Giá vàng thế giới giảm nhẹ trong phiên 13/9 do đồng USD mạnh hơn, song kỳ vọng Mỹ giữ nguyên lãi suất đã hạn chế đà giảm giá của vàng và có thể giúp kim loại quý này đảo chiều trong thời gian tới.
Điểm tựa cho giá vàng thế giới "lội ngược dòng". Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thế, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.909,83 USD/ounce lúc 0 giờ 51 phút (sáng 14/9 theo giờ Việt Nam). Trước đó cùng phiên, giá vàng đã giảm 0,4% sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám.
Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1% xuống khép phiên ở mức 1.932,50 USD/ounce.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy CPI toàn phần và lõi trong tháng Tám lần lượt tăng 0,6% và 0,3% so với tháng Bảy.
Ông Chris Gaffney, Chủ tịch tại công ty dịch vụ tài chính EverBank World Markets, cho biết số liệu CPI phần lớn phù hợp với kỳ vọng thị trường. Điều này củng cố nhận định Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất ổn định trong cuộc họp ngày 19-20/9 tới và tạo cơ sở nâng đỡ cho giá vàng.
Chuyên gia Gaffney nói thêm nhà đầu tư đang ít lo lắng hơn về lạm phát mà tập trung chủ yếu vào chi phí cơ hội liên quan đến việc nắm giữ vàng trong môi trường lãi suất cao.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Hiện thị trường đang chờ đợi thêm báo cáo về giá sản xuất và doanh số bán lẻ tháng Tám của Mỹ, cũng như quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 14/9 trước khi Fed ra quyết định chính sách tương tự vào ngày 20/9.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 1,2% xuống 22,83 USD/ounce và chạm mức thấp nhất trong 3 tuần, trong khi giá bạch kim giảm 0,9% xuống 901,93 USD/ounce.
Còn tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 14/9, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,95 - 68,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)./.
H. Thủy