Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, tiền mặt tại PTS Nghệ Tĩnh chỉ còn khoảng 39 triệu đồng. Doanh nghiệp đang chịu áp lực về thanh khoản khi nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn hơn 49 tỉ đồng.
CTCP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh (PTS Nghệ Tĩnh, UPCoM:
PTX) vừa công bố báo cáo tài chính tổng hợp giữa niên độ đã được soát xét cho kỳ kế toán từ ngày 1.1.2023 đến 30.6.2023.
Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, PTS Nghệ Tĩnh ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.031 tỉ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kì. Nhìn vào cơ cấu doanh thu có thể thấy, chiếm phần lớn là doanh thu bán xăng dầu chính với 936 tỉ đồng, tiếp đó là doanh thu dịch vụ vận tải đường bộ gần 64 tỉ đồng, doanh thu Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe gần 20 tỉ đồng..
Trong kỳ, giá vốn bán hàng PTS Nghệ Tĩnh đạt 966 tỉ đồng, góp phần giúp doanh nghiệp báo lãi gộp hơn 64 tỉ đồng, giảm 4 tỉ đồng so với cùng kì năm 2022. Doanh thu hoạt động tài chính tại PTS Nghệ Tĩnh không đáng kể. Chi phí tài chính gần 3 tỉ đồng, chi phí bán hàng xấp xỉ 39 tỉ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 16 tỉ đồng.
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023, PTS Nghệ Tĩnh báo lãi sau thuế 5 tỉ đồng, trong khi kì trước đó lãi hơn 7 tỉ đồng.
Cổ phiếu PTX của CTCP Vận tải và dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh không bằng giá 1 ly trà đá hiện nay. Ảnh: Chụp màn hình.
Tại ngày 30.6.2023, tổng tài sản PTS Nghệ Tĩnh đạt gần 248 tỉ đồng, tăng thêm khoảng 48 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Biến động này đến từ việc các khoản phải thu ngắn hạn của công ty tăng mạnh từ 21 tỉ đồng lên hơn 83 tỉ đồng.
Chiếm phần lớn các khoản phải thu ngắn hạn của PTS Nghệ Tĩnh là phải thu ngắn hạn của khách hàng với 73 tỉ đồng (hồi đầu năm 11 tỉ đồng).
Ở chiều ngược lại, tiền và các khoản tương đương tiền tại PTS Nghệ Tĩnh “bốc hơi” 61%, khi giảm từ gần 23 tỉ đồng về còn hơn 9 tỉ đồng. Trong đó, tiền mặt công ty vỏn vẹn hơn 39 triệu đồng (tại ngày 1.1.2023 gần 14 tỉ đồng).
Tại ngày 30.6.2023, tiền mặt tại Petrolimex Nghệ Tĩnh còn 39 triệu đồng. Ảnh: chụp màn hình.
Hàng tồn kho PTS Nghệ Tĩnh khoảng 19 tỉ đồng, tăng thêm 1 tỉ đồng sau 6 tháng.
Phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả PTS Nghệ Tĩnh còn 166 tỉ đồng, tăng thêm khoảng 50 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Chủ yếu là nợ ngắn hạn với 164 tỉ đồng, vượt tài sản ngắn hạn (115 tỉ đồng) đến 49 tỉ đồng. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang gặp áp lực về thanh khoản khi hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại PTS Nghệ Tĩnh là 0,71%.
Theo lý thuyết, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.
Tuy nhiên, dù nợ phải trả lên đến hàng trăm tỉ đồng, song nợ vay tài chính của PTS Nghệ Tĩnh lại không đáng kể với chỉ gần 4 tỉ đồng.
Được biết, CTCP Vận tải và dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh là thành viên của Petrolimex Việt Nam. Doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở chính tại xóm 13, xã Nghi Kim, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.
Tính tại ngày 30.6.2023, vốn điều lệ PTS Nghệ Tĩnh đạt 58,4 tỉ đồng, trong đó Tổng công ty Dịch vụ Xăng dầu Petrolimex nắm giữ đến 51% vốn điều lệ. Ông Hoàng Công Thành đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT công ty; ông Mạnh Xuân Hùng giữ chức vụ giám đốc.
Theo báo cáo thương niên năm 2022 của công ty, doanh nghiệp có địa bàn kinh doanh tập trung tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, khu vực Bắc Trung Bộ và tái suất sang lào.
Đáng chú ý, là doanh nghiệp xăng dầu có doanh thu lên đến nghìn tỉ đồng mỗi năm, thế nhưng cổ phiếu
PTX của CTCP Vận tải và dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh hiện đang giao dịch ở mức 1.200 đồng/cổ phiếu, không bằng một cốc trà đá trên thị trường hiện nay.