• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 11:58:08 CH - Mở cửa
Chuyển giao dự án điện Ô Môn 3, 4 giữa EVN, PVN - Hiện trạng và thách thức tiếp theo
Nguồn tin: Tạp chí Năng lượng VN | 13/09/2023 7:50:00 SA
Sau gần 3 tháng (kể từ khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/6/2023), việc chuyển giao chủ đầu tư đối với dự án điện Ô Môn 3 và 4 vẫn chưa xong các thủ tục pháp lý. Sự chậm trễ này sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ tổng thể Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn. Bởi khi chưa được chuyển tên chủ đầu tư theo quy định của pháp luật, PVN không có căn cứ để ký kết bất kỳ thỏa thuận thương mại nào trong Chuỗi dự án.
 
Thực tế cho thấy: Nếu thực hiện chuyển chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 theo phương án chuyển nhượng dự án, các bên sẽ phải thực hiện định giá, đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản (năm 2016), Luật Giá (năm 2023) và các quy định khác của pháp luật hiện hành. Theo đó, cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều bắt buộc phải trình các bộ, ngành phê duyệt chủ trương, triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu, tổ chức tư vấn định giá, thẩm định giá, trình phê duyệt giá và thực hiện các thủ tục về đấu giá dự án.
 
Nhưng theo tính toán của PVN, với hiện trạng có tới 45 hợp đồng/gói thầu EVN đã thực hiện cho các dự án này, thời gian hoàn thành các thủ tục và hoàn thành việc chuyển nhượng sẽ mất khoảng từ 2,5 - 3 năm. Với tiến độ này sẽ không đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ ướng Chính phủ.
 
Hiện trạng:
 
Ngày 28/8/2023, EVN đã thông qua thỏa thuận nguyên tắc, sau đó PVN và EVN đã ký kết thỏa thuận và hoàn thiện văn bản trình UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định chuyển chủ đầu tư dự án từ EVN sang PVN. Song song, PVN và các đơn vị liên quan đang đợi hướng dẫn làm rõ thêm từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ UBND TP Cần Thơ sớm ban hành Quyết định chuyển chủ đầu tư hai dự án này.
 
Cập nhật tiến độ cũng cho thấy: Hiện EVN đã thực hiện bàn giao hồ sơ/tài liệu để PVN rà soát, đánh giá tiếp tục thực hiện dự án. PVN, EVN và chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Ô Môn 2 đang phải tiến hành đánh giá, xác định danh mục và quy trình thực hiện các công việc bàn giao tiếp theo. Mặt khác, nghiên cứu phương án phân bổ, chia sẻ chi phí các hạng mục trong Trung tâm Điện lực Ô Môn.
 
Về công tác triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3 và 4, với khối lượng công việc rất lớn, trong khi các thủ tục pháp lý đối với việc chuyển chủ đầu tư vẫn chưa hoàn tất, nên việc đảm bảo tiến độ các dự án này là một thách thức rất lớn đối với PVN.
 
Nhận thức được các nguy cơ tiềm ẩn, hiện nay, PVN đang đánh giá cụ thể tiến độ, cũng như nghiên cứu các đề xuất về cơ chế, chính sách, phương án thực hiện trình cấp có thẩm quyền để có được sự hỗ trợ về thủ tục trong quá trình triển khai dự án, tối ưu và đồng bộ với tiến độ của cả Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn.
 
Đối với dự án Nhiệt điện Ô Môn 4, do tính cấp thiết cần đưa vào vận hành sớm để tiếp nhận khí từ khâu thượng nguồn, nên PVN đang hoàn thiện các thủ tục lựa chọn tư vấn để hiệu chỉnh, cập nhật Báo cáo nghiên cứu khả thi phù hợp với việc PVN là chủ đầu tư, phù hợp với điều kiện hiện tại, làm cơ sở để phê duyệt dự án đầu tư theo quy định. Cùng với đó, PVN cũng đang đánh giá và xây dựng phương án kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp ủy quyền để chủ trì thẩm định, phê duyệt dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 4.
 
Còn đối với dự án Nhiệt điện Ô Môn 3, do chủ trương sẽ sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản nên cần sớm có quyết định chuyển chủ đầu tư chính thức để PVN có cơ sở làm việc với cấp có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến việc sử dụng vốn ODA này và triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo.
 
Như chúng ta đều biết, việc chuyển tên chủ đầu tư sẽ là căn cứ pháp lý để PVN triển khai các công việc tiếp theo của dự án như: Cập nhật Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), tổ chức đấu thầu, ký kết các hợp đồng thương mại mua, bán khí trong Chuỗi. Nhưng tất cả những phạm vi công việc nêu trên đều đang chậm trễ, gây ảnh hưởng lớn tới tiến độ tổng thể cả Chuỗi dự án.
 
 
 
Khi các nhà máy điện Ô Môn 3 và 4 chưa được chuyển tên chủ đầu tư theo quy định của pháp luật, PVN không có căn cứ để ký kết bất kỳ thỏa thuận thương mại nào trong Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn.
 
Những vấn đề cấp thiết:
 
Với những thách thức về cam kết về phát thải ròng về không (Net-Zero) vào năm 2050 theo tinh thần COP26 và xu hướng chuyển dịch năng lượng, có thể thấy: Áp lực về tiến độ Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn đang lớn dần đối với các chủ đầu tư của dự án khâu thượng nguồn, cũng như trung nguồn và hạ nguồn.
 
Đối với PVN, do không chỉ là nhà điều hành khâu thượng nguồn, trung nguồn mà còn được giao làm chủ đầu tư các dự án điện ở hạ nguồn, việc cân đối nguồn lực và thu xếp vốn vay nhằm đạt mục tiêu kép: Hiệu quả kinh tế cao cho các dự án thành phần, cũng như kịp thời đưa chuỗi dự án theo kịp tiến độ để cung ứng khí, điện cho phát triển kinh tế, xã hội.
 
Theo khái toán kinh tế, dự kiến tổng nguồn thu của Chính phủ từ Chuỗi dự án (chưa bao gồm các dự án điện) sẽ khoảng 22 tỷ USD. Tổng nguồn thu của PVN và PVEP và PV GAS sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD. Đây là những con số rất lớn, nhưng do Chuỗi dự án đã chậm trễ tiến độ nhiều năm, vì vậy, theo chúng tôi: Đã đến lúc Thủ tướng Chính phủ cần có một số điều chỉnh về mặt chiến lược và chủ trương.
 
Là tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước, với vai trò và phạm vi hoạt động ngày càng rộng lớn hơn khi trực tiếp tham gia sâu hơn vào các chuỗi dự án điện, tương ứng vai trò tập đoàn năng lượng hàng đầu của đất nước, PVN cần được Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ nhiều hơn nữa để làm tốt hơn vai trò kinh tế, cũng như nhiệm vụ chính trị của mình. Các hỗ trợ này bao gồm những chủ trương, chính sách kịp thời về mô hình đầu tư, về bảo lãnh Chính phủ để thu xếp vốn, về điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô và một số ưu đãi về thuế nhằm giảm tải bớt áp lực cho PVN.
 
Với tính chất Chuỗi, Lô B - Ô Môn là một biến thể của khái niệm kinh tế tuần hoàn - nơi dầu, khí, điện và các nhiên liệu phụ trợ sẽ là các sản phẩm đầu vào của các sản phẩm khác để phát triển kinh tế, cũng như thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam trước những thách thức về chuyển dịch năng lượng và cam kết về biến đổi khí hậu.
 
Cũng vì tính chất Chuỗi, nên chỉ cần một dự án thành phần bế tắc thì cả Chuỗi dự án sẽ không thể triển khai được.
 
Do đó, từ những kiến nghị độc lập của các chuyên gia năng lượng và PVN, từ những đánh giá của các cơ quan tham mưu, hy vọng rằng: Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, các bộ, ngành có liên quan sẽ sớm có các giải pháp và quyết sách đúng đắn để đưa chuỗi dự án này vào khai thác thương mại, với mục tiêu tối thượng là góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế ở khu vực Tây Nam bộ./.