Tín hiệu tích cực từ thị trường khi giá tôm được dự báo có xu hướng tăng từ nay đến đầu quý I/2024 được xem động lực giúp người nuôi tôm tại Hà Tĩnh hăng hái thả nuôi vụ tôm thu - đông.
Thời điểm này, tại các khu nuôi tôm thương phẩm quy mô lớn của huyện Nghi Xuân, nhiều doanh nghiệp, HTX, người nuôi tôm bắt đầu sửa sang lại hệ thống ao hồ để thả nuôi vụ mới. Anh Hồ Quang Dũng - Giám đốc kỹ thuật HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (xã Xuân Phổ, Nghi Xuân) cho hay: “Qua theo dõi tín hiệu từ thị trường, sau nhiều tháng giảm mạnh thì nay giá tôm thẻ nguyên liệu ở các tỉnh miền Nam bắt đầu tăng trở lại, tác động tích cực đến thị trường cả nước. Vì thế, HTX vẫn mạnh dạn đầu tư thả hơn 5 triệu con giống trong vụ nuôi này”.
Các chủ đầm tôm tại huyện Nghi Xuân kiểm tra lại hệ thống ao hồ để thả nuôi vụ mới.
Theo thông tin từ phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân, diện tích thả tôm nuôi vụ thu - đông tại địa phương dự kiến đạt khoảng gần 40 ha, chủ yếu tập trung ở các vùng nuôi trên cát như: Cương Gián, Cổ Đạm, Xuân Phổ… do các khu vực này tránh được mưa lũ, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, công nghệ, hệ thống ao đầm cho phép thâm canh cao.
Tại Kỳ Anh, để “kích cầu” người dân đầu tư chuyển mạnh sang hướng nuôi tôm thâm canh, từ năm 2021, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-HĐND, trong đó hỗ trợ vỗ bờ bằng xi măng (từ 50 - 100 triệu đồng/mô hình), tạo động lực lớn cho vụ nuôi thu - đông 2023.
Anh Nguyễn Ngọc Mưu (xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh) chia sẻ: “Hiện nay, công tác chuẩn bị về nguồn giống, thức ăn đã sẵn sàng. Tôi đang chờ nguồn nước được xử lý xong sẽ tiến hành thả 10 vạn con giống trên diện tích hơn 1 ha. Nhờ được huyện hỗ trợ đầu tư, cải tạo hạ tầng nên vụ nuôi thu - đông năm nay nhiều hộ tại vùng nuôi Ngọn Rào mạnh dạn thả giống với hi vọng đón thị trường cuối năm thuận lợi, giá bán cao”.
Cải tạo hạ tầng vùng nuôi tôm thuộc xã Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh).
Để đảm bảo né tránh thiên tai và ảnh hưởng bất lợi của thời tiết trong vụ thu - đông, việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao ngày càng được người nuôi tôm Hà Tĩnh quan tâm. Nhiều quy trình, công nghệ mới trong nuôi tôm như: quy trình biofloc, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi công nghệ lọc tuần hoàn, nuôi trong nhà kín, nuôi trong bể tròn nổi... kết hợp với đầu tư nâng cấp hạ tầng có thể cho năng suất đạt từ 20 - 40 tấn/ha/vụ, cao hơn so với nuôi tôm thâm canh trong ao đất lót bạt gấp 2 - 3 lần, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích ngày càng được người dân ứng dụng và mở rộng diện tích.
Anh Dương Quốc Khánh - hộ nuôi tôm tại vùng Đồng Ghè (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Thực hiện nuôi tôm 3 giai đoạn, sử dụng công nghệ vi sinh và lọc nước tuần hoàn trong bể tròn có mái che cho phép tôm nuôi phát triển tốt vào vụ thu - đông. Chúng tôi dự kiến sau đợt thu hoạch này (khoảng 50 ngày nữa) sẽ tiếp tục thả khoảng 40 - 70 vạn con giống để có thể xuất bán vào các tháng đầu năm sau, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ vi sinh và lọc nước tuần hoàn của anh Dương Quốc Khánh (TP Hà Tĩnh) hạn chế ảnh hưởng của môi trường đối với con tôm.
Theo đánh giá của người nuôi tôm, sau thời gian đối diện với tình hình ảm đạm, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam đang dần hồi phục với lượng đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu tăng trở lại. Bên cạnh đó, các hợp đồng với giá trị lớn cũng được ký kết, chủ yếu từ các nhà nhập khẩu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc..., giúp thị trường khởi sắc trở lại.
Hiện nay, có 3 yếu tố tích cực đẩy giá bán tăng lên trong thời gian tới là hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu giảm do lạm phát hạ nhiệt; nhu cầu đặt hàng tăng nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm; nguồn cung thế giới giảm khi các nước như: Ecuador, Malaysia… kết thúc thu hoạch tôm chính vụ.
Theo ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có hơn 500 - 600 ha diện tích đủ điều kiện để thả nuôi vụ thu - đông. Qua khảo sát, người nuôi khá mạnh dạn đầu tư cho vụ này vì thị trường xuất khẩu đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc, giá bán tôm tăng lên. Tuy nhiên, do thời vụ nuôi trồng thường bắt đầu từ cuối tháng 8 đến tháng 2 năm sau, phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, tính rủi ro cao do biến đổi phức tạp của thời tiết, mưa lũ bất thường, ngành chuyên môn khuyến cáo chỉ nên thả nuôi quy mô ở các vùng thâm canh trên cát, vùng tránh được lũ, có hệ thống hạ tầng tốt, chủ động tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Cùng đó, các hộ nuôi phải chú trọng chất lượng, nguồn gốc con giống; thực hiện thả tôm trong ao dưỡng để đạt kích cỡ an toàn rồi mới cho ra môi trường tự nhiên, nuôi giống mật độ thưa hơn so với vụ xuân - hè; đảm bảo các biện pháp quản lý môi trường và bảo vệ tôm nuôi, công trình phụ trợ trong thời gian mưa lũ.