Kinh nghiệm từ quốc tế cho thấy: Hình thành thị trường kinh doanh trong thu hồi, sử dụng và lưu trữ khí CO2 vừa tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp vừa đạt được mục tiêu giảm phát khí thải. Do đó, việc tham khảo kinh nghiệm thế giới trong lĩnh vực này là cần thiết để đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành các quy định pháp lý chi tiết, ưu đãi cụ thể đối với các dự án CCUS (thu hồi, sử dụng và lưu trữ khí CO2) tại Việt Nam. (Bài báo của tác giả Nguyễn Anh Tuấn (*) viết riêng cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam).
Để hiện thực hóa các cam kết trong Thỏa thuận Paris 2015 về cắt giảm khí CO2, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng và hoàn thiện luật pháp điều chỉnh các mô hình sản xuất giảm phát khí thải các-bon; thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các quốc gia nhằm mục tiêu giảm phát khí thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Trong đó, có phát triển các dự án CCUS.
Bên cạnh việc ban hành các quy định, kế hoạch, pháp lý chi tiết, các quốc gia còn đưa ra các chính sách hỗ trợ, ưu đãi các dự án CCUS để khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp, công nghệ giảm phát khí thải CO2, quy hoạch và phê duyệt các khu vực, cơ sở hạ tầng vận chuyển, lưu trữ khí CO2; xây dựng hệ thống giám sát an toàn trong việc thu hồi, lưu trữ không để tác động xấu đến môi trường xung quanh.
I. Tổng hợp khung pháp lý, chính sách ưu đãi của một số quốc gia về dự án CCUS:
1. Hoa Kỳ:
Ngày 16/12/2020, Hoa Kỳ thông qua Đạo luật SCALE (Đạo luật lưu trữ CO2 và giảm phát khí thải) nhằm hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, vận chuyển, lưu trữ CO2 và các công nghệ loại bỏ CO2; hỗ trợ thông qua các khoản vay linh hoạt, lãi suất thấp, cũng như các khoản tài trợ của Chính phủ. Quy định và cho phép lưu trữ CO2 ở các giếng loại VI, ở một số tầng địa chất nhất định v.v...
Ngày 16/8/2022, Hoa kỳ thông qua Đạo luật giảm lạm phát năm 2022 (IRA) điều chỉnh Đạo Luật Q45 tài trợ cho các hoạt động sử dụng năng lượng, giảm thiểu khí thải, trong đó tăng hỗ trợ ưu đãi thuế:
- Cho các cơ sở công nghiệp và năng lượng là 85 USD/tấn khí CO2 để lưu trữ vĩnh viễn so với mức trước đó là 50 USD/tấn.
- Cho hoạt động tăng cường thu hồi dầu (EOR), hoặc sử dụng khí CO2 trong các ngành công nghiệp khác được hỗ trợ 60 USD/tấn khí CO2 so với mức trước đó là 35 USD/tấn.
- Các dự án thu hồi và lưu trữ carbon vĩnh viễn (DAC) được hỗ trợ 180 USD/tấn.
- Các dự án thu hồi và sử dụng carbon được hỗ trợ 130 USD/tấn.
Ngày 16/9/2022, cơ quan lập pháp bang California thông qua Đạo luật Tăng cường thu hồi dầu và CCUS (SB 1314) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng các công nghệ CCUS, phân loại các giếng dầu có thể bơm khí CO2 để lưu trữ, hoặc tăng cường thu hồi dầu.
Ngày 19/9/2022, cơ quan lập pháp bang California thông qua Khung pháp lý về thu hồi và lưu trữ CO2 (SB 905) yêu cầu Ủy ban Tài nguyên Không khí California (CARB) thiết lập "Chương trình thu hồi, loại bỏ, sử dụng và lưu trữ carbon". Chương trình này sẽ đánh giá các công nghệ CCUS loại bỏ khí CO2 (CDR), quy định rõ trách nhiệm đối với Nhà điều hành kho lưu trữ CO2 về tài chính hoạt động, giám sát và báo cáo của Nhà điều hành với cơ quan của Chính phủ khi có hiện tượng rò rỉ CO2, hoặc tác động địa chấn tới kho lưu trữ…
2. Liên minh châu Âu (EU):
Tháng 3/2023, Ủy ban châu Âu ban hành Đạo luật Công nghiệp phát khí thải bằng 0 (Net Zero) với mục tiêu tổng thể áp dụng hệ thống sản xuất bằng các công nghệ không phát khí thải và sử dụng công nghệ năng lượng sạch chiếm tới 40% đến năm 2030. Đạo luật xác định áp dụng CCUS là một trong 8 công nghệ chiến lược để nâng cao năng lực trong sản xuất và đạt các mục tiêu khí hậu của EU. Do đó, việc cấp phép cho các dự án CCUS được thực hiện ưu tiên, đồng thời đặt mục tiêu đạt công suất thu hồi, lưu trữ 50 triệu tấn CO2 đến năm 2030, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất dầu khí sẽ được yêu cầu đóng góp vào mục tiêu trên.
3. Nhật Bản:
Tháng 1/2023, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã công bố lộ trình dài hạn về triển khai các công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) đến năm 2030.
Cụ thể, lộ trình đặt ra mục tiêu đạt công suất lưu trữ từ 6 - 12 triệu tấn CO2/năm (MtCO2/năm) đến năm 2030 và 120 - 240 MtCO2/năm đến năm 2050.
Năm 2015, Nhật Bản đã xây dựng một trung tâm lưu trữ và năm 2016 bắt đầu bơm CO2. Đến tháng 11/2019, trung tâm này đã đạt sản lượng lưu trữ là 300.000 tấn. Hiện nay, Nhật Bản đang xây dựng môi trường kinh doanh để phục vụ cho các dự án CCUS có quy mô từ năm 2030 thông qua các biện pháp như: Hỗ trợ của Chính phủ, giảm chi phí, hiểu biết về khách hàng, quảng bá dự án CCS ở nước ngoài, phát triển pháp lý đầu tư, cân nhắc xây dựng Luật kinh doanh CCS.
4. Trung Quốc:
Năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã ban hành Kế hoạch Chương trình đặc biệt về đổi mới Khoa học và Công nghệ nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Kế hoạch đề ra các mục tiêu phát triển nhiều công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon có quy mô lớn, chi phí thấp để nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Trong đó, tập trung vào cải thiện hiệu suất vật liệu và hiệu quả năng lượng trong công nghệ thu giữ CO2, thiết lập chuỗi kết nối nguồn - nơi chứa CO2, hoàn thiện hệ thống vận chuyển CO2 bằng đường ống; xây dựng và đánh giá hệ thống lưu trữ an toàn CO2.
Năm 2016, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đã ban hành "Hướng dẫn kỹ thuật để đánh giá rủi ro môi trường trong việc thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon dioxide". Từ Hướng dẫn này, các doanh nghiệp có thể đánh giá tác động môi trường và thực hiện lưu trữ CO2 với mức độ an toàn nhất trong các kho lưu trữ dưới lòng đất.
5. Malaysia:
Năm 2023, Chính phủ Malaysia đề xuất cơ chế ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp thực hiện thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) để hạn chế lượng khí thải CO2 đó là:
- Các doanh nghiệp thực hiện hoạt động CCS nội bộ sẽ được miễn thuế đầu tư 100% trong 10 năm, miễn thuế nhập khẩu và thuế bán hàng đối với thiết bị được sử dụng cho công nghệ CCS từ năm 2023 đến 2027 và khấu trừ thuế trong vòng 5 năm kể từ ngày bắt đầu hoạt động.
- Các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ CCS sẽ được miễn thuế đầu tư 100% trong 10 năm, miễn thuế nhập khẩu và thuế bán hàng đối với thiết bị cho công nghệ CCS từ năm 2023 đến 2027 và miễn thuế 70% đối với thu nhập trong 10 năm.
Ngoài ra, một khoản khấu trừ thuế cũng được đưa ra cho phí dịch vụ phát sinh.
6. Indonesia:
Tháng 3/2023, Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia đã hoàn thiện Khung pháp lý và quy định CCUS trong các hoạt động thăm dò và sản xuất dầu khí. Trong đó, Nhà điều hành trong hợp đồng dầu khí sẽ thực hiện việc phát triển và vận hành kho lưu trữ CO2. Các hoạt động lưu trữ được thực hiện trong các mỏ dầu, khí cạn kiệt. Chính phủ sẽ đảm nhận việc giám sát, quản lý và chịu trách nhiệm lâu dài, nếu dự án dầu khí đóng cửa.
Ngoài ra, còn có các yêu cầu về kỹ thuật, pháp lý để đảm bảo lưu giữ CO2 an toàn và bảo mật. Khung pháp lý này cũng đưa ra một số ưu đãi tín dụng cacbon, kinh doanh có lãi cho cơ sở lưu trữ [1].
Tóm lại, qua tham khảo một số khung pháp lý, ưu đãi của một số quốc gia trên thế giới thấy rằng: Để các dự án CCUS được triển khai và xa hơn là phát triển thị trường kinh doanh CCUS, cần có một khung pháp lý điều chỉnh rõ ràng, chi tiết và những ưu đãi của Chính phủ cho các hoạt động thu hồi, vận chuyển, cũng như các quy định về địa điểm lưu trữ.
Thị trường kinh doanh về thu hồi, lưu trữ khí CO2 là rất lớn, phạm vi hoạt động rộng khắp thế giới và ngày càng sôi động - trở thành một cơ hội kinh doanh đối với các doanh nghiệp có chiến lược dài hạn. Việc giảm, thu hồi khí thải CO2 trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp xả khí thải trở thành yêu cầu của các quốc gia trên thế giới bởi cam kết ràng buộc trong Thỏa thuận Paris 2015.
II. Một số đề xuất để thực hiện và phát triển dự án CCUS tại Việt Nam:
1. Với Chính phủ và các bộ liên quan:
Thứ nhất: Xây dựng các quy định luật pháp về thu hồi, sử dụng và lưu trữ khí CO2:
Các quốc gia cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris đều xây dựng khung pháp lý để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện triển khai các dự án CCUS. Việc thu hồi khí CO2 ở các doanh nghiệp có nguồn khí thải là yêu cầu trên cơ sở luật pháp. Còn với các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ thu hồi khí CO2 cũng có căn cứ để triển khai các dịch vụ cung cấp công nghệ thu hồi khí CO2 rồi vận chuyển đến khu vực lưu trữ.
Việt Nam đã ký cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris từ năm 2016, nhưng đến nay chưa có các quy định pháp luật cho các dự án CCUS. Trong Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016 của Chính phủ về kinh doanh khí không điều chỉnh kinh doanh khí CO2 mà khí CO2 lại là mặt hàng kinh doanh của các doanh nghiệp thu hồi và lưu trữ. Để có cơ sở pháp lý thực hiện dự án, Chính phủ cần sớm chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ liên quan như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính… trình Chính phủ khung pháp lý, ưu đãi, kế hoạch, lộ trình cho dự án CCUS. Những vấn đề nào cần Quốc hội thông qua để trở thành Luật thì trình quốc hội. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì trình Thủ tướng ra quyết định.
Nếu cơ sở pháp lý rõ ràng, ưu đãi hợp lý sẽ trở thành chế tài buộc các doanh nghiệp phát khí thải phải thực hiện thu hồi khí thải; doanh nghiệp có vốn sẽ đầu tư công nghệ thực hiện dịch vụ thu hồi khí thải và lưu trữ khí CO2 ở các địa điểm được các cấp có thẩm quyền quy hoạch và phê duyệt. Đây cũng chính là cơ sở để Việt Nam hình thành thị trường dịch vụ thu hồi, lưu trữ, mua bán khí thải CO2, giúp cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đáp ứng mục tiêu cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris 2015.
Thứ hai: Xây dựng kế hoạch thu hồi, sử dụng, lưu trữ khí CO2:
Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành kế hoạch thu hồi, sử dụng, lưu trữ khí CO2 như Nhật Bản và nhiều quốc gia đã xây dựng kế hoạch đến năm 2030, dài hạn đến năm 2050 phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Kế hoạch này nên phân chia ra các giai đoạn nhỏ để phù hợp với các giai đoạn đầu tư cho các doanh nghiệp.
Ví dụ, từ nay đến 2026 xây dựng khung pháp lý cho các dự án CCUS. Từ năm 2026 - 2030 yêu cầu nhà máy nhiệt điện, khu công nghiệp tập trung, nhà máy hóa chất, lọc hóa dầu, các giàn trên biển có họng (flare) đốt khí đồng hành của PVN, PVEP, Vietsovpetro… phải lắp đặt công nghệ thu hồi khí thải CO2 và thông qua các doanh nghiệp dịch vụ thu gom, vận chuyển để bơm vào kho lưu trữ. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa mục tiêu dự kiến mỗi giai đoạn thu hồi và lưu trữ bao nhiêu megaton khí CO2. Mỗi giai đoạn, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ và hưởng ưu đãi như thế nào. Căn cứ vào kế hoạch, giai đoạn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có phương hướng đầu tư công nghệ, thiết bị để thực hiện thu hồi, vận chuyển, tái sử dụng, lưu trữ khí CO2. Trường hợp các doanh nghiệp chậm đầu tư thiết bị thu hồi khí thải theo giai đoạn sẽ phải đóng mức phí môi trường cao hơn.
Thứ ba: Có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp thực hiện dự án CCUS:
Dự án CCUS là quá trình đầu tư dài hạn, bởi công nghệ thu hồi, vận chuyển và lưu trữ khí CO2 đòi hỏi những công nghệ hiện đại, thiết bị chuyên dụng, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài không như những ngành kinh doanh khác. Do đó, cần phân loại các doanh nghiệp tham gia quá trình thu hồi, sử dụng và lưu trữ khí CO2 để có những mức thuế ưu đãi, hỗ trợ như:
- Nhóm doanh nghiệp áp dụng các công nghệ thu hồi để giảm thiểu khí thải CO2 (thép, nhiệt điện, mỏ than, nhà máy lọc hóa dầu, dầu khí...).
- Nhóm doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ để cung cấp các dịch vụ thu hồi, vận chuyển, lưu trữ khí CO2.
- Nhóm doanh nghiệp thu hồi khí CO2 rồi tái sử dụng. Ví dụ như doanh nghiệp dầu khí thu hồi khí CO2 sau đó dùng khí CO2 để bơm ép xuống giếng nâng cao lượng dầu thu được. Hoặc doanh nghiệp sản xuất phân bón, hóa chất sử dụng khí CO2 thu hồi và tái sử dụng vào quá trình sản xuất sản phẩm phân bón, hóa chất.
Bộ Tài chính sẽ xây dựng mức hỗ trợ và ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, mặt nước. Ngân hàng xây dựng các mức ưu đãi cho vay vốn… cho từng giai đoạn cụ thể, cho từng nhóm doanh nghiệp. Như vậy, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư công nghệ, tạo dựng và phát triển thị trường mua bán khí CO2.
Đối với các nguồn phát khí thải khác như các phương tiện giao thông vận tải, các doanh nghiệp, làng nghề sản xuất nhỏ… thải khí CO2 không có điều kiện lắp đặt các thiết bị, công nghệ thu hồi thì Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các mức phí xả thải phải nộp. Số tiền thu được là nguồn hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư dự án CCUS.
Thứ tư: Quy hoạch các khu vực, tầng địa chất có thể lưu trữ khí CO2:
Khu vực lưu trữ là vấn đề khó và là xương sống cho các dự án CCUS. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu và xây dựng hệ thống kho lưu trữ khí CO2 ở các cấu tạo địa chất dưới mặt đất. Các quốc gia đều có quy hoạch các khu vực lưu trữ, quy định các loại giếng khoan dầu khí, các mỏ dầu, khí đã cạn kiệt trên đất liền, hoặc ngoài biển để làm nơi lưu trữ CO2. Để có cơ sở pháp lý lưu trữ CO2, Chính phủ cần giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ liên quan quy hoạch các khu vực cảng, kho, bãi được phép xử lý, vận chuyển, lưu trữ CO2. Việc quy hoạch, quy định rõ những khu vực, tầng địa chất, giếng dầu khí đã cạn kiệt để làm nơi lưu trữ sẽ giúp doanh nghiệp biết và tận dụng những lợi thế, mở ra cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.
2. Với Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP):
Từ thực tiễn ở Hoa Kỳ cho thấy: CCUS là cơ hội kinh doanh rất lớn cho các doanh nghiệp thu hồi, lưu trữ khí cacbon, bởi ước tính thị trường kinh doanh khí CO2 trị giá hàng tỷ USD [2]. Còn ở Việt Nam, cơ hội kinh doanh này không phải ngắn hạn và PVEP sẽ có nhiều lợi thế khi đầu tư dự án CCUS tại các mỏ dầu, khí đã cạn kiệt. Do đó, PVEP nên xem xét và chuẩn bị nắm bắt cơ hội:
Thứ nhất: Xây dựng chiến lược kinh doanh dự án CCUS.
Trong đó, xác định PVEP sẽ tham gia khâu nào trong chuỗi giá trị gia tăng trên thị trường từ thu hồi, xử lý, vận chuyển và lưu trữ khí CO2 phù hợp với nguồn lực tài chính, nhân lực hiện có. Về tiêu thụ sản phẩm khí CO2 thu hồi được, không nên quan niệm chỉ dành cho hoạt động nâng cao tỷ lệ thu hồi dầu, hoặc dành cho lưu trữ mà có thể là nguyên liệu đầu vào cung cấp cho các doanh nghiệp khác trên thị trường, mang lại thêm lợi nhuận cho PVEP khi phát triển mạng lưới khách hàng. Còn với khách hàng tiềm năng tiêu thụ khí CO2, cần xây dựng các nhóm khách hàng không chỉ ở thị trường trong nước mà hướng tới ở cả nước ngoài.
Thứ hai: Về công nghệ thu hồi, xử lý, tái sử dụng khí CO2.
Trên thế giới đã có nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại để thu hồi, xử lý khí CO2 đã được nhiều doanh nghiệp tại Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… đang sử dụng. Việc tái sử dụng khí CO2 để tăng cường thu hồi dầu (EOR) cũng được nhiều doanh nghiệp dầu khí thế giới thực hiện. Do vậy, việc lựa chọn công nghệ tùy thuộc vào hỗ trợ của Nhà nước và khả năng tài chính của PVEP phù hợp với quy mô hoạt động, công suất thiết kế để thu hồi, xử lý, khả năng tái sử dụng khí CO2 và khu vực lưu trữ được phê duyệt.
Thứ ba: Lập quy hoạch bản đồ vị trí, khả năng, công suất lưu trữ của các tầng địa chất, mỏ khí, dầu đã cạn kiệt, hoặc sắp cạn kiệt để có thể làm kho lưu trữ khí CO2.
Sử dụng cơ sở dữ liệu các giếng khoan thăm dò, các giếng phát triển không thành công để xem xét, cân nhắc trở thành các khu vực làm kho lưu trữ khí CO2 và xin phê duyệt của các cấp có thẩm quyền khi có đủ các điều kiện kinh doanh. PVEP có thể tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia về giám sát, kiểm tra kho lưu trữ và các biện pháp để không bị rò rỉ, bảo đảm an toàn cho kho lưu trữ [3] từ đó xây dựng các thông số, dữ liệu riêng phục vụ quản lý các kho lưu trữ tiềm năng.
Thứ tư: Có chương trình đào tạo nhân lực phục vụ cho dự án CCUS.
Đây là một dự án đầu tư nên phải có đội ngũ nhân sự được đào tạo về kỹ thuật, hiểu biết về thị trường, khách hàng. Bên cạnh lựa chọn công nghệ phù hợp và đội ngũ nhân sự có năng lực, cùng với chiến lược kinh doanh rõ ràng, thì PVEP sẽ có khả năng thành công cao đối với dự án CCUS./.