Thái Lan đã sẵn sàng đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực khi đã sản xuất đủ các mặt hàng như gạo, sắn, dầu cọ, thịt lợn, thịt gà và trứng.
Ông Chanthanon Wannakhajorn, Tổng thư ký Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp (OAE) của Thái Lan, tự tin rằng quốc gia Đông Nam Á này đã sẵn sàng đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực khi đã sản xuất đủ các mặt hàng như gạo, sắn, dầu cọ, thịt lợn, thịt gà và trứng.
Gạo được bày bán tại cửa hàng ở Narathiwat, miền nam Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ông Chanthanon cho biết Thái Lan đã thể hiện sự sẵn sàng của mình bằng việc thiết lập các hệ thống thông qua Hội đồng Lương thực Quốc gia (NFC), cơ quan chịu trách nhiệm chỉ đạo chính sách lương thực của quốc gia. Từ đó, Thái Lan sẽ biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu nông sản và thực phẩm nhiều hơn.
Từ tháng 1-3/2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản và cao su thiên nhiên của Thái Lan sang các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác đạt 148,736 tỷ baht (4,3 tỷ USD), tăng 4,18% so với con số 101,062 tỷ baht của cùng kỳ năm trước.
Ông Chanthanon cho biết Thái Lan vẫn đang duy trì hoạt động xuất khẩu nông sản tốt, đồng thời hưởng lợi từ việc giá các mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến tăng. Địa hình thuận lợi của Thái Lan có lợi cho nông nghiệp, đảm bảo mức độ an ninh lương thực cao và tạo điều kiện sản xuất cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Cũng theo Tổng thư ký OAE, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đang thực hiện các bước để cải thiện an ninh lương thực bằng cách tạo ra một cơ sở dữ liệu toàn diện. Ngoài ra, OAE đang xây dựng lịch mùa vụ cụ thể cho từng tỉnh. Lịch này sẽ giúp ước tính số lượng và loại nông sản có sẵn mỗi tháng, hỗ trợ quản lý an ninh lương thực trong thời kỳ bình thường cũng như trong giai đoạn khủng hoảng./.