Chứng khoán châu Á khởi đầu tuần mới với tâm lý thận trọng, khi giới đầu tư chờ đợi những số liệu lạm phát của Mỹ và Trung Quốc dự kiến được công bố trong tuần này.
Bảng chỉ số chứng khoán tại Ngân hàng Hana ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh tư liệu: Yonhap/TTXVN
Sáng 7/8, chứng khoán Nhật Bản giảm gần 1% khi mở cửa sau khi chứng khoán Phố Wall trượt dốc vào cuối tuần trước do số liệu thị trường lao động Mỹ yếu hơn dự kiến. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 0,97% (tương đương 313,17 điểm) xuống 31.879,58 vào đầu phiên giao dịch.
Các chỉ số chính tại Trung Quốc cũng đi xuống khi khởi động phiên giao dịch 7/8. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 0,33% (64,80 điểm) xuống 19.474,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,34% (11,31 điểm) xuống 3.276,78 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ hơn các thị trường nêu trên trong sáng 7/8, với chỉ số Kospi tại Seoul giảm 0,16% (4,23 điểm) xuống 2.598,57 điểm trong 15 phút giao dịch đầu tiên.
Phiên này, chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) giảm nhẹ sau khi đã mất tới 2,3% trong tuần trước.
Thị trường sẽ dành nhiều chú ý tới báo cáo giá tiêu dùng của Mỹ dự kiến được công bố vào thứ Tư (ngày 9/8 theo giờ địa phương). Giới chuyên gia nhận định bản báo cáo sẽ cho thấy lạm phát toàn phần của Mỹ tăng nhẹ lên mức 3,3% hàng năm, nhưng lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) nhiều khả năng giảm xuống 4,7%.
Hiện thị trường dự kiến chỉ có 12% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng Chín và 24% cơ hội về một đợt tăng vào cuối năm. Tuy nhiên, nhà kinh tế Michael Gapen tại ngân hàng Bank of America cảnh báo thị trường vẫn đang kỳ vọng quá nhiều vào triển vọng Fed nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm tới dựa trên những số liệu kinh tế khả quan gần đây.
Ông Gapen cho hay ông mong đợi kinh tế Mỹ sẽ có một “cuộc hạ cánh nhẹ nhàng”, chứ không phải suy thoái nhẹ như dự đoán trước đây. Nhà kinh tế của BofA nói thêm rằng dù thị trường dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 120 - 160 điểm cơ bản vào năm 2024, song ông dự kiến con số đó chỉ khoảng 75 điểm cơ bản. Đơn giản là vì không có nhiều lý do để Fed nhanh chóng chuyển hướng sang cắt giảm lãi suất vào năm tới, khi tăng trưởng tiếp tục khả quan và tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Đối với Trung Quốc, thị trường đang tìm kiếm những dấu hiệu mới về tình trạng giảm phát của nước này. Giá tiêu dùng của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm khoảng 0,5% trong khi giá sản xuất giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại thị trường trong nước, vào lúc 10 giờ 15 phút phiên sáng ngày 7/8, chỉ số VN-Index tăng 10,89 điểm (0,89%) lên 1.236,87 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 2,37 điểm (0,98%) lên 244,78 điểm.