mới cải thiện. Diễn biến này phần nào thể hiện sự thận trọng của nhà đầu tư trước diễn biến VIC tăng quá nóng.
Vn-Index đã chững đà tăng trong nửa sau phiên sáng.
Dù vậy độ rộng cũng thể hiện đà tăng giá lan tỏa theo thời gian. VIC do đã kịch trần ngay từ đầu nên sức tăng của các mã khác mới kéo VN-Index lên dần được. Từ khoảng 10h20 trở đi, VN-Index đạt đỉnh và đi ngang đến hết phiên sáng. Hầu hết các cổ phiếu blue-chips cũng đã đạt ngưỡng tăng tối đa trong buổi sáng nên không thể kéo điểm số thêm. Thống kê trong nhóm VN30, hiện chỉ còn duy nhất TPB và VIC là chốt ở giá cao nhất, tất cả 28 mã còn lại đều tụt xuống với biên độ khác nhau. Một số đang bị ép xuống khá mạnh như VHM còn tăng 1,46% so với tham chiếu, thấp hơn giá đỉnh khoảng 2,34%; VRE còn tăng 1,12%, đã tụt mất 1,1%; STB còn tăng 2,54%, tụt 1,52%. Số khác như HPG, MWG, SHB, VJC tụt đủ nhiều để rơi qua tham chiếu.
Trên toàn sàn HoSE cũng chỉ còn 33 cổ phiếu đang tăng giá và chốt được ở mức cao nhất phiên sáng. Trong đó chỉ 5 mã đạt thanh khoản trên 10 tỷ đồng, bao gồm cả VIC. Hiện VN-Index đang đi ngang ở vùng điểm số cao của phiên sáng nhưng cổ phiếu tụt giá trên diện rộng. Đó có thể là tín hiệu về khả năng đẩy giá đã tạm thời đạt đến điểm cân bằng, bất chấp chỉ số vẫn chưa thể hiện mức tụt điểm đáng kể do còn trụ đỡ. Khoảng 40% cổ phiếu có phát sinh giao dịch trên HoSE sáng nay đã trượt giá xuống với biên độ hơn 1%.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay mua khá nhiều VIC và VRE, tương ứng 30,5 tỷ và 38,5 tỷ đồng ròng. Đây cũng là hai mã duy nhất đáng kể, cổ phiếu được mua ròng lớn thứ 3 trên sàn HoSE là HSG chỉ chưa tới 7 tỷ đồng. Ngược lại phía bán khá mạnh, VPB -30,2 tỷ, VHM -23,3 tỷ, MSN -22,7 tỷ, HPG -14,4 tỷ, KDH -13,9 tỷ. Tổng giá trị bán ròng đạt 160,9 tỷ đồng.
Kim Phong