Việt Nam được nhận định là có lợi thế trong việc thu hút các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử, từ đó giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình hoàn thiện chuỗi cung ứng ngành.
Tín hiệu tích cực từ đầu tư và xuất khẩu
Chia sẻ về chuỗi cung ứng ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho hay, chuỗi cung ứng được đầu tư tương đối đầy đủ nhưng mạnh về sản xuất gia công linh kiện, cụm linh kiện.
Theo bà Hương, việc đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam được trải rộng trong hầu hết ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất và gia công linh kiện, phụ kiện, cụm linh kiện và lắp ráp gia công, hoàn thiện sản phẩm. Trong đó, lĩnh vực sản xuất và gia công linh kiện, phụ kiện, cụm linh kiện chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Các dự án gia công lắp ráp sản phẩm hoàn thiện chiếm số lượng ít nhưng số vốn đầu tư lại lớn. Đặc biệt, số lượng dự án và vốn đầu tư vào hạng mục sản xuất gia công linh kiện, phụ kiện, cụm linh kiện gia tăng đáng kể.
Những năm 2013-2014, Việt Nam chủ yếu ghi nhận số vốn đầu tư vào hạng mục gia công lắp ráp thì giai đoạn 2015-2017, Việt Nam lại thu hút được nhiều dự án sản xuất linh phụ kiện lớn. Xu hướng tương tự cũng diễn ra khi giai đoạn 2019 ghi nhận số lượng dự án và quy mô vốn đăng ký ở hạng mục gia công lắp ráp gia tăng, còn những năm sau đó, số lượng dự án đầu tư vào sản xuất linh kiện, cụm linh kiện lại gia tăng. Chẳng hạn, năm 2021, Foxconn đầu tư 453 triệu USD vào nhà máy sản xuất lắp ráp máy tính bảng thì đầu năm 2023, công ty con của Foxconn lại đầu tư 621 triệu USD để sản xuất linh kiện điện tử cho máy tính và bo mạch chủ.
Hiện các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã, đang và sẽ đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng tăng. Nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, Foxconn, Fukang Technology, LG Display.... Ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc Công ty RX Tradex cho hay, cùng với các đối tác và sự hỗ trợ của các cơ quan Chính phủ và các hiệp hội chuyên ngành, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc và luôn nằm trong top đầu các quốc gia được dự đoán sẽ trở thành trung tâm sản xuất, phát triển công nghiệp điện tử của thế giới.
Cùng với thu hút đầu tư, ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam đã liên tục xuất siêu. Năm 2022, xuất siêu 11,24 tỷ USD, chiếm 30,08% tỷ trọng xuất khẩu so với cả nước, đứng thứ 12 trên thế giới về xuất khẩu điện tử. Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 36,2 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm thấp nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu.
Một tín hiệu tích cực nữa là cũng trong 8 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,9%, thấp hơn mức giảm 5,1% của 5 tháng, 4,6% của 6 tháng và 4,3% của 7 tháng. Con số này cho thấy sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện trong năm 2023.
Hỗ trợ bằng chính sách với tính thực thi mạnh
Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đến cuối năm 2022, có trên 200 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung cấp lớp 1, 2, 3 cho Samsung, trong đó có 52 doanh nghiệp lớp 1. Tương tự, LG Việt Nam, Canon Việt Nam cũng có chuỗi cung ứng là các doanh nghiệp Việt Nam khá đông đảo. Canon hiện đã có 176 doanh nghiệp địa phương là nhà cung cấp…
Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI cũng có nhiều hỗ trợ để giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng. Mới đây, Samsung Việt Nam đã khởi động Dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 1 năm 2023 cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên và Vĩnh Phúc. Các chuyên gia tư vấn Việt Nam cùng các chuyên gia tư vấn của Hàn Quốc sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quản lý, sắp xếp môi trường sản xuất; thay đổi cấu trúc dây chuyền, đảm bảo kết nối, minh bạch dữ liệu cân bằng dây chuyền; dự báo từ sớm bất thường phát sinh…
Nhưng nhìn nhận thực tế, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử trong nước còn thiếu và yếu về năng lực, kinh nghiệm, nhất là thiếu nguồn lực lao động có kỹ năng và cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của các nhà sản xuất đứng đầu chuỗi cung ứng.
Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dụng cụ An Mi, Công ty đã nỗ lực tìm kiếm nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng nhà máy công nghệ cao, tuy nhiên, dù liên tục tuyển dụng nhưng hàng năm chỉ có khoảng 30-40% người lao động đạt yêu cầu ngay, còn lại doanh nghiệp phải đào tạo lại. Vì thế, doanh nghiệp đang thiếu nhân viên kỹ thuật có trình độ cao trong lĩnh vực gia công cắt gọt, quản trị nhân sự, điện tử và tự động hóa.
Với những khó khăn như vậy, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp ngành công nghiệp điện tử cần những ưu đãi trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình mới. Cùng với đó là các địa phương phải có kế hoạch phát triển dài hạn, chú trọng tới sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để đưa ra chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực.
Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng, các cơ quan chức năng cần có chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí cần có “ngoại giao đơn hàng” như đã từng làm “ngoại giao vắc xin”; cùng với đó là đẩy mạnh công tác đào tạo nghề trung hạn và dài hạn cho lao động ngành điện tử, có chính sách với tính thực thi mạnh về hỗ trợ nguồn cung tài chính, lãi suất đặc biệt cho khối ngành công nghiệp điện tử; đồng thời rà soát các quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ để doanh nghiệp tiếp cận và triển khai có hiệu quả.