Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay vẫn được đánh giá là khá thách thức trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn khó khăn, chưa thoát khỏi vùng đáy. Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng, tâm lý lạc quan có thể là một yếu tố bất ngờ cho tăng trưởng GDP của Việt Nam trong những tháng cuối năm, tạo sự khởi sắc trong quý IV và sang các tháng đầu năm tới.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý III/2023 của Việt Nam sẽ đạt 5,1%, tăng so với mức 4,1% trong quý II. Ngân hàng này giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 ở mức 5,4% và tăng trưởng GDP được dự báo sẽ phục hồi trong nửa cuối năm sau.
Khó đạt mức tăng trưởng 6,5%
Trong khi đó, tại báo cáo vừa công bố, nhóm phân tích của Ngân hàng UOB đưa ra dự báo động lực tăng trưởng vẫn chậm trong quý III. UOB dự báo tăng trưởng cả năm 2023 là 5,2% và 6% cho năm 2024. Cụ thể, dự kiến tăng trưởng GDP quý III đạt 5,6% và quý IV đạt 7,6%, tăng trưởng 6 tháng cuối năm khoảng 6,6%.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, sau 2 quý đầu năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, việc đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không khả thi khi hai quý cuối năm phải tăng trưởng đến 9% so với cùng kỳ.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2023 là khá thách thức nhưng vẫn có yếu tố "bất ngờ" nếu người dân, doanh nghiệp lạc quan.
Con số chính thức về tăng trưởng GDP quý III và 9 tháng 2023 sẽ được Tổng cục Thống kê công bố vào 9 giờ sáng ngày 29/9.
Kịch bản có xác suất xảy ra cao hơn là GDP quý III và quý IV sẽ tăng lần lượt là 6,5% và 7,5% khi xuất khẩu bớt giảm sâu ở khía cạnh kinh tế đối ngoại và mặt bằng lãi suất giảm thấp hơn đối với kinh tế nội địa. Tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo sẽ là 5,5%.
Ông Thành cũng cho rằng, yêu cầu tăng trưởng kinh tế với tốc độ 7%/năm trong 3 năm tới sẽ là rất thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Con số này đòi hỏi tiêu dùng nội địa tăng 7%, xuất khẩu tăng 8,5% (nhập khẩu có thể tăng cao hơn) và đặc biệt là tổng đầu tư tăng 9%. Còn phía các khu vực kinh tế sản xuất kinh doanh, nông nghiệp tăng 3%, công nghiệp 7-7,2% và dịch vụ 6,8 - 7%. Kịch bản này đòi hỏi ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì và các chính sách vĩ mô không bị đảo chiều theo hướng “giật cục”.
Tương tự, TS.Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, đánh giá việc phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ là hình chữ U và đáy rất dài, đây là thách thức rất lớn.
Thực tế, những dự báo trên hoàn toàn có cơ sở, bởi một trong những động lực tăng trưởng là xuất khẩu vẫn đang “dò” tín hiệu phục hồi. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tình hình thiếu đơn hàng xuất khẩu, đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá thấp vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ đạt 22,5 tỷ USD, giảm 16% so cùng kỳ.
“Tình hình xuất khẩu dệt may biến động xấu đi vào những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang đầu năm 2023”, ông Trường cho biết. Với mức giảm 16% trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam là quốc gia có mức giảm cao nhất trong các nước xuất khẩu dệt may và cao hơn nhiều so với mức giảm của tổng cầu thế giới.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Đồng Nai) cho hay, các nhà mua hàng quốc tế dự báo năm nay có thể vẫn chưa phải là đáy của nền kinh tế. Theo đó, ông dẫn ra những ý kiến lo ngại có thể kinh tế thế giới sẽ chạm đáy trong quý I, quý II năm sau và dự báo phục hồi trở lại vào năm 2025.
Theo ông Tứ, dự báo này không hẳn là không có cơ sở, bởi kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều lĩnh vực bị chuyển đổi, tác động bởi chiến tranh và sự chìm đắm của nền kinh tế theo chu kỳ 10 năm/lần. Những tác động tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đơn hàng của nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Tâm lý lạc quan sẽ là yếu tố bất ngờ cho tăng trưởng kinh tế
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục biến động phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng phức tạp, gay gắt, xu hướng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế rõ nét hơn.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT dẫn lại báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 6/2023 cho thấy dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ tăng 2,4% vào năm 2024 và 3% năm 2025; trong đó các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam tăng trưởng thấp (tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2024, 2025 là 0,8% và 2,3%; EU là 1,3% và 2,3%, Trung Quốc là 4,6% và 4,5%... Lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ có thể sẽ bớt thắt chặt nhưng diễn ra chậm…
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị: Chính phủ cần thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tập trung vào 3 động lực là tiêu dùng trong nước, đầu tư và xuất khẩu. Nghiên cứu, đánh giá kết quả tình hình thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, đề xuất ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí… để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Để có thể khôi phục lại năng lực sản xuất, xuất khẩu và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may trong giai đoạn tới, Chủ tịch Vinatex kiến nghị: Chính phủ và các Bộ ngành xây dựng nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện như gia hạn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng đất; hạ lãi suất vay và điều kiện thực tế tiếp cận vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp; Điều hành linh hoạt các giải pháp kinh tế - tài chính vi mô theo hướng có lợi cho hoạt động xuất khẩu để làm động lực thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới như chính sách tiền tệ, chính sách thuế xuất khẩu, các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như logistics.
Song, ở một góc nhìn lạc quan hơn, ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris (Pháp) cho rằng, bên cạnh những yếu tố tích cực từ bên ngoài đang trở lại, tâm lý lạc quan của người dân, doanh nghiệp trong nước có thể là yếu tố bất ngờ, tạo sự khởi sắc cho nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm.
“Khi người dân, doanh nghiệp có niềm tin về việc nền kinh tế đã vượt qua khó khăn, các hoạt động kinh tế sẽ diễn ra sôi động hơn”, ông Trí nói.
Chuyên gia này giải thích, với người dân, kinh tế lạc quan hơn sẽ tạo tâm lý tích cực, giảm bớt thắt chặt chi tiêu, qua đó kích thích khu vực dịch vụ, tiêu dùng. Còn với doanh nghiệp, lãi suất thấp cộng với triển vọng kinh tế tươi sáng hơn sẽ giúp hoạt động đầu tư cho sản xuất kinh doanh cũng diễn ra mạnh mẽ hơn.
"Đây có thể là một yếu tố bất ngờ cho tăng trưởng của Việt Nam trong những tháng cuối năm, tạo sự khởi sắc trong quý IV và sang các tháng đầu năm tới", ông Trí nhìn nhận.
Nhật Linh