Qua gần 8 tháng của năm 2023, ngành gỗ và lâm sản mới đạt giá trị xuất khẩu 7,78 tỷ USD, như vậy chỉ còn thời gian ngắn để đạt được mục tiêu 17 tỷ USD đề ra. Nguyên nhân khiến xuất khẩu gỗ chưa thể phục hồi là do sự sụt giảm mạnh từ các thị trường chủ yếu như: Hoa Kỳ, EU,… cùng với tình hình địa chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến vấn đề logistics cũng như giá nguyên liệu, vật tư đầu vào.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Giá trị xuất khẩu lâm sản 7 tháng năm 2023 cả nước ước đạt 7,78 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,21 tỷ USD, giảm 26,2% (sản phẩm gỗ 4,81 tỷ USD, giảm 30%; gỗ nguyên liệu 2,39 tỷ USD, giảm 14,2%; lâm sản ngoài gỗ 580 triệu USD, giảm 15,4%). Thị trường chính của xuất khẩu gỗ Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu và Hàn Quốc. Tổng giá trị xuất khẩu sang 5 thị trường này trong 7 tháng đầu năm ước đạt 5,44 tỷ USD, chiếm 89% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Theo TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Tổ chức Forest Trends, trong 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của khối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều giảm so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, doanh nghiệp FDI giảm 32,5%; doanh nghiệp Việt giảm 22,4%.
Phân tích rõ hơn về những khó khăn ngành gỗ xuất khẩu đang phải đối mặt, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nguyên nhân của việc sụt giảm giá trị xuất khẩu lâm sản trong 7 tháng năm 2023 chủ yếu do lạm phát tăng cao tại một số quốc gia nhập khẩu lâm sản chính như: Hoa Kỳ, EU,… điều này dẫn đến việc các quốc gia này triển khai nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm những vật dụng không thiết yếu, trong đó có sản phẩm từ lâm sản. Trong khi đó, giá dăm gỗ đã giảm từ 195 USD/tấn trong năm 2022 xuống 135 USD/tấn; giá viên nén giảm mạnh từ 180 USD/tấn xuống còn 100 USD/tấn. Điều này cũng góp phần làm sụt giảm giá trị xuất khẩu lâm sản.
Mở rộng hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, một nguyên nhân nữa cũng khiến xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm bị ảnh hưởng mạnh là do tác động của xung đột địa chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến vấn đề logistics cũng như giá nguyên liệu, vật tư đầu vào. Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ cũng như phòng vệ thương mại của các quốc gia tiếp tục phát huy nhằm bảo hộ cho các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước phần nào ảnh hưởng đến thương mại gỗ của nước ta.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, tần suất ngành gỗ đối diện với các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng nhiều. Từ 2015 tới năm 2019, ngành gỗ đối diện với 2 vụ việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc. Từ năm 2020 tới nay, ngành gỗ đã đối diện với 5 vụ việc: 4 vụ việc xuất phát từ thị trường Hoa Kỳ (vụ việc 301, gỗ dán cứng, tủ gỗ, sản phẩm sử dụng mặt đá nhập từ Trung Quốc); 1 vụ việc xuất phát từ thị trường Canada. Chính phủ Nhật Bản cũng yêu cầu mọi sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này phải có chứng chỉ rừng bền vững. Thị trường Đức áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, cũng tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Không chỉ chịu tác động từ bên ngoài, nhiều khó khăn của nội tại ngành gỗ cũng đang tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu gỗ trong thời gian qua. Cụ thể, một số làng nghề gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như chuyển đổi sử dụng gỗ từ rừng trồng để thay thế nguồn gỗ nhập từ rừng tự nhiên cũng như gỗ nhập khẩu từ các nguồn có nguy cơ rủi ro...
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến TPHCM (HAWA), thời gian qua, trong những giải pháp để ứng phó với sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính, ngành chế biến gỗ đã chứng kiến một đợt dịch chuyển mới, có thể gọi là mở rộng biên độ kinh doanh. Theo đó, các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Đặc biệt phải kể đến thị trường của các nước siêu giàu ở Trung Đông như Arab Saudi, Dubai để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới. Với nội lực của ngành chế biến gỗ, mục tiêu xuất khẩu của năm 2023 hoàn toàn có thể đạt được bởi đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại thời gian gần đây.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho rằng, hiện ngành gỗ chỉ mới đạt khoảng mục tiêu 46% xuất khẩu của năm 2023. Thời gian tới, cũng như các ngành khác, ngành chế biến gỗ vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Để đạt được mục tiêu 17 tỷ USD đề ra, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các Hiệp hội tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, quy hoạch rừng trồng gỗ lớn, quy hoạch các khu lâm nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh cho ngành chế biến gỗ…
Xuân Thảo